Vào tháng 11/2018, nhiều người đã vô cùng kinh ngạc khi cơ quan tin tức Xinhua của Trung Quốc cho ra mắt hai phát thanh viên truyền hình ảo hoạt động bằng điện năng. Theo Xinhua phát thanh viên ảo này được lập trình để đọc tin tức dựa trên giọng nói được tổng hợp bằng máy tính. Một video ghi lại buổi làm việc đầu tiên phát thanh viên ảo này cũng đã được hãng công bố.
Tuy nhiên, theo phóng viên của tạp chí MIT Technology Review trực thuộc Viện Công nghệ Massachusetts MIT, đây không phải là một phát thanh viên trí tuệ nhân tạo mà chỉ là "một con rối đọc lời thoại" mà thôi. Đây đúng là một sản phẩm được tạo ra từ máy tính với giọng nói hơi cứng, đôi môi di chuyển hơi khác lạ nhưng không phải là một sản phẩm “thông minh”.
Công ty Sogou, cha đẻ của những phát thanh viên ảo này, đã sử dụng một phần mềm để tạo ra vẻ ngoài và giọng nói trông có vẻ như là một phát thanh viên thực thụ.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu tại MIT, đây là một sản phẩm ấn tượng có thể gọi là "phát thanh viên trí tuệ nhân tạo" nhưng chỉ là 1 ví dụ rất nông cạn cho "machine learning – máy học".
Và trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra những đoạn video như vậy nhờ deepfakes, một chương trình cho phép người dùng sử dụng khuôn mặt của người khác để thay thế cho khuôn mặt của ai đó trong video. Công nghệ này đem lại nhiều lợi ích trong tương lai như giúp cải thiện khả năng hoạt họa, kỹ xảo máy tính và công nghệ phát triển game. Tuy nhiên, việc một cỗ máy tính có khả năng lồng ghép những khuôn mặt quen thuộc, nổi tiếng vào bất kỳ cơ thể người nào cũng ẩn chứa những điều đáng lo ngại. Một trong số đó là việc xuất hiện những video không đứng đắn lắm sử dụng kỹ thuật ghép mặt này trên Internet.