Microsoft – hình mẫu hết thời?

Lần đầu tiên sau 23 năm, lợi nhuận của Microsoft giảm trong khi đó đối thủ Apple lại tăng trưởng vượt mức dự đoán. Sự tương phản này thể hiện điều gì?

Không quá khó để giới công nghệ nhận thấy sự khác biệt rất lớn giữa kết quả kinh doanh của 2 đại gia này. Cuối tuần trước, trong khi Microsoft công bố, lần đầu tiên sau 23 năm lợi nhuận trong quý của hãng đã giảm 32% còn Apple công bố mức tăng trưởng doanh thu 8,7%. Nói một cách tổng quát, Microsoft đang đi xuống còn Apple vẫn đang đi lên và điều đó có thể một lần nữa chứng minh rằng hình mẫu kinh doanh của hãng phần mềm lớn nhất thế giới đã lỗi thời.

Các lãnh đạo của Microsoft có thể biện hộ rằng đó là hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu và không chỉ một mình họ phải gánh chịu. Điều đó đúng nhưng liệu Microsoft sẽ giải thích thế nào với hiện tượng tăng trưởng của các đối thủ như Apple, Google hay Amazon? Chẳng lẽ suy thoái đã bỏ qua những hãng đó?.

Dù đã đặt ra nhiều chiến lược nhưng thành công vẫn là thứ "xa xỉ" đối với Microsoft
Apple đã trở thành một hiện tượng của thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ này. Thị phần của họ trong lĩnh vực máy tính cá nhân không ngừng gia tăng nhưng điều quan trọng nhất là họ đã tự xây dựng cho mình (và đã rất thành công) một thị trường chung cho cả những sản phẩm iPod và iPhone (cửa hàng ứng dụng trực tuyến App Store). Và không chỉ riêng Apple thành công trong lĩnh vực đó, Amazon cũng đã hồi sinh cho thị trường e-book trực tuyến của mình bằng sản phẩm thiết bị đọc sách điện tử Kindle.

Trong khi đó, Microsoft ngày càng trở nên lu mờ trong mắt khách hàng. Mới đây thôi, hãng phần mềm này đã quyết định phản pháo những chiến dịch quảng cáo mang tên “I am Mac” (Tôi là Mac) của Apple bằng loạt “I’m a PC” với hàm ý cho rằng họ mới là những ông chủ thực sự của thị trường máy tính khi đa số khách hàng mua PC vì chúng rẻ hơn máy tính Macintosh của Apple. Nhưng Microsoft đã lầm. Khách hàng khắp thế giới không hề mua Microsoft, họ mua Hewlett Packard (HP), mua Dell, Acer… hay nói chung là họ mua vì những thương hiệu hoàn toàn khác chứ không vì Microsoft. Microsoft chỉ được khách hàng biết đến thông qua đoạn quảng cáo kia mà thôi. Các đối thủ của họ như Google, Apple, và Amazon lại đi theo một hướng khác hoàn toàn. Họ có sản phẩm và họ cũng xây dựng riêng một thị trường dịch vụ để phục vụ cho các sản phẩm ấy. Hàng ngày, người tiêu dùng được nghe đến cái tên Apple và biết rằng hãng này có thể cung cấp cho họ cả phần cứng và phần mềm hay thậm chí là các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm, bổ trợ một cách mạnh mẽ các sản phẩm của họ. Còn họ nghĩ gì khi nói đến Windows? Đó chỉ là những trục trặc trong vấn đề driver (trình điều khiển) của máy in không tương thích với hệ điều hành, là những cảnh báo virus mới nhất. Sự khác biệt này đang lớn dần và cũng đang “giết dần” Microsoft.

Dẫu vậy, Microsoft vẫn có trong tay “cả núi tiền”, đủ để giúp họ ung dung vượt qua cuộc khủng hoảng này hay thậm chí là tiến hành nhiều thương vụ thâu tóm đình đám khác. Sự rủng rỉnh về tiền bạc có thể cũng là một nguyên nhân khiến Microsoft tạm thời chưa nghĩ đến việc thay đổi những chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. Một năm trước, trong khi cả thế giới đã bắt đầu “sốt vó” vì khủng hoảng thì Microsoft lại sẵn sàng lao vào cuộc chiến nhằm thâu tóm Yahoo bằng túi tiền rủng rỉnh của mình.

Có thể Microsoft sẽ vẫn còn song hành cùng thế giới công nghệ trong một khoảng thời gian khá dài nữa nhưng công bằng mà nói, sự sáng tạo đã chết trong mô hình kinh doanh của họ. Trên khía cạnh doanh nghiệp, chắc chắn Microsoft không muốn chỉ sống nhờ vào việc bán Windows và Office và họ đã nỗ lực rất nhiều để thay đổi nhưng đến giờ này, thành công vẫn chỉ là 2 chữ “xa xỉ” hay nói cách khác, Microsoft không biết làm cách nào để thoát ra khỏi cái vong luẩn quẩn đó. Phải chăng, đã đến lúc cần có một cuộc “thay máu” cấp cao trong lòng Microsoft?

Thứ Ba, 28/04/2009 09:15
31 👨 390
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp