Mạng xã hội có thể làm hại bạn

Theo nghiên cứu, người ta thường đăng mọi thứ lên các website mạng xã hội. Và những thông tin đó có thể bị dùng để làm hại họ.

Mạng xã hội có thể làm hại bạn

Trong nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã phải đương đầu với thách đố của truyền thông xã hội. Trước đây, đã có nhiều tranh luận về sự lợi hại của việc dùng tiện ích chat trên mạng (IM) và viết nhật ký cá nhân trên mạng (blog) khi đang làm việc, cũng như những thách đố mà các nhà quản lý kinh doanh và CNTT phải đối phó khi xử lý các vấn đề này.

Doanh nghiệp nào đến giờ chưa giải quyết những vấn đề trên bằng những chính sách được công bố rõ ràng đều bị xem là lạc hậu, vì ngày nay còn có nhiều thứ ngoài blog và IM để chúng ta phải quan tâm đến. Vấn đề quan trọng hơn phải giải quyết là ngày càng nhiều người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong cơ quan, những phương tiện này dễ dàng giúp nhân viên dùng thời gian làm việc để viết blog và tương tác về mặt xã hội.

Năng suất không phải là mối quan tâm duy nhất. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội không thận trọng có thể bị nguy cơ đe dọa về tính bảo mật và cũng có thể bị kiện tụng vì tội phỉ báng. Đó là vấn đề các doanh nghiệp phải quan tâm, nên ngày càng nhiều công ty đã cố gắng cấm nhân viên truy cập các trang web mạng xã hội trên hệ thống của họ.

Cấm cửa các trang web là một biện pháp truyền thống của nhiều doanh nghiệp; chọn ngăn nội dung khiêu dâm, bạo lực và game cũng đã được thực hiện khi cho phép truy cập Internet. Nhưng đã có nhiều thay đổi, và việc ngăn cấm trên có thể không còn hiệu quả như trước. Hầu hết người dùng hiện nay đều có trong tay một thiết bị cá nhân. Chúng ta gọi đó là điện thoại, nhưng đây chỉ là một uyển từ khéo đặt cho một thiết bị có thể kết nối với mạng mọi lúc mọi nơi và có chức năng thoại. Nếu bị ngăn truy cập trang Facebook bằng máy công ty, thì họ có thể lấy thiết bị cá nhân trong túi ra rồi kích hoạt ứng dụng ưa thích của họ trên điện thoại. Việc này đã giúp cách ly người dùng với nhân viên CNTT và các nhà quản lý doanh nghiệp.

Đối với nhiều người dùng, điều này có nghĩa là họ có nhiều cơ hội hơn để có thể phát biểu trên mạng những điều được cho là không thích hợp. Họ phải hiểu là một bài viết bất lợi trên mạng có thể quay ngược lại làm hại họ ngay cả khi được đăng vào tài khoản cá nhân trên Twitter, trên Facebook hay trong hồ sơ cá nhân của LinkedIn.

Bạn hãy thử tìm trên Facebook cụm từ “ông sếp ngu ngốc của tôi”. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều trang hiện ra. Hãy nhớ rằng những gì đăng trên Internet sẽ vẫn còn trên Internet mãi mãi. Nhờ vào cơ cấu lưu trữ tạm trên web (caching), hầu như không có cơ hội thực hiện lại một thao tác. Một khi bạn đã nhấn nút “share” (chia sẻ) thì có hàng triệu người khắp thế giới có khả năng thấy được hàng chữ của bạn và hồi đáp lại. Khi đăng bài trên Twitter, bạn không chỉ nói chuyện với bạn bè của bạn mà còn có thể với rất nhiều người.

Những gì bạn viết trên phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể huỷ hoại công việc của bạn, và có thể sẽ theo ám bạn ngay cả khi bạn cố tìm một công việc mới.

Đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và CNTT, khi người ta có thể tiếp cận phương tiện truyền thông xã hội mọi lúc mọi nơi thì các vị lãnh đạo này phải tìm một biện pháp khác để ngăn chặn hệ thống mạng. Đây là trường hợp chưa có một công nghệ nào để ngăn chặn ngoài việc sử dụng biện pháp giáo dục. Cấm sử dụng phương tiện truyền thông xã hội không chỉ đơn thuần là không hiệu quả, mà còn bỏ qua khả năng người dùng phát biểu quá nhiều về các vấn đề kinh doanh nhạy cảm trong thời gian rảnh rỗi, khi ở nhà và trên máy tính riêng của họ. Đó là lý do bộ phận CNTT phải cật lực làm việc với bộ phận nhân sự để đề ra những chính sách đúng đắn, và sau đó truyền đạt rành mạch các chính sách này để giúp người dùng hiểu được tầm quan trọng của hành động và lời nói của họ.

Dĩ nhiên, việc này cũng hữu ích nếu người ta hiểu rằng không phải mọi ý nghĩ trong đầu họ đều thích hợp để đưa lên mạng xã hội.

Các hình ảnh táo bạo và những phát biểu riêng tư trên các trang mạng xã hội đều có thể bị khai thác và dùng làm chứng cứ chống lại bạn bằng những cách bạn không ngờ tới.

Các lỗ hổng bảo mật trực tuyến và sự ngây thơ của người dùng đều đang làm sự riêng tư bị vi phạm và thông tin cá nhân bị đánh cắp. Tất cả các việc này khiến mạng xã hội trực tuyến có thể làm nguy hại đến đời sống của bạn.

Một quan chức của trường đại học Cambridge (Anh) thừa nhận đã kín đáo theo dõi các trang web của ứng viên xin việc – một tập quán trở thành phổ biến khi tuyển dụng nhân viên. Theo một nghiên cứu cho biết, hiện giờ có 62% chủ doanh nghiệp người Anh kiểm tra các trang Facebook, MySpace hay Bebo của vài ứng viên xin việc, và một phần tư trong số họ cuối cùng đã loại các ứng viên này. Lý do là họ quan tâm đến vấn đề “lạm dụng rượu bia”, đạo đức và “không coi trọng công việc”.

Kết quả trên nên được dùng để cảnh tỉnh những ai đã từng đăng thông tin cá nhân lên mạng. Hàng triệu người đang để thông tin cá nhân của họ trên mạng, phần lớn được lưu trữ và vẫn còn tìm thấy được qua các công cụ tìm kiếm ngay cả khi tác giả đã gỡ bỏ trang web. Khi người đọc là những nhà tuyển dụng tương lai tìm thấy những thông tin này, nó có thể ảnh hưởng nhiều đến quyết định của họ.

Mạng xã hội có thể làm hại bạn
Facebook, mạng xã hội với hơn 750 triệu người dùng.

Ở Mỹ, việc theo dõi các trang web mạng xã hội để tìm nội dung mà các doanh nghiệp và quan chức có thể quan tâm, nay đã trở thành thường xuyên đến nỗi trên thị trường có những phần mềm giúp tự động hoá quá trình theo dõi. Chắc chắn là cũng có xuất hiện các phần mềm chống rình mò, cho thấy viễn cảnh “chạy đua vũ trang” bảo mật trong những năm sắp tới. Thí dụ, phần mềm của ReputationDefender giúp làm các thông tin riêng tư tế nhị như báo cáo tín dụng, có thể giúp loại bỏ ra khỏi hồ sơ lưu trữ trên mạng những tài liệu mà bạn không muốn tiết lộ. Michael Fertik, CEO của hãng này cho biết mức cầu về dịch vụ này hiện khá khác thường, họ hiện đã có đến hàng trăm khách hàng ở Anh.

Ông Fertik cho biết, giới trẻ ngày nay làm những việc trước đây họ luôn làm trên giấy, nhưng bây giờ họ lại làm những việc này trên web... Việc đầu tiên chúng tôi thực hiện là vận động những người liên quan và yêu cầu họ gỡ bỏ các tài liệu này bằng cách trước hết đi đến cá nhân này, sau đó đến quản trị viên, và nếu cần đến kiểm soát viên ISP.

Điều mà ông và các chuyên gia khác nhấn mạnh là sự ngây thơ trực tuyến của nhiều người dùng mạng xã hội. Chuyên gia bảo mật William Malcom của hãng luật Pinsent Masons cho biết, thay vì nghiên cứu loại thông tin nào có thể gây ra nguy cơ, ta nên suy nghĩ là mình đang chia sẻ thông tin này với ai. Nếu bạn không biết chắc về người thứ 3 trên trang web, thì bạn phải tự hỏi là bạn sẽ chia sẻ ở ngoài đời hay không, và câu trả lời có lẽ là không.

Ngoài việc dại dột đăng tải các nội dung, nhiều người có thông tin riêng tư bị xâm phạm hay thông tin bản thân bị đánh cắp vì chính họ ngây thơ vào các trang mạng xã hội còn nhiều lỗ hổng trong bảo mật, và có những người khác sẵn sàng khai thác thông tin đó. Tháng trước, một tin tặc đã tải xuống được nửa triệu hình ảnh riêng tư từ MySpace và phổ biến các hình ảnh này trên trang chia sẻ tập tin BitTorrent.

Mặc dù MySpace, Facebook và Bebo đã cố gắng hết sức để duy trì tính riêng tư cho người dùng, vẫn còn hàng loạt các lổ hổng bảo mật liên quan đến các ứng dụng được cài đặt trên các trang đó. Con số các ứng dụng này lên đến hàng chục nghìn, hầu hết không phải do các công ty mà là do cá nhân. Hầu hết tất cả các ứng dụng đều đòi hỏi người dùng phải đăng ký một ít thông tin cá nhân để tải được ứng dụng, và để bắt đầu công việc, tất cả thông tin mà kẻ cắp thông tin cá nhân là họ tên, địa chỉ, ngày sinh, tên của thú cưng, cha mẹ hay anh em. Việc sử dụng trang mạng xã hội để phạm tội hay chống cá nhân cũng rất phổ biến. Thực tế thì mỗi tuần đều thấy có người lợi dụng tình dục đã dùng MySpace hay Facebook để chinh phục lòng tin các cô gái trẻ.

Không ngạc nhiên gì khi cái có mặt mọi lúc mọi nơi là các trang mạng xã hội này đang bị khai thác bởi những tên tội phạm lợi dụng xâm phạm tình dục trẻ em và các tội phạm khác. May thay số người bị ảnh hưởng không nhiều. Nhưng việc sử dụng nội dung trang cá nhân trong các tranh chấp dân sự, ly dị, tuyển dụng nhân viên và các hoạt động pháp lý sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người vẫn còn ngây thơ chia sẻ ý nghĩ và những giây phút riêng tư của họ với thế giới mạng.

Người phát ngôn của Facebook cho biết, họ có thể được yêu cầu tiết lộ thông tin người dùng theo yêu cầu hợp pháp, như trát hầu toà hay án lệnh của thẩm phán, hay theo luật định. Facebook không tiết lộ thông tin cho đến khi họ tin tưởng hoàn toàn rằng yêu cầu thông tin của cơ quan thi hành pháp luật hay của cá nhân khởi kiện đáp ứng tiêu chuẩn pháp định.

Các trang mạng xã hội đã mang lại niềm vui không ngờ cho hàng triệu người. Nhưng nếu các khuynh hướng hiện giờ cứ tiếp tục và người dùng không khôn ngoan hơn, các trang này sẽ có thể sớm mang lại cho họ những cú sốc cũng không kém bất ngờ.

Lịch sử trực tuyến tăng trưởng không ngừng của mạng xã hội

  • Thời gian từ giữa đến cuối thập niên 1990: Các trang mạng xã hội đầu tiên xuất hiện như SixDegrees và ClassMates. Đến năm 1999, MySpace bắt đầu hoạt động; cùng lúc đó Hertfordshire cùng với Steve và Julie Pankhurst thành lập trang Friends Reunited.
  • Ngày 22/3/2002: Jonathan Abrams khai trương Friendster ở California (Mỹ). Trang này một thời được xem là trang mạng xã hội số 1.
  • Tháng 3/2003: MySpace, được xem là trang mạng xã hội lớn nhất, được Tom Anderson ra mắt.
  • Ngày 4/2/2004: Facebook được ra mắt do chàng sinh viên Mark Zuckerberg của trường đại học Havard (Mỹ). Lúc đầu, mạng này chỉ dành cho sinh viên trường Havard. Trong vòng 2 tháng, Facebook được đưa vào tất cả các trường thuộc hệ thống Ivy League và trong 2 năm tiếp theo, có thêm các trường đại học, trung học và các công ty tham gia.
  • Ngày 2/9/2004: Một vụ kiện chống Zuckerberg do các nhà sáng lập ConnectU là Tyler và Cameron Winklevoss khởi kiện, cho rằng anh ta đã sử dụng bất hợp pháp ý tưởng và các mã trang web của họ sau khi anh làm việc cho trang này với tư cách lập trình viên.
  • Tháng 1/2005: Hai người Anh Michael và Xochi Birch ra mắt trang Bebo. Trang này nhanh chóng leo lên hàng đầu các trang mạng xã hội.
  • Ngày 23/8/2005: Tên miền facebook.com được mua với giá 200.000 USD.
  • Tháng 3/2006: Facebook từ chối lời chào mua trang này với giá 750 triệu USD, tự cho là họ có thể kiếm được 2 tỷ USD.
  • Tháng 9/2006: Nhật báo Phố Wall cho biết Yahoo đang đàm phán với Facebook để mua lại trang này với giá 1 tỷ USD.
  • Ngày 22/8/2006: Facebook ký một hợp đồng 3 năm ở Mỹ với Microsoft để làm nhà cung cấp quảng cáo độc quyền trên trang này thay cho chia sẻ doanh thu.
  • Ngày 11/9/2006: Facebook mở cửa cho mọi người từ 13 tuổi trở lên có địa chỉ email tham gia.
  • Ngày 28/3/2007: Vụ kiện của ConnectU được khép lại không tuyên án. Họ tức thời nộp đơn kiện lại và được xử mới.
  • Ngày 24/10/2007: Microsoft mua lại 1,6% cổ phần của Facebook với giá 240 triệu USD, và sẽ bắt đầu bán quảng cáo cho Facebook trên thế giới và luôn cả ở Mỹ.
  • Tháng 12/2007: Zuckerberg xin lỗi trước công chúng vì đã tung ra hệ thống quảng cáo gây tranh cãi Beacon trên Facebook.
  • Tháng 6/2011: Một số nguồn tin công bố Facebook đạt được 750 triệu người dùng trên toàn thế giới, tuy vậy hãng này không đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin này.
  • Ngày 28/6/2011: Mạng xã hội Google+ chính thức ra mắt nhằm cạnh tranh với Facebook, nhưng chỉ thử nghiệm với một số người dùng được mời.
  • Tháng 9/2011: Google+ chính thức mở cửa cho mọi người.
Thứ Hai, 26/09/2011 08:55
31 👨 562
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp