Từng milimet cũng trở nên quan trọng khi bạn xây dựng các thiết bị điện tử ngày càng phức tạp và lại ngày càng nhỏ gọn. Không gian tương đối lớn của thẻ SIM từ lâu đã là thứ khiến cho các nhà sản xuất phần cứng phải đau đầu.Mới đây, công ty sản xuất con chip ARM đã có câu trả lời, một thành phần tích hợp có tên iSIM được gắn trực tiếp vào con chip như vi xử lý.
ARM cho biết iSIM sẽ chiếm “một phần của một milimet vuông” trong khi SIM chuẩn hiện tại - Nano SIM - có kích thước khoảng 12,3 x 8,8 mm, đó là chưa kể tới phần cứng dùng để chứa chúng trên thiết bị. Theo ARM, SIM này không chỉ tiết kiệm không gian mà quan trọng hơn là còn giảm chi phí. Thay vì phải trả “10 xu” cho mỗi thẻ thì nhà sản xuất sẽ chỉ phải trả số xu 1 con số mà thôi.
Nhưng cũng đừng cho rằng thẻ SIM sẽ biến mất. Công nghệ nói trên được phát triển với mục tiêu ban đầu là dành cho các thiết bị IoT, giống như các cảm biến không dây cần dịch vụ di động để báo lại những gì nó dò được. Mục đích của ARM là giảm chi phí của các sản phẩm này xuống mức thấp nhất có thể, để các thiết kế chip của họ trở nên phổ biến hơn trên thị trường IoT sẽ còn nở rộ những năm tới.
Thiết kế của ARM đưa SIM trực tiếp vào vi xử lý của thiết bị
Điều này cũng dấy lên một câu hỏi quan trọng là liệu các nhà cung cấp mạng di động có chấp thuận hay không. Các nhà sản xuất điện thoại hiện đã có một giải pháp thay thế Nano SIM - một con chip nhỏ cỡ 6 x 5 mm có tên eSIM - nhưng mức độ tiếp nhận trong ngành vẫn rất chậm. Dù vậy eSIM cũng ngày càng xuất hiện trên nhiều máy tính bảng và các thiết bị đeo hay gần đây là trên những chiếc điện thoại Pixel mới nhất của Google. Có lẽ cũng sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi công nghệ này được sử dụng rộng rãi hơn.
ARM hy vọng rằng iSIM sẽ được các nhà mạng hưởng ứng vì khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết và cuối cùng là chính họ cũng muốn được thấy các thiết bị IoT kết nối mạng mà mình cung cấp, vì điều đó nghĩa là họ có được nhiều khách hàng hơn.
ARM cho biết họ đã gửi thiết kế của iSIM cho các đối tác và hy vọng sẽ được thấy những con chip này xuất hiện vào cuối năm nay.
Xem thêm: