Lo lắng, trầm cảm và hậu chấn tâm lý: Những tác động vô hình gây ra bởi tội phạm mạng

Lâu nay chúng ta thường đánh giá mức độ nghiêm trọng của một thảm họa an ninh mạng thông qua những thiệt hại về tài chính mà nó gây ra đối với tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, mà quên mất những hệ lụy tiêu cực về mặt tinh thần mà nạn nhân của các vụ tấn công mạng phải hứng chịu cũng vô cùng khủng khiếp.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết hệ quả từ những vụ vi phạm dữ liệu và các loại hình tội phạm mạng khác đang gây ra tổn thất tâm lý nặng nề cho hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Tất nhiên mức độ tổn thương nặng hay nhẹ cũng tùy thuộc vào thiệt hại từ vụ tấn công, nhưng lo lắng, trầm cảm và hậu chấn tâm lý (PTSD)… Chính là những loại tổn thương thường gặp nhất.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân sẽ bước vào giai đoạn “vật lộn” với cảm giác bất lực và dễ bị tổn thương. Giấc ngủ của họ có thể bị gián đoạn, cảm giác chán nản xâm lấn khiến họ không còn tâm chí và năng lượng để làm việc. Ở những thảm họa an ninh mạng lớn khiến nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề như bị giáng chức, sa thải, hay sụp đổ công ty… ảnh hưởng tâm lý sẽ càng tiêu cực. Họ tự “điều trị” cảm giác khó chịu đang xâm chiếm cơ thể bằng rượu và các loại thực phẩm tiêu cực. Tệ hơn cả là hội chứng hậu chấn tâm lý (loại rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài sau đó khi sự kiện đã kết thúc từ lâu).

Không quá khi nói rằng những hành vi tấn công mạng, trộm cắp dữ liệu thậm chí còn có thể phá hủy cuộc sống của một người. Mất sự nghiệp, tài sản, ly dị, bị xã hội lên án… sau khi thông tin cá nhân quan trọng bị đánh cắp là tình huống không hề hiếm gặp trong thế giới internet toàn cầu hóa hiện nay.

Rối loạn tâm lý

Thực tế, đã có không ít nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Theo một khảo sát gần đây của Identity Theft Resource Center, có tới 86% nạn nhân của hành vi trộm cắp danh tính cho biết họ cảm thấy lo lắng, tức giận và thất vọng. Gần 70% cảm thấy họ không còn có thể tin tưởng người khác và luôn trong cảm giác bất an. 59% rơi vào trạng thái trầm cảm. Trong khi một nửa số nạn nhân mất hoàn toàn sự hứng thú đối với các hoạt động hoặc sở thích quen thuộc.

Đáng nói, cảm xúc tiêu cực trên hoàn toàn có thể gây tác động vật lý lên cơ thể. Gần 85% số người được khảo sát báo cáo về sự rối loạn trong thói quen ngủ của họ, 77% nói về mức độ căng thẳng gia tăng và gần 64% cho biết họ gặp khó khăn trong việc tập trung. Mệt mỏi, nhức đầu và chuột rút là triệu chứng chiếm gần 57% trong số các trường hợp được hỏi.

Bên cạnh đó, cảm giác tội lỗi và xấu hổ là những phản ứng phổ biến đối với nạn nhân của các vụ trộm cắp dữ liệu.

Vậy làm thế nào để vượt qua trạng thái tâm lý tồi tệ sau khi trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng? Có một vài mẹo nhỏ nên áp dụng:

  • Hãy nói nhiều hơn về nó. Sau khi tình huống không mong muốn xảy ra, bạn không nên giữ nó trong lòng mà hãy trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn với người mà mình cảm thấy tin tưởng. Sự cảm thông và những lời khuyên chân thành từ họ sẽ là liều thuốc quý giá cho tâm trạng của bạn.
  • Lấy lại sự kiểm soát. Hãy tiếp tục công việc, kế hoạch mà bạn đang làm, đó là biện pháp hiệu quả để khắc phục những gì đã xảy ra.
  • Không buông thả bản thân. Đừng tìm đến rượu sau khi tình huống tồi tệ xảy ra. Thay vào đó, hãy đến phòng tập thể thao như thường ngày. Cũng đừng hoãn buổi tiệc đã lên kế hoạch, và hãy đi ngủ sớm như thường lệ.
  • Đừng tự trách mình. Cho dù nguyên nhân của rắc rối bắt nguồn bạn, hãy nghĩ về nó như một sự việc đã qua và bình tĩnh tìm cách khắc phục. Tự dằn vặt bản thân sẽ càng khiến tâm trạng của bạn tệ hơn
  • Tìm đến sự giúp đỡ. Nếu tình hình trở nên quá tệ, hãy tìm đến các bác sĩ tâm lý, càng sớm càng tốt.
Thứ Sáu, 28/02/2020 11:27
31 👨 220
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tấn công mạng