Thông thường chúng ta vẫn cho rằng tất cả những loại xe 2 bánh (hoặc 3 bánh) đều là xe máy. Xe máy và xe gắn máy là một, còn những chiếc xe có phân khối lớn là mô tô.
Nhưng sự thật là hầu hết những chiếc xe ga, xe số hoặc xe côn mà chúng ta vẫn đi và nhìn thấy trên đường hàng ngày được gọi chung là xe máy, và trong luật gọi là mô tô.
Mục 4.30 và 4.31, điều 4 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ (gọi tắt là quy chuẩn 41) ghi rõ:
- 4.30: Xe mô tô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên, trọng lượng không quá 400kg đối với mô tô hai bánh hoặc sức chở từ 350kg đến 500kg đối với mô tô 3 bánh. Định nghĩa này không bao gồm xe gắn máy nêu tại Khoản 4.31 của Điều này.
- 4.31: Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50cm3.
Như vậy, mô tô là các phương tiện 2 bánh hoặc 3 bánh, có vận tốc thiết kế lớn hơn 50km/h và động cơ đốt trong với dung tích xi lanh lớn hơn 50cm3. Các loại xe ga như Vespa, Honda SH hay xe số như Honda Wave, Yamaha Sirius và xe phân khối lớn như Yamaha FZ150i, R3 đều được gọi chung là mô tô trong các văn bản luật.
Xe gắn máy là phương tiện có tốc độ tối đa không lớn hơn 50 km/h, có xi lanh nhỏ hơn 50cm3. Các xe gắn máy phổ biến như Cub, Babetta hay Mobyllete…. và cả xe máy điện.
Như vậy, người đi xe máy ở Việt Nam cần tìm tới mục "xe môtô" khi muốn tìm hiểu các thông tin về luật liên quan đến phương tiện của mình để tránh nảy sinh những hiểu lầm đáng tiếc.
Về tốc độ tối đa quy định: Xe máy tức xe mô tô, chạy tối đa tới 60 km/h trong khu dân cư và 70 km/h ở ngoài khu dân cư. Dù ở loại đường nào thì tốc độ tối đa của xe gắn máy cũng là 40 km/h.