Thị trường smartphone toàn cầu “ngấm đòn” thiếu chip

Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đang quay cuồng dưới sự tàn phá của cơn bão mang tên “thiếu hụt chip xử lý”, khi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu từ thị trường.

Trong thị trường smartphone hiện tại Samsung là nhà cung cấp hàng đầu với 23% thị phần. Xiaomi đánh mất vị trí thứ 2 mà hãng đã giành được vào đầu năm nay vào tay Apple do nhu cầu mạnh mẽ đối với iPhone 13. Kết quả là gã khổng lồ smartphone Trung Quốc hiện đứng ở vị trí thứ 3 với 14% thị phần. Hạng 4 và 5 hiện do Vivo và OPPO nắm giữ, cả hai đều chiếm 10% thị phần (theo thống kê từ Canalys). Đáng chị ý, số lượng lô hàng smartphone bán ra trên toàn thế giới trong quý 3 năm nay đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê từ Canalys

Theo đánh giá từ giới chuyên gia,“nạn đói chipset” đã và đang bắt đầu thực sự tạo ra những tác động tiêu cực đến thị trường smartphone toàn cầu:

“Ngành công nghiệp điện thoại thông minh đang cố gắng tối đa hóa kế hoạch sản xuất triệt để nhất có thể dựa trên số lượng bộ xử lý mà họ đang có trong tay. Về phía nguồn cung, các nhà sản xuất chipset đang chủ động nâng giá bán từng ngày để không khuyến khích việc đặt hàng quá nhiều, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu”.

Toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn đã phải hứng chịu một trong những ”đợt hạn hán” chip xử lý tồi tệ nhất từ trước đến nay do những tác động từ đại dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua. Mọi thứ bắt đầu chuyển biến xấu vào cuối năm 2019 và trở nên cực kỳ tồi tệ trong giai đoạn 2020-2021, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị bẻ gãy bởi đại dịch. Đã có không ít nỗ lực phục hồi được triển khai trong vài tháng qua, nhưng kết quả thực tế nhìn chung vẫn là một bức tranh ảm đạm.

Chip xử lý

Tình trạng thiếu chip được dự báo có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, bất chấp những biện pháp điều tiết từ các ông lớn trên thị trường. Điều này, kết hợp với chi phí vận chuyển toàn cầu tăng lên, sẽ đẩy giá bán lẻ thiết bị lên cao hơn nữa.

Nguy hiểm hơn, tình trạng này cũng dẫn đến những thay đổi vào phút chót liên quan đến thông số kỹ thuật thiết bị, cũng như số lượng đặt hàng từ nhà cung cấp điện thoại thông minh. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và kém hiệu quả trong hoạt động giữa đơn vị sản xuất thiết bị với các kênh bán lẻ và nhà phân phối. Đặc biệt là khi các dịp mua sắm quan trọng đang đến gần, chẳng hạn như ngày lễ độc thân ở Trung Quốc, hay Thứ Sáu Đen ở phương Tây.

Tất cả dẫn đến những sự xáo trộn không đáng có, khiến người tiêu dùng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, thế giới sẽ còn phải chứng kiến rất nhiều hệ lụy đáng lo ngại khác.

Chủ Nhật, 17/10/2021 21:24
54 👨 425
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ