Mới bán bánh kem trứng ở Sanfrancisco được ba tuần mà cửa hàng của ông Curtis Kimball đã được nhiều khách hàng lui tới. Hầu hết họ đều biết đến qua Twitter.
Với ông, sức mạnh của marketing trực tuyến thật kì diệu. Khi đăng ký tài khoản trên Twitter, ông chưa thực sự hiểu hết mục đích. Nhưng giờ đây, trang Twitter của ông lại đang thu hút hơn 5.400 người truy cập để xem chiếc xe hàng lưu động của ông đang ở đâu và thực đơn có được bổ sung hương vị mới nào hay không.
Curtis Kimball, chủ cửa hàng bánh kem trứng ở San Francisco, dùng Twitter để cập nhật thông tin về hoạt động kinh doanh của mình. Ảnh: New York Times |
Các công ty lớn như Dell, Starbucks hay Comcast đã tận dụng rất tốt Twitter để quảng bá sản phẩm và giải đáp thắc mắc khách hàng. Nhưng hiện nay, trên các dịch vụ tiểu blog miễn phí, có thể thấy rằng số lượng các doạnh nghiệp nhỏ đã vượt trội so với các doanh nghiệp lớn. Và xét trên nhiều phương diện, Twitter là công cụ rất hữu ích cho họ.
Với các cửa hàng gia đình không có ngân sách cho việc quảng cáo thì Twitter chính là phương thức marketing duy nhất. Việc tạo và cập nhật cho một tài khoản Twitter đơn giản hơn nhiều so với lập một trang web. Và những người buôn bán nhỏ đa phần làm việc ở quầy tính tiền, chứ không phải là trong một văn phòng với bộ phận marketing riêng, nên sự thân thiện của Twitter là rất phù hợp đối với họ.
Ông Greg Sterling - chuyên gia phân tích những ảnh hưởng của Internet lên việc mua sắm và các doanh nghiệp địa phương nhận định: “Chúng tôi nghĩ những công cụ truyền thông xã hội này là mảnh đất cho các công ty lớn như Coca - Cola hay Mc’Donald. Nhưng rất nhiều những doanh nghiệp siêu nhỏ lại đang hướng tới sử dụng chúng vì chúng thân thiện, miễn phí và vô cùng đơn giản”.
Các doanh nghiệp nhỏ có được hơn một nửa số khách hàng của mình chủ yếu nhờ truyền miệng, và Twitter là một minh chứng cho điều đó. Ông Shamus Booth, đồng sở hữu cửa hàng sushi Umi ở Sanfrancisco, cho biết thỉnh thoảng cửa hàng lại có thêm 5 khách mới mỗi đêm do họ đọc thông tin trên Twitter. Ông Booth cập nhật thông tin về các loại cá tươi mỗi tối, và lần gần đây nhất ông đã viết: “Món O-Toro (một giống cá ngừ lớn) tối nay là một trong số những món cá ngừ bổ dưỡng nhất mà tôi từng được ăn”. Ông cũng thông báo sẽ phục vụ miễn phí món salad tảo biển cho tất cả những ai nói rằng họ biết đến chỗ này qua Twitter.
Với Cynthia Sutton-Stolle, đồng sở hữu cửa hàng bán đồ bạc cổ ở Columbus, bang Texas, Twitter là cách để cô tìm kiếm các nhà cung cấp và khách hàng trên khắp đất nước. Kể từ khi gia nhập Twitter tháng hai vừa rồi, cô đã liên hệ được với những người chuyên sản xuất đèn và nến để đặt làm cho cửa hàng của mình, nhờ đó cô đã kiếm được hàng nghìn USD từ các khách hàng bên ngoài Columbus.
“Chúng tôi thậm chí không có website và cũng chẳng có ý định kinh doanh qua mạng. Và Twitter là một công cụ thực sự hữu ích vì chúng tôi được kết nối với cả nước thay vì chỉ bó hẹp trong một cửa hàng tại một thị trấn nhỏ”, cô nói.
Ông Scott Seaman ở Blowing Rock, North Carolina cũng sử dụng Twitter để mở rộng nguồn khách hàng ra ngoài thị trấn chỉ có 1.500 dân của mình. Ông Seaman là người đồng sở hữu cửa hàng Christopher’s Wine and Cheese và cũng có riêng một khách sạn trong thị trấn. Ông đã sử dụng TweetDeck – một ứng dụng cho phép mọi người quản lý các tin nhắn của mình trên Twitter để kể với mọi người về thị trấn của mình hoặc về những ngọn núi gần đó. Một trong số những người ông gặp trên Twitter đã đặt một phòng ở nhà nghỉ của ông và một phụ nữ ở Dallas đã đặt rượu sake ở hàng ông.
Càng ngày càng có nhiều người truy cập trang Twitter của ông, mặc dù ông ít khi cập nhật thông tin về cửa hàng mình. Ông khuyên mọi người thay vì chỉ mải mê marketing đến các khách hàng, hãy cố gắng là một cửa hàng như thế ngoài đời thực. “Hãy là một người chủ hiệu mà tất cả mọi người đều biết tên”, ông chia sẻ.
Và kể cả khi không có được khách hàng qua Twitter thì dịch vụ này cũng rất hữu ích đối với những người mới khởi nghiệp như cô Becky McCray, chủ cửa hàng rượu và trại gia súc ở Oklahoma. Cô cũng sở hữu một blog cá nhân có tên Small Biz Survival.
Ở những nơi dân số chỉ có 5.000 người như thị trấn của cô, những người chủ doanh nghiệp nhỏ luôn cảm thấy như bị cô lập. Nhưng ở trên Twitter, cô có thể học được rất nhiều mẹo về thuế của một kế toán viên, những bí kíp marketing của một chuyên gia tư vấn đến từ Tennessee hay kinh nghiệm khởi nghiệp từ những nhà sáng lập của một vài công ty công nghệ.
Anamitra Banerji, người chịu trách nhiệm các sản phẩm thương mại của Twitter, nói rằng khi anh rời Yahoo để đến đây vào tháng 3 vừa rồi: “Tôi đã nghĩ rằng nơi này chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. Nhưng thật ngạc nhiên là càng ngày tôi càng thấy ở đây có đủ mọi loại hình kinh doanh”.
Twitter vẫn đang là dịch vụ miễn phí, và đang tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp cách tham gia và sử dụng sao cho hiệu quả, công ty cũng dự định sẽ đưa ra các bản nghiên cứu tình huống. Anh Baneji cũng đang phát triển các sản phẩm mà Twitter có thể bán nó cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, bao gồm cả tính năng xác thực tài khoản doanh nghiệp và phân tích lượng truy cập vào trang Twitter của họ.
Theo anh Baneji, chủ các doanh nghiệp nhỏ ưa chuộng Twitter vì họ có thể trao đổi trực tiếp với khách hàng mà không cần phải gặp mặt như trước đây. “Chúng ta có thể thấy rằng khoảng cách giữa doanh nghiệp và khách hàng đang ngày càng được thu hẹp lại”, anh nói.