Sử dụng dữ liệu khuôn mặt của người dùng mà không có sự đồng ý, Microsoft, Google và Amazon chuẩn bị ra hầu tòa

Các hệ thống nhận dạng khuôn mặt đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn, kéo theo đó là sự đầu tư của hàng loạt các tập đoàn công nghệ khổng lồ trên trên toàn thế giới vào việc phát triển các ứng dụng nhận diện khuôn mặt mới tinh vi hơn, chính xác hơn nhờ sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo.

Về cơ bản, các công cụ nhận diện khuôn mặt dựa trên AI hiện nay thường được đào tạo bằng cách sử dụng dữ liệu thực, tức là hình ảnh khuôn mặt người thật bằng da bằng thịt, và đây chính là căn nguyên của rắc rối.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các công ty công nghệ minh bạch trong việc hỏi ý kiến một các nhân trước khi sử dụng dữ liệu khuôn mặt của họ cho mục đích đào tạo thuật toán AI. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ một lô hình AI nhận diện khuôn mặt đòi hỏi lượng dữ liệu đào tạo rất lớn, và việc hỏi ý kiến từng người thực sự bất khả thi. Đó là lý do tại sao các công ty thường tiến hành quét web để tìm dữ liệu công khai có thể được sử dụng trong việc này.

Cách tiếp cận như vậy đã tạo ra một cuộc tranh cãi xung quanh các vấn đề về quyền riêng tư đối với dữ liệu cá nhân, đây cũng là nguyên nhân khiến ba ông lớn Microsoft, Google và Amazon chuẩn bị phải ra hầu tòa.

Dữ liệu khuôn mặt của hàng triệu người đang bị sử dụng mà không có sự đồng ý
Dữ liệu khuôn mặt của hàng triệu người đang bị sử dụng mà không có sự đồng ý

Hai người đàn ông có tên Steven Vance and Tim Janecyk sống tại Illinois (Hoa Kỳ) đã đâm đơn khởi kiện ba công ty công nghệ trên với cáo buộc các công ty này sử dụng hình ảnh khuôn mặt của họ để đào tạo hệ thống nhận dạng khuôn mặt mà không được sự đồng ý.

Vance và Janecyk nói rằng hình ảnh khuôn mặt họ đã bị đưa vào một cơ sở dữ liệu có tên Faces thuộc kho lưu trữ của IBM. Sau đó được ba công ty công nghệ nêu trên sử dụng cho mục đích đào tạo các ứng dụng của riêng họ. Hai nguyên đơn cho rằng hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Đạo luật bảo mật thông tin sinh trắc học Hoa Kỳ (Biometric Information Privacy Act - BIPA), một đạo luật đã được thông qua hơn 10 năm trước nhằm bảo vệ cá nhân trước hoạt động sử dụng trái phép dữ liệu sinh trắc học.

Steven Vance and Tim Janecyk đang kêu gọi những người khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự tham gia vào vụ kiện để tạo sức ép lớn hơn buộc Microsoft, Google và Amazon phải có biện pháp bồi thường. Nếu thua kiện, các công ty này sẽ phải bồi thường khoản thiệt hại ít nhất 5000 USD cho mỗi cá nhân.

Microsoft là công ty duy nhất lên tiếng bình luận về vụ kiện tính đến thời điểm hiện tại, nói rằng họ đang xem xét các khiếu nại và luôn "coi trọng quyền riêng tư cá nhân".

Thứ Năm, 30/07/2020 23:21
31 👨 252
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ