Thời gian chờ giao hàng đạt kỷ lục 18 tuần, thị trường chip toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt chưa từng có

Tình trạng cầu vượt cung trong thị trường chip xử lý toàn cầu đang ở trong giai đoạn tồi tệ chưa từng có. Điều này được cho là bắt nguồn từ bối cảnh chuỗi cung ứng cũng như hoạt động sản xuất bị gián đoạn nặng nề do đại dịch Covid-19, cũng như tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Vấn đề thiếu hụt chất bán dẫn cũng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hàng loạt ngành công nghiệp khác nhau, dẫn đến chuỗi khủng hoảng dây chuyền đang làm đau đầu giới chuyên gia. Các báo cáo gần đây cho thấy tình hình thực tế dường như đã trở nên tồi tệ hơn, khi thời gian chờ đợi cho các lô hàng vi xử lý nói chung đã đạt mức cao kỷ lục, lên tới 18 tuần.

Cụ thể hơn, theo báo cáo của Bloomberg, các nhà sản xuất ô tô và thương hiệu điện tử tiêu dùng thậm chí còn phải chờ đợi lâu hơn để được nhận các lô linh kiện bán dẫn, nguyên nhân bởi phía cung ứng (các nhà sản xuất chất bán dẫn) đơn giản là không thể đáp ứng yêu cầu do nhiều lý do khác nhau. Thời gian chờ đợi lâu nhất là đối với chip xử lý, khi khoảng thời gian giữa việc đặt hàng và nhận hàng đã tăng từ chỉ một tuần (như thông thương) lên mức kỷ lục 18 tuần vào tháng 5 năm 2021. Đây là con số cho thấy các nhà sản xuất chip cũng đang vật lộn để theo kịp nhu cầu từ thị trường, và thậm chí chính họ cũng đang “lực bất tòng tâm”.

Thiếu hụt chip bán dẫn

Trong quá khứ, thời gian chờ lâu nhất đối với các đơn hàng chip xử lý chỉ là 4 tuần, được ghi nhận vào năm 2018. Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra rằng sự gia tăng trong số lượng đơn hàng liên quan đến các bộ vi xử lý quản lý điện năng, điều chỉnh dòng điện trong máy móc và sản phẩm điện tử tiêu dùng là lý do chính cho sự gia tăng trong tổng thời lượng giao hàng. Cụ thể, thời gian trung bình mà bên đặt hàng phải đợi đối với loại chip này trong tháng 5 vừa qua lên tới 25,6 tuần, dài hơn gần hai tuần so với một tháng trước đó.

Theo đánh giá từ giới phân tích, cơn khát nguồn cung chip bán dẫn hoàn toàn có thể kéo dài sang năm 2022, và thậm chí qua cả năm 2023. Sự thiếu hụt này sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành công nghiệp sản xuất ôtô, sau đó đến mảng điện thoại thông minh và rộng hơn xu hướng internet vạn vật (iOT), dẫn đến giá bán của các sản phẩm này ít nhiều chịu tác động.

Để cải thiện tình trạng hiện tại, không còn cách nào khác ngoài việc điều chỉnh đơn đặt hàng, lịch sản xuất và giá cả. Điều này cần đến sự chung tay của toàn thị trường, đặc biệt là những tên tuổi lớn trong cả hai phía cung và cầu.

Thứ Hai, 28/06/2021 23:38
51 👨 150
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ