Công nghệ lai di động được hiểu là việc tích hợp nhiều sản phẩm lại với nhau thành một sản phẩm duy nhất. Công nghệ này đang trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai với một loạt siêu phẩm di động chưa từng có tên gọi.
Một sản phẩm nhiều tiện ích
Công nghệ lai được xem như xu thế của tương lai và giờ đây nó định hình ngày càng rõ. Apple từng khẳng định, các sản phẩm của họ là sự kết hợp tinh tế và hoàn hảo nhiều chức năng khác nhau. Như trước đây máy MP3 đơn thuần chỉ là thiết bị nghe nhạc, nhưng giờ đây nó trở thành sản phẩm tích hợp nhiều tiện ích khác nữa.
Thời gian gần đây, hàng loạt sản phẩm lai đã ra đời và trở thành đối thủ thực sự so với chính các thiết bị gốc của chúng. Thuật ngữ tablet được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới từ khi hãng Apple tung ra sản phẩm iPad cực kỳ nổi tiếng của mình.
Ngay khi mới ra đời, do đặc thù sử dụng lại chính hệ điều hành của chiếc smartphone iPhone nên nhiều chuyên gia nhận định rằng, đây là một siêu phẩm iPhone màn hình to. Đây là một sự thật đúng nhưng cũng là ngoại lệ duy nhất các tablet lai giữa máy tính và smartphone ra đời sau này.
Đồng thời có thể thực hiện được cả nhiệm vụ của một chiếc điện thoại thông minh nhưng lại thừa khả năng để giúp người dùng trải nghiệm thế giới mạng, làm các công việc văn phòng, giải trí giống hệt chiếc laptop hay PC.
Máy tính lai
Nếu như tablet kết hợp giữa laptop và smartphone thì thế hệ laptop lai trong thời gian sắp tới lại được xem như cuộc “hôn phối” ngược giữa tablet với chính… laptop. Theo Dell – nhà tiên phong trong việc sản xuất máy tính lai, “các dòng máy tính bảng hiện nay, dù được chế tạo trên công nghệ gì thì luôn luôn thua kém chiếc máy tính xách tay”.
Hệ thống bàn phím gần như không có, thiếu các cổng kết nối khi cần thiết, khó nâng cấp cấu hình… còn là một trong những hạn chế khác của tablet. Sau hai thế hệ, chúng vẫn chưa được khắc phục, khiến cho khá nhiều người bỏ tiền ra mua iPad hay các dòng tablet đã hốt hoảng đem nó rao bán sau một thời gian ngắn xài… cho biết.
Dòng máy tính lai có khả năng khá đặc biệt, khiến nó có thể đảm nhận vai trò của một chiếc tablet và cả laptop. Nhiều nhà sản xuất laptop định hình về dòng máy tính lai này với đặc điểm như sau: về cơ bản – chiếc máy tính này là một laptop chính hiệu với đầy đủ bàn phím, cổng kết nối lẫn khả năng nâng cấp cần thiết cũng như ổ đĩa CD để đọc dữ liệu.
Tuy thế, khi cần có máy tính bảng, người dùng chỉ việc xoay nhẹ màn hình theo một góc 90° hoặc 180° để lật màn hình ra áp sát phía sau thân máy tính thì ngay lập tức, laptop trở thành tablet nhờ màn hình này hỗ trợ công nghệ cảm ứng. Tuy thế, hạn chế duy nhất của dạng “tablet” này là khối lượng còn khá nặng và các hãng công nghệ cần phải thu nhỏ và giảm trọng lượng của chúng trong tương lai.
Trong triển lãm CES gần đây, một máy tính 2 HĐH ( tích hợp 2 hệ thống phần cứng) đã mở ra một xu thế thiết kế máy tính lai mới nhưng bị khá nhiều phê phán.
Ngoài ra, một xu hướng thứ hai trong máy tính lai đó là các dòng tablet hai màn hình vừa xuất hiện trong thời gian gần đây với một màn hình dùng để hiển thị và một để dùng làm bàn phím cảm ứng nhưng cũng có thể đóng vai trò làm màn hình tiếp theo khi cần thiết. Hạn chế của dạng sản phẩm này vẫn là không thể nâng cấp phần cứng.
Smartphone lai
Smartphone lai hiện đã được tung ra khá nhiều trên thị trường. Nếu như xem iPad là khởi nguồn cho trào lưu đem lai các sản phẩm công nghệ (smartphone và laptop) lại với nhau thì một mẫu smartphone của hãng công nghệ Fujitsu (Nhật) được giới thiệu tại triển lãm công nghệ điện tử CEATEC 2010 diễn ra từ ngày 5-10-2010 đến 9-10-2010 ở Tokyo lại có thể xem như đại biểu cho công nghệ lai smartphone với máy tính bảng.
Hạn chế của tablet là kích thước quá lớn khiến một người phải di chuyển nhiều sẽ gặp khó khăn khi đi lại trong khi smartphone sử dụng màn hình bé nên không thích hợp với việc thực hiện các công việc văn phòng, giải trí… Smartphone lai khắc phục được cả hai nhược điểm trên bằng cách bổ sung thêm một màn hình có kích thước tương đương với màn hình cũ để khi cần thì người dùng chỉ việc ghép lại để có màn hình rộng hơn.
Như vậy, smartphone lai bản chất vẫn là smartphone ở trạng thái bình thường với đầy đủ khả năng nghe, gọi, chat chit,… với kích thước nhỏ gọn có thể cầm trong lòng bàn tay. Tuy thế, khi cần làm việc trong một máy tính bảng như soạn văn bản, xem phim, chơi game thì người dùng chỉ việc xoay nghiêng hai màn hình và ghép sát lại.
Hệ điều hành trong trường hợp này đóng vai trò rất quan trọng, khi ở chế độ smartphone thì nó sẽ tự động biến một màn hình thành bàn phím cảm ứng và sử dụng màn hình còn lại để làm màn hình hiển thị các thao tác người dùng trong smartphone. Khi ở chế độ tablet thì tự động hệ điều hành sẽ “cắt” giao diện hiển thị ra làm hai và hiển thị theo thứ tự trên cả hai màn hình cùng lúc.
Những hạn chế
Các dòng máy tính lai giữa tablet và laptop thường có kích thước khá nặng và cồng kềnh trong khi yêu cầu tablet là phải gọn, nhẹ. Bên cạnh đó, bộ phụ kiện đi kèm các tablet do các nhà sản xuất tung ra thị trường gần đây đã có khả năng biến tablet thành một laptop thứ thiệt cũng đang tạo sự cạnh tranh khốc liệt với máy tính lai ngay khi nó vừa mới ra đời.
Tuy thế, cuộc chiến này sẽ nghiêng về máy tính lai nếu như các hãng sản xuất thu gọn được kích thước của nó lại ở một mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, màn hình to cũng là lợi thế lớn cho máy tính lai trong cuộc chiến giải trí với tablet.
Các dòng smartphone lai gặp một trở ngại cực kỳ lớn đó là việc hiển thị xuyên suốt các nội dung trên cả hai màn hình bởi cho đến hiện tại, công nghệ chỉ cho phép chập hai màn hình smartphone lai lại ở một khoảng cách nhất định và vẫn còn một khoảng trống giữa đường viền mép hai màn hình.
Việc này sẽ gây trở ngại rất lớn trong việc thưởng thức trọn vẹn một bộ phim hay chơi game bởi nó tạo cảm giác “khó chịu” cho người dùng khi hình ảnh liên tục bị cắt làm đôi. Tuy thế, một số công nghệ màn hình siêu mỏng và có khả năng uốn dẻo đang được nhiều hãng công nghệ nghiên cứu sẽ giúp khắc phục hạn chế này.
Trong một số mẫu concept do các nhà thiết kế đưa ra, với loại màn hình mới, người dùng chỉ việc chồng hai màn hình lên nhau và hệ điều hành được thiết kế để tự động khớp hình ảnh giữa hai chỗ nối này lại là cảm giác “khó chịu” nói trên sẽ không còn nữa.
Hiện tại, dù chỉ mới xuất hiện dưới dạng thử nghiệm nhưng các dòng sản phẩm của công nghệ lai đang tạo được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhu cầu ngày càng cao của con người, chắc chắn, một ngày không xa, có thể smartphone, tablet, laptop,… sẽ chỉ còn tồi tại trong… bảo tàng.
Đó là điều tương tự đã xảy ra với máy ảnh cơ so với máy ảnh số, khi mà công nghệ máy chụp ảnh cơ được kết hợp lại với công nghệ hiển thị hình ảnh trên TV để cho ra máy chụp ảnh kỹ thuật số và đưa máy ảnh cơ vào dĩ vãng.