Robot hình người đầu tiên của Xiaomi, CyberOne, đã chính thức có màn ra mắt công chúng khá ấn tượng trên sân khấu sự kiện thường niên của công ty diễn ra hôm nay. Đích thân Giám đốc điều hành Lei Jun đã thuyết trình về CyberOne, đồng thời khẳng định mẫu robot này sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong kế hoạch phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cải thiện tầm nhìn và khả năng phát hiện cảm xúc của con người.
CyberOne là sản phẩm kết hợp giữa cơ điện tử và trí tuệ nhân tạo do Phòng thí nghiệm robot của công ty. Robot có biệt danh nội bộ là "Tie Da" (sắt lớn), và cũng đã có cung hoàng đạo, cung sư tử. CyberOne nặng 52 kg, có sải tay dài 168cm và cao 177cm. Khuôn mặt của CyberOne là một tấm nền OLED cong, có thể cho phép robot quan sát thế giới xung quanh ở dạng 3D. Đi kèm với đó là hệ thống hai micro cỡ lớn cho phép robot nghe hiệu lệnh cũng như tiếng động xung quanh tốt hơn.
Khía cạnh được đánh giá cao nhất của CyberOne nằm ở khả năng có thể bắt chước cực kỳ chính xác chuyển động của con người nhờ tốc độ phản hồi thời gian thực 0,5ms trên mỗi bậc tự do trong chuyển động. CyberOne sở hữu tới 21 bậc tự do như vậy. Ngoài ra, robot còn được tích hợp thuật toán AI điều khiển toàn bộ cơ thể do Xiaomi tự phát triển. Thuật toán này tiên tiến nền mức không chỉ hỗ trợ khả năng điều phối chuyển động của 21 khớp với độ chính xác cao, mà còn có thể phân tích 45 cảm xúc của con người cũng như phân biệt 85 loại từ ngữ dựa theo môi trường. Chưa dừng lại ở đó, CyberOne còn có khả năng học được các kỹ năng mới mỗi ngày.
Thuật toán chỉ là một phần. Chuyển động linh hoạt của CyberOne có được còn là nhờ vào các hệ thống mô-tơ khớp nặng chỉ 500g, nhưng cung cấp với mô-men xoắn - lực quay - lên tới 30Nm. Xiaomi tuyên bố, "động cơ khớp hông cơ lớn của robot còn có khả năng tạo ra mô-men xoắn cực đại tức thời lên đến 300Nm", con số cực kỳ ấn tượng. Chưa hết, CyberOne còn có khả năng giữ hàng hóa nặng tới 1,5kg chỉ với một tay.
Một khía cạnh cũng rất đáng quan tâm khác của CyberOne là nó có thể phát hiện cảm xúc của con người và tạo ra các bản tái tạo 3D của môi trường xung quanh. Robot cũng được trang bị “mô-đun tầm nhìn chiều sâu Mi-Sense” tích hợp với thuật toán tương tác AI. Vì CyberOne có thể phân tích môi trường xung quanh, Xiaomi tuyên bố robot còn có thể phát hiện cảm xúc hạnh phúc, buồn bã của con người, và thậm chí an ủi một cá nhân khi họ buồn.
Trên thực tế, CyberOne không phải là mẫu robot AI đầu tiên của Xiaomi. Trước đây nhà sản xuất Trung Quốc đã trình làng Cyber Dog với thiết kế được lấy cảm hứng từ loài chó. Trong lĩnh vực robot thông minh, robot sinh học hình người có mức độ tích hợp kỹ thuật cao nhất và phức tạp hơn cả. Xiaomi vẫn đang trong giai đoạn phát triển CyberOne, do đó robot vẫn chưa được lên kế hoạch thương mại hóa. Nhưng ngay cả khi có, mức giá để sở hữu một robot như vậy chắc chắn sẽ không hề rẻ.