“Mỏ vàng” chưa khai thác

Gần một năm nay, thị trường quảng cáo trực tuyến tại VN khá sôi động khi Internet tốc độ cao (ADSL) đã trở nên phổ cập hơn. Tuy nhiên, doanh số ước tính của năm 2006 cũng chỉ có thể đạt 64 tỷ đồng, tức là chỉ chiếm 0,5% thị phần. Hiện các website và báo điện tử hoàn toàn sống được nhờ vào quảng cáo mới chỉ đếm trên đầu ngón tay và công nghệ quảng cáo còn đang chập chững bước đầu. Liệu có phải vì số lượng người dùng Internet còn quá ít?

Hẳn với cộng đồng 12,5 triệu người, tương đương 15,08% dân số, là một cộng đồng bạn đọc không thua kém bất kỳ một phương tiện truyền thông nào. Thêm nữa, đa phần họ là giới trẻ, có học thức và sức mua cao. Lý do khiến doanh số quảng cáo trực tuyến vẫn còn thấp là do doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến thị trường này. Người ta mới chỉ hiểu rằng Internet có tác động to lớn đến xã hội, chứ chưa chứng minh được bằng những con số cụ thể, như vậy sẽ càng khó thuyết phục khách hàng bỏ tiền ra. Tuy vậy, với xu thế phát triển của báo điện tử và các dịch vụ trực tuyến, tốc độ tăng trưởng của thị trường quảng cáo trực tuyến sẽ đạt 70 – 100%/năm và có thể đạt tới tổng doanh số 500 tỷ đồng vào năm 2010.

Nguồn: lifestylz
Chưa rõ "mỏ vàng" nói trên sẽ được khai thác ra sao nhưng người dùng Internet VN đã thường xuyên phải nhận rất nhiều thư điện tử quảng cáo, chiếm tới 95% lượng thư điện tử nhận được. Từ 4 – 5 năm nay đã có những "đầu nậu" chuyên cung cấp một số lượng lớn các địa chỉ e-mail của người sử dụng cho bất cứ ai có nhu cầu tiếp thị sản phẩm, dịch vụ. Với cách thức tiếp thị qua e-mail như vậy, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với việc mua chỗ trên các trang báo điện tử và website quảng cáo trực tuyến. Song điều này sẽ không thể tiếp tục thực hiện tự do nữa bởi người dùng Internet có quyền từ chối. Điều này sẽ được "luật hoá”.

Hiện nay, Bộ Thương Mại đang xây dựng dự thảo "thông tư hướng dẫn về quảng cáo thương mại" trên các phương tiện điện tử. Cơ chế được lựa chọn là các đối tượng sử dụng dịch vụ quảng cáo bằng e-mail và tin nhắn trên ĐTDĐ sẽ được phép thực hiện nếu người nhận dịch vụ không từ chối. Theo Bộ Thương Mại, nếu quản lý quá chặt, can thiệp sâu, sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vốn còn rất mới mẻ này tại VN.

Trung tâm Internet VN (VNNIC) đã cho phép tự do đăng ký tên miền cấp 2 .vn theo cách thức ai đến trước được đăng ký trước kể từ ngày 15/8/2006. Chỉ sau 2 ngày, đã có trên 2.500 hồ sơ đề nghị cấp phát tên miền này được gửi đến VNNIC. Do số lượng đăng ký quá lớn nên đến ngày 18/8/2006 VNNIC phải tạm thời ngừng tiếp nhận các hồ sơ được nộp trực tiếp để giải quyết việc cấp chứng nhận đăng ký cho các chủ thể đã nộp hồ sơ. Và điều phải đến đã đến, một loạt tên miền cấp 2 của các ngân hàng thương mại như vietcombank.vn, military.vn, vib.vn... đã mất vào tay các tổ chức khác. Không chỉ các ngân hàng mà nhiều cơ quan báo chí cũng lâm vào tình trạng tương tự. Theo một chuyên viên của VNNIC, trước khi cho phép đăng ký tự do, VNNIC đã gửi thông báo cho các chủ thể tên miền song không nhận được phản hồi. Vì thế, không có cơ sở nào để VNNIC phải "giữ chỗ" cho họ trong khi những đơn vị khác muốn đăng ký lại không được. Tuy nhiên, VNNIC cũng khẳng định sẽ thu hồi những tên miền đã cấp phát và xử phạt chủ thể "nếu có những bằng chứng cụ thể về việc đầu cơ”. Cần lưu ý, nếu căn cứ vào quy định hiện hành về việc khai thác và sử dụng tên miền thì chưa có giải pháp nào tỏ ra hữu hiệu để tháo gỡ vấn đề. Các ngân hàng cũng không thể đàm phán để mua lại vì quy định chưa cho phép mua bán tên miền.

Muốn hay không muốn thì những "mỏ vàng" trên Internet ở VN đã và đang được khai thác. Quảng cáo trực tuyến trên các phương tiện điện tử là một thị trường đầy tiềm năng và dù các quy định hiện hành không cho phép, người ta vẫn có thể đầu cơ tên miền theo các thoả thuận ngầm, để khi hết hạn người đã đăng ký sẽ không duy trì và chủ thể thực sự có thể đăng ký từ đó. Cùng với một hành lang pháp lý chính thức về quảng cáo trực tuyến, hoạt động mua bán tên miền cũng cần được thừa nhận chính thức giống như việc mua bán các số đẹp của ĐTDĐ.

Tân Khoa

Thứ Bảy, 09/09/2006 12:02
31 👨 129
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp