LiveView – từ bình dân thành thời thượng

Vốn xuất hiện như một tính năng hết sức tầm thường và có mặt ở tất cả các máy ảnh số bình dân "point and shot", giờ đây LiveView (xem ảnh sống) lại trở thành một tính năng thời thượng trên các dòng máy DSLR.

Việc cho xem ảnh sống của Olympus E330 là một cuộc cách mạng trong thế giới DSLR. Ảnh: SMH.


Tính năng LiveView là một bước đột phá của máy ảnh kỹ thuật số so với máy ảnh phim, bởi lẽ nó cho phép người chụp có thể để máy ra xa và ngắm khuôn hình mình định chụp mà không cần phải nhìn qua khung nhìn (ViewFinder) bé. Trải qua một quá trình dài phát triển, tình năng này trở thành mặc định, hiển nhiên phải có đối với máy ảnh số, đến mức không ít khách hàng bình dân khi tiếp xúc với DSLR đã không biết phải chụp thể nào vì không quen nhìn qua khung nhìn. Cũng như không thể hiểu nổi tại sao DSLR sở hữu một màn hình LCD lớn như vậy mà cũng chỉ để xem ảnh và truy cập menu.

Bản chất của chức năng LiveView đối với máy ảnh bình dân thực ra rất đơn giản. Do được đóng gói trong một thể thống nhất gồm ống kính, chíp cảm biến và bảng mạch, nên bất kỳ khi nào bật máy, các điểm ảnh trên chip cảm biến cũng lập tức hoạt động, sẵn sàng bắt sáng. Mọi hình ảnh nhìn được qua ống kính sẽ tới thắng cảm biến, và cảm biến sẽ liên tục truyền các hình ảnh này ra màn hình LCD sau máy thông qua chip xử lý hình ảnh.

Nhưng đối với DSLR thì khác hẳn. Do là dòng máy ảnh ống kính rời, nên cảm biến bắt sáng của DSLR luôn được đóng kín và được che chắn bởi cửa trập và gương phản chiếu. Mọi hình ảnh đi qua ống kính sẽ vào tới gương phản chiếu, từ gương này hình ảnh được phản chiếu lên lăng kính ngũ giác trên phía đèn máy ảnh rồi tiếp tục phản chiếu ra khung nhìn.

Cách phản chiếu hình ảnh thông qua gương của DSLR còn gọi là hệ thống kiểu TTL. Ảnh: Dpreview.


Để có một tính năng “bình dân” như máy số thông thường, phải có cơ chế điều chỉnh để cho cửa trập mở ra và gương phản chiếu lật lên, sao cho ánh sáng đi vào qua ống kính sẽ tới trực tiếp cảm biến, và từ đó tới được màn hình LCD. Vấn đề tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại làm đau đầu các nhà sản xuất máy ảnh bởi cấu tạo đặc biệt của DSLR.

Cách phản chiếu hình ảnh thông qua gương của DSLR còn gọi là hệ thống kiểu TTL (Through The Lens - nhìn trực tiếp qua ống kính). Hệ thống này nhằm đảm bảo máy ảnh thấy cái gì, người chụp sẽ thấy cái đó tại đúng thời điềm đó. Vì vậy trong các pha chụp ảnh động, máy ảnh DSLR, không kể các tính năng cao cấp và tốc độ hoạt động nhanh hơn, giúp người chụp không bị lỡ thời điểm cần chụp như độ trễ xử lý ảnh từ cảm biến ra LCD của máy bình dân gây ra.

Mặt khác, để đảm bảo độ chính xác và tốc độ, hệ thống lấy nét của DSLR hoạt động trên cơ chế đồng pha TTL. Về cơ bản, điểm lấy nét được phản chiếu qua gương lên cảm biến nét thành các pha khác nhau. Để các pha này trùng nhau (xác định điểm nét), cảm biến này sẽ gửi lệnh tới mô tơ điều khiển ống kính ra hay vào cho đến khi điểm nét được xác định. Vì thế chỉ khi có gương phản chiếu hình ảnh, máy ảnh DSLR mới lấy nét được.

Để giải quyết vấn đề LiveView ở DSLR, Olympus với model E-330 đã tích hợp một cảm biến nhỏ bắt hình từ gương phản chiếu, rồi từ đó hiển thị ra màn LCD. Panasonic không chậm trễ, cũng theo chân ngay với model DMC-L1.

Hệ thống LiveView trên Olympus E-330. Ảnh: Dpreview.


Tuy nhiên hệ thống này lại phải thêm chi phí vào việc phát triển một cảm biến nữa. Vì thế một số hãng khác như Nikon thì lựa chọn khi chuyển sang hệ thống LiveView, gương phản chiếu sẽ lật lên và cảm biến được kích hoạt để bắt hình liên tục truyền ra LCD. Nhưng ở chế độ này, hệ thống lấy nét đồng pha sẽ không hoạt động được, thay vào đó, hệ thống lấy nét kiểu tương phản (của các máy ảnh bình dân) sẽ được kích hoạt và phải bấm bằng một nút khác nút chụp ảnh. Nếu vẫn muốn theo kiểu DSLR thông thường, thì khi lấy nét, gương sẽ hạ xuống, màn hình sẽ mất, hệ thống sẽ lấy nét, rồi gương lại lật lên… Cả một quy trình khiến cho tốc độ chụp ảnh sẽ chỉ còn thích hợp với phong cảnh hay chụp ảnh tĩnh.

Vì vậy, để giữ nguyên được đặc tính nhanh nhẹn vốn có của dòng DSLR, các đại gia Canon và Nikon vẫn bình chân như vại kể từ sự đột phá của Olumpus E-330 đầu năm 2006 cho đến một năm sau với D300 của Nikon và 2 năm sau với Canon 450D, Sony Alpha 300, Alpha 350 và Pentax K20D. Nhưng với sự đột phá tăng trưởng của doanh số bán hàng dòng DSLR tầm trung, các đại gia này bắt đầu để tâm đến tính năng vốn rất “tầm thường” này.

Bằng việc càng ngày càng xuất hiện trong những model cao cấp và pro nhất của Canon (1Ds mark III và 5D Mark II) và Nikon (D90 và D3x), LiveView đang chứng tỏ mình từ một tính năng “bình dân” trở thành “thời thượng”, được đưa vào quảng cáo trong tất cả các buổi ra mắt sản phẩm DSLR mới, làm nền tảng căn bản cho sự xâm chiếm tiếp theo lãnh địa DSLR của video.

Thứ Sáu, 19/12/2008 09:13
31 👨 398
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp