Nữ sinh Trung Quốc kiện Asus đòi triệu đô

Chỉ vì một chiếc laptop mà bị bắt giam, Hoàng Tĩnh cùng gia đình đã yêu cầu Viện Kiểm sát bồi thường danh dự, khởi kiện Asus tội bán hàng giả và vu khống.

Từ chiếc máy tính xách tay đến trại giam

Ngày 7/3/2006, những nhân viên cảnh sát mặc sắc phục bất ngờ xuất hiện trước mặt Hoàng Tĩnh - khi đó đang là sinh viên năm thứ 3, Đại học Thương mại ở Bắc Kinh thông báo lệnh bắt tạm giam của Viện Kiểm sát khu Hải Điến để điều tra về hành vi lừa đảo. Cùng ngày, cô gái mới 22 tuổi Hoàng Tĩnh bị đưa đến phòng giam chật chội, tối tăm với hàng chục đối tượng phạm pháp khác, trong khi vẫn bàng hoàng chưa hiểu mình đã làm gì sai…

2 tháng trước, ngày 9/2, Hoàng Tĩnh mua một chiếc máy tính xách tay V6800V của Hãng Asus trị giá hơn 2 vạn NDT. Chiều hôm đó trong lúc sử dụng, màn hình đột ngột bị treo, khi tắt bằng tổ hợp phím Ctrl+Alt+Del thì không khởi động lại được nữa. Hoàng Tĩnh mang đến trung tâm bảo hành, qua mấy lần sửa chữa, chiếc máy vẫn không chạy được bình thường. Lần cuối cùng, kỹ sư của Asus cho cô biết CPU đã được nâng cấp từ 2.0 GHz lên 2.13GHz miễn phí để bù lại thời gian phải chờ đợi bảo hành.

Tuy vậy, chiếc máy tính “mới” càng nhiều “bệnh”, sau khi chạy chưa đầy 1 giờ, thân máy đã nóng lên đến mức cháy cả bề mặt bàn phím. Nhờ một người bạn của mẹ là Thạc sỹ công nghệ thông tin kiểm tra phần mềm, Hoàng Tĩnh mới biết CPU được cài đặt trong máy là sản phẩm đang thử nghiệm của Công ty Intel, tuy nhiên do tính ổn định kém nên công ty này đã cấm tiêu thụ trên thị trường. Khi tới Trung tâm Tư vấn phục vụ khách hàng của Asus phản ánh, kỹ sư của Asus thừa nhận công ty này đã đổi CPU.

Nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, ngày 15/2/2006, Hoàng Tĩnh đến gặp Tổng Giám đốc Kinh doanh của Công ty Asus Trung Quốc để thảo luận về bồi thường. Trong quá trình bàn bạc, Hoàng Tĩnh đề nghị khoản bồi thường có tính chất xử phạt đối với Asus là 0,05% thu nhập năm 2005 của công ty (tương đương 5 triệu USD), và số tiền này sẽ được sử dụng để thành lập Quỹ chống lừa gạt khách hàng.

Ngày 1-3, qua nhiều lần thương thảo không đạt kết quả, Hoàng Tĩnh tuyên bố dừng đàm phán với Asus để chuẩn bị khởi kiện. Sáng 7/3, khi tới trụ sở công ty này, cô bị Cảnh sát khu Hải Điến bắt giam, nguyên nhân do Asus đã giấu nhẹm sự thật về chiếc CPU, báo án tố cáo cô có hành vi lừa đảo. Về sự việc này, đại diện Asus tuyên bố trên báo chí: Hoàng Tĩnh lợi dụng CPU thử nghiệm mà Asus dùng trong quá trình sửa chữa để lừa đảo 5 triệu USD, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và hoạt động kinh doanh của công ty.

Lật ngược tình thế

Không tin con gái mình phạm tội, mẹ Hoàng Tĩnh một mặt động viên con, mặt khác thuê luật sư giỏi theo kiện. Trong 10 tháng sau đó, luật sư nhiều lần trao đổi với những người phụ trách điều tra, kiên trì quan điểm hành vi của Hoàng Tĩnh không có dấu hiệu lừa đảo, cùng lắm chỉ là đòi bồi thường quá lớn. Cùng lúc, việc điều tra của Viện Kiểm sát Hải Điến cũng mang lại những kết quả có lợi cho Hoàng Tĩnh. Ngày 26/12/2006, Viện Kiểm sát nhận định do không đủ chứng cứ, phê chuẩn lệnh thả người.

Được trả tự do, nhưng 10 tháng trong nhà giam đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý cô sinh viên mới 22 tuổi. Hoàng Tĩnh không thể tiếp tục đi học vì những người quen biết đều cho rằng cô phạm tội lừa đảo 5 triệu USD. Vậy mà tới tận tháng 11/2007, Hoàng Tĩnh mới nhận được kết quả điều tra vụ án: Viện Kiểm sát Hải Điến không khởi tố được vụ án vì không đủ chứng cứ. Quyết định không khởi tố viết: Chứng cứ về việc Hoàng Tĩnh phạm tội không rõ ràng, không đủ căn cứ khởi tố.

Tháng 6/2008, thông qua luật sư, Hoàng Tĩnh cùng gia đình yêu cầu Viện Kiểm sát Hải Điến bồi thường danh dự với số tiền 46.855 NDT cho 295 ngày bị giam. Ngày 26/10/2008, Hoàng Tĩnh bắt đầu tiến hành khởi kiện Asus tội bán hàng giả và vu khống.

Thứ Hai, 17/11/2008 14:58
1,52 👨 266
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp