Trái với xu hướng sử dụng các smartphone hàng hiệu, phiên bản mới nhất thì không ít người lại quay sang thích thú với trào lưu smartphone… "điên" mà mỗi khi lấy điện thoại ra thì không ít người xung quanh phải… lác mắt.
Điện thoại rùng rợn
Để trang trí điện thoại, người dùng có thể sử dụng nhiều loại phương pháp khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Một số bạn trẻ chọn cách gắn thêm các dây đeo đính các hạt nhựa tổng hợp giả ngọc hoặc móc xích có chữ tên người yêu hay của chính mình. Nhiều người chọn giải pháp “ghép” thêm “da” cho dế yêu bằng cách tự mua “da” về làm hoặc đưa ra tiệm nhờ nhân viên kĩ thuật dán giúp.
Những miếng “da” này một mặt vừa giúp điện thoại có thêm một dáng vẻ mới thì nó cũng hỗ trợ bảo vệ vỏ máy chống trầy. Riêng các miếng dán màn hình thậm chí còn giúp làm tăng độ sáng, chống lại mồ hơi tay, các vật liệu lỏng có thể bám lên màn hình, … Về hình dáng và màu sắc, các miếng “da” thường được in thêm nhiều họa tiết bắt mắt và rất đẹp để có thể thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của nhiều đối tượng người dùng khác nhau, kể cả những người thuộc trường phái... “đam mê sự kinh dị”.
Theo Ngọc, một “dân chơi” điện thoại rùng rợn hiện là sinh viên một trường đại học dân lập tại TP. HCM, thì trên thị trường có khá nhiều miếng “da” dán cho điện thoại với hình thù rất gớm, trong đó có thể đến những kiểu như đầu lâu, sọ người còn tươi máu, bộ xương khô, bóng ma, … cùng nhiều hình thù đáng sợ khác mà người yếu bóng vía khi xem có thể sẽ bị tác động mạnh.
Về chủng loại, trên thị trường hiện nay có tới hai loại “da” được phân biệt dựa trên chất liệu. Một là dạng nhựa dẻo đục (dán lên vỏ máy) hoặc trong suốt (dán lên màn hình) và giá của chúng thường rẻ.
Một loại khác, cũng là chất dẻo nhưng chế tác tinh vi để tạo cảm giác giống như da thật, chúng thường có độ dày hơn và giá bán cũng mắc hơn, tuy thế - những hình dáng “độc nhất” thì chỉ có thể tìm thấy được trên các loại “da” này. Có thể trào lưu này bắt nguồn từ lễ Halloween năm vừa rồi khi nhiều chiếc điện thoại hình dáng, thiết kế ma quái được “bơm” vào thị trường trong nước bởi sau đó, trào lưu trên mới bùng phát như ngày nay, Ngọc nhận định.
Những ai sở hữu điện thoại này thường ít khi để công khai trong nhà mà thường cất kĩ và chỉ lúc đi ra ngoài mới đem theo và khá nhiều teen thường kết hợp những chiếc điện thoại rùng rợn với các bộ quần áo in hình đầu lâu để cho… đồng bộ. Tuy thế, các giá của “rùng rợn” cũng không hề rẻ, chi phí của việc dán “da” rùng rợn lên điện thoại thường dao động trong khoảng 100 ngàn kể cả tiền mua vật liệu, đại diện một cửa hàng dán “da” cho điện thoại trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP. HCM) cho hay.
Nhạc chuông rợn da gà
Trái với kiểu chơi dán “da” cho điện thoại vốn tốn không ít tiền đối với những người có thu nhập không cao thì mốt dùng nhạc chuông rợn da gà lại phổ biến nhiều hơn trong gần như mọi tầng lớp người dùng nhưng khá phổ biến trong nhóm các sinh viên và teen muốn thể hiện “đẳng cấp”… khác người của mình.
Khá nhiều teen đã bỏ công lùng sạc và cài vào thẻ nhớ hàng chục bản nhạc chuông mô phỏng tiếng hét của những cô gái giống như đang bị cắt cổ, tiếng chó sói bị chọc tiết, tiếng heo rống, tiếng bò kêu, tiếng khóc than,… và thường đặt chế độ nhạc chuông lớn nhất để mỗi khi có ai gọi đến thì sẽ dọa được những người ở xung quanh. Trên các diễn đàn mạng, khá nhiều teen thậm chí còn hí hửng kể lại việc mình giả bộ quên điện thoại trong bàn tiệc buổi tối rồi chạy ra ngoài nhá máy cho chính mình để hù mọi người đang ngồi trên bàn đó. “Mấy em yếu tim sợ xỉu hết” – một thành viên có nick cungthutinhtruong89… hồ hởi kể lại “chiến tích” của mình.
Tuy thế, không ít người thậm chí còn cài được các nhạc chuông này thành nhạc chờ của điện thoại và làm nhiều người khi gọi đến cho mình xém xỉu ngay lúc chuông điện thoại vừa reo vang. Theo anh Long, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên dịch vụ mạng di động có trụ sở tại TP. HCM thì nhiều hãng điện thoại cho phép người dùng tự tạo nhạc chờ bằng cách thu âm lại các âm thanh mình thích nên nhạc chuông rùng rợn mới có điều kiện để được “lên sóng” bởi cơ chế kiểm duyệt của các nhà mạng chỉ xét đến các yếu tố về chính trị mà thôi.
“Nếu bây giờ có cấm thì cũng đã muộn vì những cơ sở dữ liệu nhạc chờ của các mạng có lên tới hàng triệu bản, không ai có thể kiểm duyệt lại được trong khi chính nhà mạng lại cho phép người dùng tặng nhạc chờ của mình cho người khác. Vì thế, nhạc chuông rùng rợn sẽ tiếp tục gieo kinh hoàng trên các dịch vụ di động trong thời gian rất lâu nữa”, anh Long nhận định.
Điện thoại… “lên đồng”
Một nhà sản xuất điện thoại trước khi tung sản phẩm ra thị trường thì cũng đều đã nghiên cứu kĩ càng về sự tương thích giữa các phần cứng và hệ điều hành để đảm bảo nó có thể hoạt động ở trạng thái tốt nhất. Tuy thế, không ít dân chơi đam mê công nghệ lại sẵn sàng đem điện thoại… “lên đồng” để thử nghiệm những tính năng mới của các công nghệ khác bất chấp rủi ro có thể xảy ra.
Trên nhiều diễn đàn về điện thoại lớn tại Việt Nam thời gian gần đây đã rộ lên nhiều trào lưu “thăng thiên”, “lên đồng” cho điện thoại từ những hệ điều hành này qua các hệ điều hành khác chỉ để khoe hoặc kiểm tra xem HTC có thể chạy Android tốt ra sao hoặc BlackBerry có thể chạy được Windows Mobile hay không…
Các “kinh nghiệm lên đồng” thường được tiếp tục chia sẻ lên mạng để nhiều người khác tham gia là theo và không ít “đồng nhân” đã gặp họa, trong đó điển hình là việc nhiều người nâng cấp điện thoại Samsung lên hệ điều hành Windows Phone 7 khiến máy chạy bất bình thường và hãng này đã phải ra thông báo yêu cầu người sử dụng ngừng lại ngay việc đó bởi nó sẽ phá vỡ cấu trúc ổn định của điện thoại mà các kĩ sư Samsung đã dày công nghiên cứu.
Tuy thế, lời cảnh tỉnh trên có vẻ không có hiệu quả khi một nhóm các nhà “nghiên cứu nghiệp dư” vừa thông báo kế hoạch tân trang iOS của iPhone sang một hệ điều hành khác trong tương lai. Trong khi đó, Apple khẳng định iPhone kết nối với App storre chỉ khi nó chạy trên hệ điều hành iOS mà thôi. Không có iOS thì iPhone sẽ trở thành đồ phế thải – một thành viên tại Techradar đánh giá về kế hoạch nêu trên của các nhà “nghiên cứu”.