Chính phủ Trung Quốc cho rằng Ấn Độ không nên có thái độ “phân biệt đối xử” với các sản phẩm thiết bị viễn thông của nước này và đề xuất một cuộc hội đàm giữa 2 quốc gia.
Huawei và ZTE đang điêu đứng vì lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ. (Ảnh minh họa) |
Ngay lập tức, phía Trung Quốc đã bày tỏ thái độ không hài lòng với quyết định này. “Bất kỳ một quy định nào cũng cần phải được áp dụng một cách công bằng kể cả với các công ty của Ấn Độ, Trung Quốc hay phương tây”, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, Yao Jian phát biểu tại Bắc Kinh hôm 16/7, “Ấn Độ cần phải có một môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch và công bằng”.
Căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 châu Á này đã gia tăng khi hồi đầu tháng, chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ tính hiệu lực của bản hợp đồng cung cấp thiết bị mạng viễn thông của 2 công ty Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE với một số nhà mạng Ấn Độ vì lo ngại đến vấn đề an ninh quốc gia.
“Chúng tôi hy vọng 2 quốc gia sẽ có những tham vấn và hợp tác cần thiết để giải quyết vấn đề này và bản hợp đồng cung cấp thiết bị của 2 công ty Trung Quốc cần phải được tiếp tục thực hiện”, người phát ngôn Yao Jian nói.
Huawei, hãng sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất Trung Quốc đã thắng thầu với bản hợp đồng cung cấp lượng thiết bị mạng trị giá 1,7 tỷ USD cho Ấn Độ từ năm 2008.
Margrete Ma, người phát ngôn của hãng ZTE cho biết, bà không thể đưa ra bất kỳ lời bình luận gì tuy nhiên sẽ vẫn chấp hành những quy định “rất nghiêm khắc” của pháp luật Ấn Độ.
Hồi tháng 9 năm ngoái, phó chủ tịch ZTE Zhang Jianguo đã phát biểu rằng hãng hy vọng doanh số bán hàng tại thị trường Ấn Độ sẽ đạt mốc 1 tỷ USD trong năm nay.
Ngày hôm nay, tờ Wall Street Journal của Mỹ đã tiết lộ thông tin (không dẫn nguồn) cho biết chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu trong vòng 1 tháng ZTE và Huawei phải khai báo toàn bộ chi tiết về “chủ sở hữu” của họ. Đồng thời, các nhà mạng Ấn Độ cũng phải được chính phủ chấp thuận trước khi nhập khẩu bất kỳ thiết bị nào theo quy định.
Sanjeev Aga, giám đốc điều hành hãng viễn thông Idea Cellular của Ấn Độ cho biết, lệnh cấm này đã buộc họ phải hủy hợp đồng với các hãng cung cấp nước ngoài và tìm kiếm nhà cung cấp trong nước.