Nhà vật lý Zheng-Ping Li cùng các cộng sự tại ĐH Khoa học Công nghệ Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải đã phát triển ra hệ thống quang học mới dựa trên công nghệ LIDAR có khả năng chụp con người trong điều kiện khói mù của thành phố từ khoảng cách rất lớn.
Cụ thể, Zheng-Ping Li và các công sự đã kết hợp giữa các cảm biến photon siêu nhạy và thuật toán xử lý hình ảnh độc đáo để đan các dữ liệu lại với nhau nhằm đạt được hình ảnh có độ phân giải siêu cao. Điều này giúp thiết bị mới của họ có thể chụp hình từ khoảng cách 45 km ngay cả khi bị khói mù che khuất.
Kỹ thuật quang học mới này hoạt động dựa trên nguyên lý LIDAR - chiếu xạ vật thể bằng tia laser, sau đó thông qua các tia sáng photon phản xạ từ chính vật thể để ghi nhận hình ảnh. Điều này giúp cho nó không bị ảnh hưởng bởi các luồng photon từ các nguồn sáng khác.
Con người có thể chụp vật thể ở khoảng cách rất xa nhờ thuật toán mới. Ảnh: Technology Review.
Toàn bộ hệ thống quang học cải tiến này chỉ có kích thước tương đương với một hộp đựng giày và có thể được áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong tương lai như định vị khoảng cách hay dò tìm vật thể.
Hệ thống máy ảnh siêu nhạy hiện đang được đặt trên tầng 20 của một tòa nhà tại đảo Chongming (Thượng Hải) và hướng ống kính về cao ốc Pudong Civil Aviation cách đó 45 km.
Theo Zheng-Ping và các đồng nghiệp của anh thì hệ thống này nếu được tinh chỉnh sẽ có thể chụp ảnh ở khoảng cách lên tới 100km.