Mỗi hãng có công nghệ sạc nhanh khác nhau, và việc dùng chung một chuẩn sạc cho tất cả các thiết bị gần như là không thể ở thời điểm này (trừ QuickCharge 2.0 của một vài thiết bị Android cao cấp). Chính vì vậy mà người tiêu dùng chúng ta thường hay mua những cục sạc được nhiều thiết bị cùng một lúc, ví dụ như cục sạc Anker mà mình đã giới thiệu ở đây hoặc các cục sạc 6 cổng của RAVPower…
5 sạc không dây chuẩn Qi phổ biến và tốt nhất hiện nay
Việc dùng các cục sạc đa cổng có lợi thế là sạc được nhiều máy cùng lúc, không quan tâm đến việc cắm thiết bị nào mà điện sẽ được cấp tùy theo nhu cầu của thiết bị (ít nhất quảng cáo của nhà sản xuất sạc là vậy). Tuy nhiên, chắc chắn là nó sẽ không được tối ưu và nhanh bằng cục sạc nguyên bản chính hãng cung cấp. Vậy sự khác biệt giữa sạc nhanh theo máy và sạc đa cổng có đủ để chúng ta đánh đổi tốc độ hay sự tiện lợi hay không?
Rất tiếc, sau rất nhiều các thử nghiệm khác nhau thì bọn mình vẫn không thể cho các bạn một lời khuyên thật sự rõ ràng về việc có nên bỏ các cục sạc nhanh theo máy ở nhà và mang một cục sạc đa cổng theo hay không. Tùy thuộc vào việc bạn sử dụng thiết bị gì mà sự đánh đổi đó có đáng hay không. Chúng ta sẽ đi từng thiết bị một để thấy là nên hay không nên.
Samsung Galaxy S6 Edge:
Samsung Galaxy S6 Edge là thiết bị có tốc độ sạc nhanh thứ 3 trong bài thử sạc nhanh chính hãng. Thử nghiệm trực tiếp với sạc 5 cổng Anker cho thấy có sự chênh lệch khá nhiều giữa sạc QuickCharge 2.0 của S6 Edge và Anker, theo đó cục sạc Zin sạc nhanh hơn khoảng 70% so với cục sạc Anker, và con số này cực kỳ ổn định trong suốt tất cả các mốc sạc, từ 500, 1000mAh, 2000mAh và nó chỉ giảm xuống còn khoảng 50% khi sạc đầy, điều này cho thấy cục sạc đa năng Anker duy trì dòng khá đều và giảm nhẹ khi pin gần đầy trên S6 chứ không giảm đột ngột ở mốc trên 2000mAh trở lên như cục sạc Zin.
Với mức chênh lệch trung bình khá, rõ ràng việc sử dụng sạc Anker hay các cục sạc đa cổng trên Galaxy S6 là tạm chấp nhận được. Samsung là một nhà sản xuất lớn nên không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều các cục sạc đa năng trên thị trường có thể nhận dòng và đẩy điện vào S6 nhanh hơn các thiết bị từ những nhà sản xuất nhỏ hơn. Nhìn chung, nếu nhu cầu không quá cao và cần sự tiện lợi thì sạc đa cổng trên S6 vẫn chấp nhận được, dù mình vẫn khuyến cáo dùng sạc Zin S6 vì tốc độ cao hơn khá nhiều.
HTC One M9:
One M9 là thiết bị sạc nhanh đứng gần áp chót trong bảng xếp hàng, thế nhưng nó lại vươn lên mạnh mẽ ở bài thử Anker để xếp thứ nhì xét về tốc độ sạc trung bình. Thực tế cho thấy tốc độ sạc của M9 chênh với cục sạc nhanh của nó rất ổn định, ở mức 50-60% trong toàn bộ bài thử nghiệm.
Sự chênh lệch 50% này là đủ lớn để ưu tiên sạc nhanh QuickCharge 2.0 hơn nhưng xét đến việc HTC không trang bị sạc nhanh kèm theo máy, và giá cục sạc nhanh của hãng khá là mắc, mắc hơn cả sạc 5 cổng đa đầu nên mình vẫn khuyến cáo sạc đa cổng hơn với HTC One M9.
Asus Zenfone 2:
Zenfone 2 là thiết bị có tốc độ sạc nhanh cao thứ nhì trong bảng sạc nhanh, nhưng tiếc thay nó trở thành thiết bị sạc chậm thứ nhì trong bài thử sạc Anker. Lý do? Asus là nhà sản xuất nhỏ, nếu bạn dùng thiết bị của các nhà sản xuất lớn như Samsung, hay kể cả HTC, LG, Sony… thì các cục sạc bên thứ 3 sẽ hỗ trợ bạn tốt hơn vì nhà sản xuất sạc đã cấu hình sẵn cho nó trong khi Asus còn khá nhỏ ở thời điểm mà các cục sạc đa cổng này ra đời, chính vì vậy mà nó sẽ bị thua thiệt. Tất nhiên, trong tương lai người ta ra các thế hệ sạc đa cổng mới hoặc điện thoại Asus phổ biến hơn thì có thể câu chuyện sẽ khác.
Thử nghiệm thực tế cho thấy kể cả khi dùng cục sạc RAVPower hoặc Anker thì chênh lệch giữa sạc zin Asus QuickCharge 2.0 và sạc đa cổng là rất khủng thiếp, từ 120-170%, tức nếu sạc zin mất 55 phút để sạc 2000mAh thì sạc ngoài mất tới 120 phút, chênh rất rất nhiều.
Do Asus chỉ trang bị sạc nhanh trên Zenfone 2 cao nhất, nếu bạn lỡ mua các phiên bản thường thì nên “cắn răng” mua thêm cục sạc QuickCharge nhanh. Asus thường bán giá phụ kiện không cao nên việc mua sạc nhanh với Zenfone 2 là hợp lý.
iPhone 6 Plus:
iPhone có ưu thế là chiếc điện thoại được rất nhiều người xài và các nhà sản xuất phụ kiện đều rất chú trọng đến nó. Chính vì vậy, thử nghiệm cho thấy tốc độ sạc thực tế của cục sạc đa cổng Anker không khác biệt nhiều so với cục sạc của iPad. Ở các mốc dung lượng thấp thì sự chênh lệch giữa sạc zin và sạc đa cổng chỉ là 12% hay thậm chí là 9%. Do vậy, nếu bạn thật sự cần sạc nhanh thì việc bỏ ra khoảng 30$ để mua một cục sạc iPad là không có giá trị kinh tế bằng sạc đa cổng.
Tuy nhiên, ở mức dung lượng khoảng 1500mAh trở lên, sạc Anker bắt đầu chậm lại. Có lẽ Anker quy định đây là mức mà họ bắt đầu giảm dòng lại để bảo vệ thiết bị dù cục sạc iPad vẫn nhận sạc một cách bình thường, Sự chênh lệch tốc độ sạc giữa sạc đa cổng và iPad tăng tốc dần ở những mức dung lượng gần đầy.
Như vậy, iPhone là thiết bị mình khuyến cáo các bạn nên mua sạc đa cổng thay vì sạc zin của hãng. Bản chất iPhone khi bán ra không được trang bị sạc nhanh, chúng ta phải mua sạc iPad rời rất mắc tiền nên mua sạc đa cổng từ các thương hiệu uy tín như Anker hay RAVPower hợp lý hơn rất nhiều so với cục sạc iPad.
Oppo N3:
Oppo N3 là chiếc điện thoại có khả năng sạc cực kỳ kinh khủng khi dùng sạc zin đi kèm theo máy: chỉ mất 30 phút để nạp đầy 2000mAh trước khi bắt đầu giảm tốc độ lại để bảo vệ viên pin của máy. Tuy vậy, cũng như Asus thì Oppo là nhà sản xuất khá nhỏ và mới, các nhà sản xuất sạc chưa thể nhận diện được con chip bên trong nên sạc ngoài phải hạ dòng xuống để bảo đảm không làm tổn hại đến pin.
Có một lý do khác nữa có thể phỏng đoán là Oppo dùng cách thiết kế pin theo công nghệ VOOC rất đặc biệt so với các nhà sản xuất khác: viên pin N3 gồm nhiều cell pin nhỏ nằm trong một cục pin lớn, mỗi khi sạc thì điện sẽ đi vào nhiều cổng tiếp xúc khác nhau trên mỗi cell pin chứ không đi vào một cổng duy nhất cho toàn bộ cục pin như các nhà sản xuất khác. Để cho dễ hình dùng, giả dụ N3 có 4 cell pin thì khi bạn sạc bằng sạc zin của Oppo, nếu pin báo 60% thì mỗi cell pin sẽ nạp khoảng 60%. Cách thiết kế này chính là lý do mà Oppo nâng được dòng lên 5A, điều làm nguy hại cho các thiết bị khác. Chính vì việc mở nhiều điểm tiếp xúc này sẽ làm cho hiệu năng của từng cổng phải thấp đi (tất nhiên), cục sạc bên thứ ba chỉ nhận diện được một cổng nên chỉ đẩy được lượng điện tối đa mà nó nghĩ là cục pin chịu được.
Quay trở về kết quả thực tế, khi dùng sạc bên ngoài thì Oppo N3 chậm tới hơn 4 lần so với cục sạc zin đi kèm máy. Kể cả khi sạc đầy thì sạc đa cổng cũng chậm hơn khoảng 2 lần so với sạc zin. Chính vì vậy mình không khuyên các bạn dùng sạc đa cổng với N3, mà cách tốt nhất là dùng sạc zin tặng kèm theo máy.
Kết luận:
Tốc độ sạc thực tế giữa sạc zin và sạc đa cổng để các bạn có cái nhìn tổng thể hơn
Như vậy, các bạn có thể thấy nếu dùng HTC One M9 và đặc biệt là iPhone 6 Plus thì bạn nên dùng sạc đa cổng sẽ có lợi hơn. Nếu dùng Oppo N3 thì sạc zin là tối ưu và tốt nhất, Asus Zenfone 2 thì nên mua sạc nhanh rời hoặc sạc QuickCharge 2.0 của bên thứ 3 còn Galaxy S6 có thể mua sạc đa cổng hoặc dùng cục QuickCharge 2.0 theo máy tùy bạn cảm thấy phương thức nào tiện lợi hơn.