Máy tính Mac: Một thế giới khác?

Trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các sản phẩm Apple ở thị trường Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Khởi đầu với cơn sốt iPhone, những chiếc máy tính thương hiệu “Táo” ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dùng.

Trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các sản phẩm Apple ở thị trường Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Khởi đầu với cơn sốt iPhone, những chiếc máy tính thương hiệu “Táo” ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dùng. Nói cách khác, máy Mac đã trở thành một lựa chọn mới thực sự hữu dụng thay vì chỉ là công cụ độc quyền của những người dùng chuyên về đồ họa hay điện ảnh trước kia. Ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, ngày càng có nhiều người rời nền tảng PC (Windows) để tới với Mac. Vậy, sự đặc biệt của những chiếc máy tính Mac nằm ở đâu?

Mac bắt nguồn từ đâu?


Chiếc máy Mac đầu tiên 1984.

Những chiếc máy tính Mac (tên đủ là Macintosh) bao gồm nhiều mẫu do Apple sản xuất. Chiếc đầu tiên xuất hiện vào năm 1984 và được xem như mẫu máy tính cá nhân đầu tiên thành công với công cụ trỏ chuột, giao diện người dùng đồ họa thay vì những dòng lệnh nhàm chán trước đó. Giai đoạn 1990, máy Mac có phần bị lu mờ do thị trường ngả về các mẫu máy tính IBM với hệ điều hành (HĐH) MS-DOS và Microsoft Windows trên nền các BXL Pentium (Intel) với khả năng lắp ráp linh hoạt và giá thành rẻ hơn.

Sự trở lại của Mac được đánh dấu vào năm 1998 khi CEO kiêm sáng lập viên huyền thoại Steve Jobs quay trở lại Apple, đồng thời dòng sản phẩm iMac tất-cả-trong-một được tung ra thị trường. Đây có thể coi là “thuốc tiên” đã hồi sinh dòng máy Mac, tuy vẫn chưa kéo thị phần trở lại mốc cũ. Cho tới nay, toàn bộ các dòng máy Mac chủ yếu hướng tới đối tượng người dùng gia đình, học tập và các công việc liên quan tới sáng tạo, nghệ thuật… với đầy đủ các dòng chính như Mac Mini, iMac, Mac Pro, Macbook, Macbook Pro, Macbook Air và Xserve.

Trước đây, các dòng máy Mac sử dụng chip PowerPC (còn gọi là Rosetta) điển hình là iMac G3/G4/G5, Power Mac cũ hay Powerbook G4. Hiện tại, toàn bộ chúng đều được trang bị chip Intel x86-64 với đồ họa AMD Radeon hoặc NVIDIA GeForce. Chuột của Mac hiện cũng đã có đầy đủ 2 nút, bánh xe cuộn và thậm chí là nút bấm phụ thay vì chỉ có một nút như giai đoạn trước.

Điều gì khiến Mac khác biệt?


CEO Steve Jobs ra mắt Macbook Air.

Ngay từ khâu ý tưởng, Mac và PC đã có rất nhiều sự khác biệt. Như đã đề cập ở trên, ngay từ khi ra mắt, Mac đã dùng đồ họa thay vì dòng lệnh. Điều này cho thấy nó luôn hướng tới nhu cầu sử dụng thực tế nhiều hơn tính kỹ thuật. Ngay cả thời đại Windows 7 và OS X 10.6 hiện tại, điều này cũng khá rõ nét. Với Windows, người dùng có thể tùy biến khá mạnh, cài đặt trình điều khiển, các phần mềm hỗ trợ đa dạng và vô số các tùy chọn trong Control Panel hay Registry… Trong khi với OS X, bạn có vừa đủ thứ bạn cần ngay khi HĐH vừa cài đặt xong cùng các tùy chọn chỉ ở mức đơn giản - đủ cho nhu cầu chung. Điều này tạo ra 2 sự khác biệt - dễ dàng cho người dùng nói chung (vốn ít kinh nghiệm kỹ thuật) nhưng lại hạn chế tương đối với những ai đam mê công nghệ. Do đó không có gì lạ khi “dân chơi công nghệ” thường có xu hướng gắn bó với "bộ đôi" PC-Windows hơn.

Cũng từ xu hướng “Simple is the best” (tạm dịch "Đơn giản là tốt nhất") và “Think Different” ("Nghĩ khác biệt") này mà nhiều đặc điểm khác của 2 hệ máy cũng phân chia rõ rệt. Độ ổn định của hệ thống Mac được đánh giá cao hơn so với Windows. Theo đánh giá chung, lý do chính nằm ở chỗ Apple cùng lúc phát triển cả phần cứng và phần mềm (HĐH và ứng dụng). Điều này cho phép họ tối ưu hóa tính tương thích cũng như sửa lỗi phát sinh nhanh chóng.

Điều này khác với mô hình của PC-Windows - nơi mà HĐH, phần cứng, trình điều khiển, ứng dụng … mỗi thứ lại do một nhà sản xuất độc lập đảm nhận. Dĩ nhiên, đặc điểm này cho phép PC -Windows trở nên đa dạng và linh hoạt hơn trong việc lắp ráp, nâng cấp, chọn lựa ứng dụng nhưng cũng đồng thời tạo ra sự chậm trễ trong việc khắc phục lỗi; và ổn định hệ thống. Tuy nhiên, bản thân Apple cũng chỉ cung cấp một số ít dòng máy với cấu hình tương đối hẹp trong khi PC-Windows có hàng ngàn lựa chọn từ hàng trăm nhà sản xuất khác nhau - tạo điều kiện tốt hơn cho việc mua sắm của người dùng.

Song song với những ưu điểm theo kiểu “na ná nhưng tốt hơn”, máy Mac cũng có nhiều tiện ích nhỏ được đánh giá là có hữu ích với việc sử dụng hàng ngày của người dùng.

Và... “độc quyền” Mac OS X


SJ bên chiếc iMac năm 1990.

Dĩ nhiên, HĐH chuyên dụng cũng là một thế mạnh (hay yếu?) của Mac. Là 1 trong những đối thủ mạnh của Windows. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết tính năng của Windows đều “mượn” từ Mac OS như giao diện đồ họa, khả năng tìm kiếm tức thời trong Vista hay Start Menu mới trong Windows 7. Dù HĐH này khởi nguồn từ 1984 nhưng mãi tới 1997 nó mới chính thức mang tên Mac OS cho tới ngày nay. Phiên bản Mac OS X đầu tiên ra mắt với thanh Dock và giao diện người dùng Aqua mới. Phiên bản mới nhất hiện tại là Mac OS X 10.6 với tên mã Snow Leopard.

Ưu điểm trước hết của OS X chính là hầu như không có phần mềm phá hoại, gián điệp hay virus nào. Do đó, người dùng hầu như chẳng phải quan tâm tới các ứng dụng chống lại những yếu tố trên. Bên cạnh đó, lõi UNIX cũng giúp OS X trở nên an toàn hơn so với Windows. Đáng chú ý, những tiện ích đi kèm với OS X được đánh giá cao hơn so với những gì Microsoft tích hợp trong Windows. Bản thân Apple cũng quảng cáo những chiếc máy Mac là “Just works”, không cần trải qua các bước cài đặt hay tìm kiếm ứng dụng phức tạp. Do Mac OS không phải là HĐH thông dụng như Windows nên số ứng dụng cho nó cũng ít hơn Windows khá nhiều; tuy nhiên, những thứ thông dụng đều có đầy đủ, thậm chí là Microsoft Office, Adobe Photoshop hay Firefox. Nhiều game “đỉnh” cũng có mặt trên cả 2 nền tảng này.

Trước đây, Mac OS không cho phép khởi động kép nhiều HĐH – một phần do phần cứng giới hạn. Kể từ khi Apple chuyển qua sử dụng nền tảng Intel mới, các hệ thống Mac có thể cài tốt cả Windows để sử dụng song song (với sự hỗ trợ của tiện ích Bootcamp). Điều này đã giải quyết bài toán tương thích phần mềm đồng thời tạo ra ưu thế mới cho các dòng máy Mac (với khả năng cài được Windows trong khi những mẫu PC-Windows thì không thể cài được OS X một cách chính quy). Ngoài ra, người dùng còn sử dụng được nhiều công cụ ảo hóa như VMWare, Parallels Desktop… để chạy Windows trên Mac.

Những dòng sản phẩm chính của “Táo”


Snow Leopard.

Nhắc tới máy tính để bàn của Apple, không thể không nhắc tới iMac. Có thể xem đây là mẫu máy thành công nhất của họ hàng nhà Táo. Với kiến trúc theo kiểu “tất cả trong một”, iMac có ưu thế về tính gọn gàng; thời trang hơn so với các đối thủ khác trên thị trường. Không chỉ có vậy, với mỗi dòng máy chính (máy tính để bàn, MTXT và máy chủ), Apple đều có 3 dòng riêng gồm siêu gọn nhẹ, phổ thông và chuyên nghiệp.

Máy tính để bàn

Nhỏ gọn: Mac Mini; Phổ thông: iMac; Chuyên dụng: Mac Pro

Mac Mini xứng danh là chiếc máy tính quyến rũ nhất. Với kích thước nhỏ gọn (chỉ nhỉnh hơn ổ DVD máy bàn chút ít), Mac Mini có thể nhét lọt hầu như mọi vị trí (kể cả trên xe hơi). Về cấu hình, nó khá giống với Macbook, thường có CPU Core 2 Duo, RAM 2/4GB, đĩa cứng 320/500GB. Trong khi đó, iMac tích hợp sẵn màn hình với nhiều kích thước từ 21,5” tới 27” mới nhất. Cấu hình của iMac khá cao với lựa chọn Core i5/i7, đồ họa Radeon HD 5000 và ổ cứng lên tới 1TB.

Riêng với những nhu cầu xử lý cao cấp (đồ họa chuyên nghiệp, biên tập phim hay thậm chí… chơi game chất lượng cao), Apple cung cấp dòng Mac Pro. Những phiên bản mới được trang bị chip 12 lõi xử lý Xeon với khả năng xử lý 24 luồng cùng lúc (thông qua công nghệ siêu phần luồng). Đây là sức mạnh tính toán hết sức đáng nể (chưa xét tới bộ nhớ RAM hàng chục GB và đồ họa Radeon 5870 hay FireGL chuyên dụng). Mặc dù sử dụng phần cứng chung với máy tính để bàn nhưng thực tế do sự khác biệt về BIOS và phần mềm, bạn sẽ không thể đơn thuần mua các loại card màn hình hay bo mạch chủ thay thế khi cần.

Trừ iMac, cả Mac Mini và Mac Pro đều cần màn hình rời. Dĩ nhiên, Apple cung cấp đầy đủ màn hình CinemaDisplay, chuột Magic Mouse và bàn phím Apple Keyboard (có phiên bản không dây) cho các sản phẩm của mình.

Máy tính xách tay

Nhỏ gọn: Macbook Air; Phổ thông: Macbook; Chuyên dụng: Macbook Pro

Nếu như iMac thống trị thị trường máy tính "tất cả trong 1" thì những chiếc Macbook Pro hay Macbook Air cũng được xem như ngôi sao của thế giới MTXT. Macbook Air hiện vẫn là chiếc máy tính mỏng nhất thế giới với kích thước chuẩn 11” hay 13” và BXL Core 2 Duo.

Macbook đứng ở vị trí giữa, đáp ứng nhu cầu phổ thông. Đây cũng là dòng máy duy nhất của Apple hiện tại có lớp vỏ nhựa polycarbonate. Macbook có cấu hình ngang với Macbook Pro 13”, cũng dùng Core 2 Duo kèm đồ họa tích hợp nVIDIA GeForce 320M cho phiên bản mới nhất.

Riêng Macbook Pro được ưa chuộng không chỉ do kiểu dáng với lớp vỏ nhôm Unibody hay màn hình khá đẹp mà còn ở cấu hình bên trong (tùy chọn Core i7 trên nền đồ họa nVIDIA GeForce GT 330M) và các tính năng đặc biệt như bàn phím phát sáng, cảm biến sáng, trackpad cảm ứng đa chạm… (nhiều tính năng trong số này cũng có mặt trên Macbook Air và Macbook). Các dòng Macbook nói chung có thời lượng dùng pin khá lâu trên nền OS X (7-10 tiếng) và thời gian chờ lên tới 30 ngày.

Máy chủ

Nhỏ gọn và phổ thông: Mac Mini Server; Chuyên dụng: Xserve

Đối với nhu cầu máy chủ cỡ nhỏ cho văn phòng, gia đình hay doanh nghiệp nhỏ, Apple cung cấp phiên bản Mac Mini Server. So với mẫu đề cập ở phần trên, phiên bản Server có 2 đĩa cứng 500GB (tổng dung lượng 1TB) và được cài sẵn phiên bản Mac OS X Server. Ngoài ra nó cũng không có ổ quang DVD-RW như phiên bản phổ thông.

Trong khi đó, Xserve vẫn là một bí ẩn với nhiều người dùng. Hệ thống khung (rackmount) 1U với 2 chip Intel Xeon (8 lõi) này chủ yếu được các doanh nghiệp đã quen thuộc với Mac từ những ngày đầu của dòng máy này sử dụng. So với các mẫu máy chủ phổ biến trên thị trường, ngoài những khác biệt về tính năng, Xserve có vẻ ngoài khá hấp dẫn - trái ngược với môi trường doanh nghiệp “buồn tẻ”.

Dĩ nhiên, khi đã nắm được những thông tin cơ bản về máy Mac và máy tính Windows, người dùng sẽ phân vân giữa việc lựa chọn dòng máy nào cho phù hợp. Vậy sự khác biệt giữa 2 dòng máy này sẽ tác động thế nào tới nhu cầu sử dụng của người dùng? Chúng ta hãy cùng thảo luận trong những kỳ tới!

Thứ Tư, 29/12/2010 09:26
31 👨 724
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp