Ngày 15/11, sau hơn một năm thành lập, Công ty cổ phần Mạng tầm nhìn mới (NHI-100% vốn của Nga) chính thức ra mắt www.wada.vn - công cụ tìm kiếm trực tuyến thuần Việt.
Wada.vn có một giao diện khá thân thiện và dễ sử dụng
Với thế mạnh về công nghệ của Nga, Wada được xây dựng đặc biệt để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm trên mạng theo ngôn ngữ Việt với kết quả truy vấn nhanh, chính xác, tự động đặt dấu tiếng Việt khi người dùng gõ từ khóa...
Truy cập Wada, người dùng có thể tìm thông tin theo các mục như tin tức (kết quả sẽ hiện lên theo dòng thời sự), hình ảnh hoặc danh bạ website. Danh bạ này là đặc điểm khác biệt so với các công cụ tìm kiếm khác khi tập hợp hàng trăm ngàn địa chỉ website tiếng Việt, được phân loại thành hơn 300 nhóm với những thông tin mô tả cụ thể và hữu ích.
Trước đó, đã có rất nhiều "máy tìm kiếm" đã được các doanh nghiệp tung ra thị trường. Song, sau một thời gian, Google vẫn chiếm áp đảo thị phần tại Việt Nam.
Bởi thế, nhiều người cho rằng, với việc được đầu tư bài bản và đặc biệt là việc am hiểu văn hóa, ngôn ngữ Việt, Wada sẽ trở thành một đối thủ "đáng gờm" của gã khổng lồ Google.
Trả lời phóng viên Vietnam+, phía Wada cho hay, đơn vị này không đặt mục tiêu cạnh tranh với các công cụ tìm kiếm khác mà sẽ đem lại sự trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Mục tiêu của Wada trong 2-3 năm tới sẽ chiếm lĩnh 30% thị phần dịch vụ tìm kiếm tại Việt Nam và sẽ vươn ra quốc tế.
Để từng bước thực hiện việc này, Wada cũng đã liên kết với trình duyệt Opera để đem công cụ này vào menu Đăng nhập nhanh, Giao diện nhanh trên trình duyệt Opera Mini dành cho thiết bị di động.
Ông Phạm Tiến Thịnh, Tổng giám đốc NHI tiết lộ, tổng đầu tư vào Wada tính đến hết năm nay sẽ vào khoảng hơn 200 tỷ đồng. Trong thời gian năm tới, NHI đang có kế hoạch nâng tổng đầu tư lên gấp 2-3 lần để tiếp tục mở rộng, hướng vào thị trường ngách.
Ông Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông), người được xem là mở đường cho bùng nổ Internet ở Việt Nam nhận định, Việt Nam có dân số trẻ, nhu cầu tìm kiếm cao nên cơ hội cho các doanh nghiệp là rất lớn.
Theo ông, có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thuần Việt song chưa thành công và hiện Google vẫn là công cụ tìm kiếm lớn nhất ở Việt Nam. Lý do có thể bởi đội ngũ nhân sự, công nghệ, đầu tư của các doanh nghiệp nói trên chưa đủ mạnh.
“Nếu cổng tìm kiếm nào có tốc độ nhanh, dễ sử dụng, hiểu văn hóa-ngôn ngữ Việt thì sẽ thành công,” ông Trực nhận định.