Một loạt vụ kiện tụng đang diễn ra trên thị trường điện thoại di động có thể làm tăng chi phí của các nhà sản xuất, khiến giá bán điện thoại tăng lên và người tiêu dùng sẽ là đối tượng gánh chịu hậu quả.
Từ đầu năm đến nay, Apple và HTC, hai nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone), đã nhiều lần kéo nhau ra tòa do các tranh chấp liên quan đến các bằng sáng chế. Vào tháng Ba, Apple đã kiện HTC ăn cắp 20 bằng sáng chế liên quan đến điều khiển cảm ứng và trình đơn. Thế nhưng, ngày 12/5 vừa qua, HTC đã liên thủ với Google tố ngược lại Apple đã vi phạm 5 bằng sáng chế của họ, đồng thời yêu cầu Ủy ban thương mại quốc tế của Mỹ cấm Apple kinh doanh iPhone, iPad và iPod tại thị trường này.
Vào ngày 7/5 vừa qua, Nokia cũng đã phát đơn kiện Apple cho rằng các sản phẩm iPhone và iPad của hãng này vi phạm 5 bằng sáng chế của Nokia. Chỉ trong 7 tháng vừa qua, hai hãng sản xuất điện thoại này đã 5 lần đưa nhau ra tòa. Tranh chấp giữa họ bắt đầu từ tháng 10/2009 khi Nokia cáo buộc Apple vi phạm 10 bằng sáng chế của hãng này.
Micosoft cũng đang theo đuổi vụ kiện yêu cầu các công ty sản xuất điện thoại chạy hệ điều hành Android bồi thường tiền sử dụng các bằng sáng chế của hãng này. Vào ngày 27/4 vừa qua, Microsoft cho biết HTC sẽ đưa các phần mềm của mình vào các điện thoại của nhà sản xuất điện thoại Đài Loan này.
Bằng sáng chế cũng đóng vai trò trong thương vụ mua lại Palm với giá 1,2 tỷ USD gần đây của Hewlett-Packard (HP). HP cho biết các bằng sáng chế liên quan dến hệ điều hành WebOS của Palm dành cho smartphone là một lý do hãng này muốn thâu tóm Palm. “Thị trường di động hiện nay trông như nước Pháp vào năm 1914. Đó là sự khởi đầu của giai đoạn bất ổn”, Eben Moglen, giáo sư đại học luật Columbia (Mỹ) nói.
Các công ty sở hữu bằng sáng chế đều muốn có miếng lớn hơn trong doanh thu smartphone, thị trường đã tăng 27% lên 61 tỷ USD trong năm 2009 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 30% trong năm nay, theo hãng nghiên cứu Strategy Analytics.
Tuy nhiên, vấn đề phức tạp là mỗi hãng ở những lĩnh vực khác nhau sở hữu những công nghệ độc đáo riêng. Apple giữ nhiều bằng sáng chế liên quan đến máy tính, ứng dụng và công nghệ cảm ứng đã được đưa vào iPhone. Nokia lại giữ bản quyền của nhiều công nghệ truyền thông trong di động, trong khi Microsoft sở hữu một kho bằng sáng chế liên quan đến phần mềm cho thiết bị di động. Khi các công ty muốn giữ các công nghệ của họ khỏi lọt vào tay đối thủ hoặc đòi tiền sử dụng bằng sáng chế từ các đối thủ, các vụ kiện tụng sẽ xuất hiện.
“Khi các ngành hội tụ, sẽ nảy sinh ngày càng nhiều tranh chấp bằng sáng chế”, Gustav Brismark, phó tổng giám đốc phụ trách quản lý bằng sáng chế của Ericsson, hãng sản xuất thiết bị viễn thông hiện giữ nhiều bằng sáng chế về kết nối không dây nói.
Khi smartphone ngày càng phức tạp, chúng sẽ dựa vào nhiều bằng sáng chế hơn. Chỉ riêng các tính năng truyền thông không dây 3G trong điện thoại hiện có tới gần 8.000 bằng sáng chế, được 41 công ty nắm giữ. Các nhà sản xuất điện thoại hiện phải trả chưa đến 10% chi phí sản xuất cho bằng sáng chế. Thế nhưng tỷ lệ này trong tương lai sẽ tăng nhanh, dẫn đến sự tăng giá điện thoại bán tới tay người tiêu dùng. Khác với thị trường máy tính có nhiều bằng sáng chế đã hết hạn thu phí bản quyền, hầu hết bằng sáng chế áp dụng trong smartphone hiện vẫn còn hiệu lực.
Nhiều hãng sở hữu các bằng sáng chế kiếm bẫm sau khi thị trường smartphone phát triển mạnh. Qualcomm, một trong số những hãng sở hữu bằng sáng chế không dây lớn nhất thế giới, đã thu được gần 1 tỷ USD tiền bán bằng sáng chế chỉ trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều hãng như Apple hay Nokia không muốn bán bằng sáng chế của họ để ngăn đối thủ ra các sản phẩm cạnh tranh nhằm bảo vệ thị phần.