Xã hội loài người hiện nay có lẽ sẽ phải rất lâu nữa mới đạt đến “cảnh giới” như trong bom tấn khoa học giả tưởng robot biết yêu (tựa gốc tiếng Anh: WALL-E), nơi những con robot biết nhận thức, biết suy nghĩ và thậm chí cả biết yêu. Tuy nhiên công nghệ phát triển robot của nhân loại cũng đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là với sự góp mặt của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, những chú robot đã được đưa vào “biên chế” và đóng vai trò như những nhân viên mẫn cán, chẳng hạn như loại robot an ninh lưu động có thể hỗ trợ nhiệm vụ giám sát một số khu vực an ninh trọng yếu như ngân hàng, sòng bạc, trung tâm thương mại và bệnh viện.. để bảo vệ con người trước nhiều tình huống bất ngờ.
Hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, những chú robot đã được đưa vào “biên chế” và đóng vai trò như những nhân viên mẫn cán
Trong các bộ phim giả tưởng, chúng ta thường thấy robot tấn công con người và chiếm lĩnh thế giới, nhưng trên thực tế mọi chuyện lại diễn ra ngược lại 100%. Một số người dường như không thích sự hiện diện của những chú robot kiểm soát an ninh cho lắm, bằng chứng là hàng loạt vụ việc con người tấn công, phá hoại robot đã được ghi nhận. Chẳng hạn như trường hợp mới xảy ra ở Hayward, California, Hoa kỳ đầu tháng 8 vừa qua, một robot an ninh đã quay lại được đoạn video nó bị một người đàn ông lạ mặt tấn công. Gã phá hoại này hiện đang bị “truy nã”, nhưng chú robot cũng buộc phải “về hưu non” khi bị hỏng hóc khá nghiêm trọng.
Đây chính là khoảnh khắc ghi lại trước khi robot an ninh bị tấn công:
Kẽ lạ mặt tấn công robot an ninh Knightscope
Knightscope - công ty chủ quản của robot an ninh bị tấn công cho biết đây hoàn toàn là hành vi có chủ đích chứ không phải vô ý. Hiện có khoảng 75 chú robot như vậy đang phục vụ tại 15 tiểu bang của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của chúng là tuần tra an ninh, nhận diện những kẻ lạ mặt, và quay những đoạn video kiểm soát. Hiện một số doanh nghiệp lớn tại Hoa Kỳ đang tích cực đưa vào biên chế những chú robot an ninh, nhằm giám sát tình hình an ninh bên trong các tòa nhà cũng như theo dõi mức độ tuân thủ nội quy của nhân viên.
Tuy cho hiệu quả thực tế không đến nỗi tệ, nhưng những chú robot an ninh này sẽ không thể thay thế hoàn toàn các nhân viên bảo vệ bằng da bằng thịt trong một số tình huống phức tạp, đặc biệt là những lúc cần đến sự tương tác trực tiếp, hay yêu cầu xử lý tình huống một cách linh hoạt.
Nhìn chung, công việc chính của robot an ninh chủ yếu là hỗ trợ cho các nhân viên bảo vệ trong một số nhiệm vụ như quét dọn hay tuần tra, nhưng vẫn cần sự can thiệp từ con người trong trường hợp robot phát hiện ra điều gì đó khác thường. Chúng có thể phát hiện tiếng ồn bất thường, theo dõi nhiệt độ và quét biển số xe để kiểm tra dựa trên cơ sở dữ liệu của cảnh sát. Ngoài ra những con robot hiện đại này còn được trang bị cả công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phát hiện tội phạm đang bị truy nã. Trong các tình huống khẩn cấp, chúng sẽ phát ra tín hiệu còi báo động.
Các robot an ninh thường có chiều cao khoảng 1.5m, nặng chừng 140kg, và có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 30km/h
Những chú robot này đều không được trang bị bất cứ loại vũ khí nào, do đó sẽ không thể trở thành mối nguy hiểm cho mọi người. Ngược lại, chính con người mới là mối nguy hiểm trong trường hợp này. Những hành vi tấn công robot, bất kể nhằm mục đích gì, đều được coi là hành vi phá hoại tài sản, và loại robot an ninh này không hề rẻ chút nào.
Bên cạnh nguy cơ bị con người tấn công, những chú robot an ninh còn phải đối mặt với vô số rủi ro tiềm ẩn khác. Cách đây không lâu, một robot tuần tra cũng của hãng Knightscope đã "hụt chân" xuống khu vực đài phun nước khi đang làm nhiệm vụ trong một trung tâm thương mại và "hy sinh" anh dũng. Sau khi được vớt lên, chú robot này đã bị hư hại vĩnh viễn.
Robot tuần tra Knightscope "hy sinh" trong khi làm nhiệm vụ
Các robot an ninh thường có chiều cao khoảng 1.5m và nặng chừng 140kg. Chúng có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 30km/h, nhưng trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, những robot này thường chỉ di chuyển với tốc độ 1.5-5km/h. Việc sử dụng robot an ninh trong các trung tâm tương mại, bãi đỗ xe, khu vui chơi... sẽ giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí so với việc thuê nhân viên an ninh thông thường. Tuy nhiên các hãng sản xuất robot cũng cần hạn chế tối đa những sai lệch trong khâu vận hành, đặc biệt là lỗi lập trình dẫn đến các tình huống tai nạn đáng tiếc như trên bởi khi đó, chi phí sửa chữa sẽ không hề rẻ chút nào.
Knightscope cho biết chú robot bị tấn công của hãng đãng được “điều trị tích cực” và vẫn có cơ hội tiếp tục nhiệm vụ. Với sự vào cuộc của cơ quan cảnh sát quận Hayward, hy vọng kẻ thủ ác sẽ nhanh chóng “sa lưới”.