Microsoft xác nhận Windows 10 gặp lỗi chứng chỉ, khuyến nghị người dùng quay trở về phiên bản trước

Microsoft vừa chính thức thừa nhận một lỗi mới xuất hiện trong Windows 10 và cách duy nhất để người dùng có thể khắc phục vấn đề là quay lại phiên bản trước của hệ điều hành.

Cụ thể hơn, gã khổng lồ phần mềm cho biết đây là một sự cố mang tính nền tảng, liên quan đến việc các chứng chỉ hệ thống có thể không xuất hiện sau khi người dùng đã cập nhật máy tính của họ lên phiên bản Windows 10 mới hơn.

Theo phân tích ban đầu, vấn đề nhiều khả năng nằm ở các bản cập nhật tích lũy (cumulative updates) được Microsoft phát hành trước ngày 13 tháng 10, chẳng hạn như September 2020 và các bản cập nhật mới hơn. Chúng chứa chứng chỉ hệ thống gặp lỗi hoặc thậm chí thiếu chứng chỉ hệ thống, từ đó gây ra nhiều rắc rối cho người dùng. Giải thích được phía Microsoft đưa ra như sau:

“Các chứng chỉ hệ thống và chứng chỉ người dùng có thể gặp lỗi khi bạn cập nhật thiết bị Windows 10 từ phiên bản 1809 lên các phiên bản mới hơn. Các thiết bị sẽ chỉ bị ảnh hưởng trong trường hợp đã cài đặt bất kỳ bản cập nhật tích lũy mới nhất (LCU) nào được phát hành từ ngày 16 tháng 9 năm 2020 trở đi, sau đó tiến hành cập nhật lên phiên bản Windows 10 mới từ các phương tiện hoặc nguồn cài đặt không được tích hợp các LCU phát hành vào ngày 13 tháng 10 hoặc mới hơn.

Sự cố chủ yếu xảy ra khi thiết bị được cập nhật bằng cách sử dụng các gói hoặc phương tiện đã lỗi thời thông qua một công cụ quản lý cập nhật như Windows Server Update Services (WSUS) hoặc Microsoft Endpoint Configuration Manager. Hoặc cũng có thể là do sử dụng ISO không được tích hợp các bản cập nhật LCU mới nhất".

Windows 10
Windows 10

Đáng chú ý, không phải người dùng Windows 10 nào cũng gặp phải vấn đề trên. Microsoft khẳng định các thiết bị kết nối trực tiếp với Windows Update hoặc sử dụng Windows Update for Business sẽ không gặp lỗi này, đơn giản vì chúng luôn nhận được bản cập nhật tích lũy mới nhất, bao gồm cả bản sửa lỗi.

Sự cố ảnh hưởng đến tất cả các phiên bản Windows 10 được phát hành sau bản cập nhật October 2018 Update, bao gồm:

  • Windows 10 phiên bản 1903
  • Windows 10 phiên bản 1909
  • Windows 10 phiên bản 2004
  • Windows 10 phiên bản 20H2
  • Windows Server phiên bản 1903
  • Windows Server phiên bản 1909
  • Windows Server phiên bản 2004
  • Windows Server phiên bản 20H2

Microsoft cho biết họ đang tiến hành sửa lỗi, nhưng trong thời gian chờ đợi, cách duy nhất để khắc phục vấn đề là chỉ cần hạ cấp Windows 10 xuống phiên bản mà bạn sử dụng trước khi cập nhật. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc quay trở về phiên bản trước chỉ được phép trong 10 hoặc 30 ngày (tùy theo thiết lập cụ thể của người dùng) sau khi bản cập nhật tính năng mới đã được cài đặt trên hệ thống, và miễn là các tệp hệ điều hành trước đó chưa bị xóa khỏi thiết bị.

Thứ Tư, 25/11/2020 23:11
31 👨 6.928
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ