Tại sao Linux lại có nhiều bản phân phối như vậy?

Không giống như Windows và macOS, cài đặt Linux không mấy dễ dàng. Tìm kiếm từ khóa Linux trên Internet sẽ mang lại cho bạn rất nhiều hệ điều hành với những tên gọi khác nhau, nhưng không có hệ điều hành nào được gọi là "Linux". Tại sao lại như vậy?

Linux đang ngày càng trở thành hệ điều hành được lựa chọn bởi những người đam mê công nghệ dày dặn kinh nghiệm và cả người dùng bình thường. Nhưng tại sao có hàng ngàn hệ điều hành hay "bản phân phối" đều được gọi chung là "Linux"? Và tại sao các nhà phát triển tiếp tục tạo ra nhiều hệ điều hành cùng loại như vậy? Hãy cùng Quantrimang.com tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Bản phân phối Linux là gì?

Đầu tiên, điều quan trọng là phải biết Linux thực sự là gì. Linux không phải là một hệ điều hành mà là một kernel, thành phần kết nối phần cứng máy tính với hệ điều hành. Khi bạn khởi chạy một ứng dụng trên máy tính của mình bằng cách nhấp vào một biểu tượng, đó là kernel giao tiếp với hệ điều hành để khởi chạy ứng dụng và hiển thị kết quả đầu ra trên màn hình bằng phần cứng, tức là màn hình.

Một hệ điều hành bao gồm một kernel bên dưới, các ứng dụng và thường là một giao diện người dùng đồ họa. Linux là kernel và tất cả các hệ điều hành sử dụng nó được gọi là "bản phân phối Linux". Thuật ngữ "bản phân phối" xuất phát từ quá trình chia sẻ hệ điều hành dựa trên Linux với người dùng khác, còn được gọi là "phân phối" vì kernel và hệ điều hành nói chung là miễn phí.

Điều gì đã tạo ra nhiều phân phối Linux?

Linux kernel được cấp phép theo Giấy phép Công cộng GNU, cho phép bất kỳ ai cũng có quyền xem, chỉnh sửa và phân phối bất kỳ ứng dụng nào của kernel. Nhưng không phải lúc nào cũng như thế này.

Trước đó, Unix là một hệ điều hành phổ biến, nhưng mã nguồn của nó thuộc quyền sở hữu của AT&T. Sau một thời gian, BSD (Berkeley Software Distribution), một hệ điều hành chủ yếu dựa trên Unix, ra đời tại Đại học California, Berkeley. Cũng có nhiều hệ điều hành khác dựa trên Unix vào thời điểm đó, và tất cả chúng đều rất khác nhau.

Việc không có tiêu chuẩn để tạo hệ điều hành dựa trên Unix và sự đối kháng giữa các hệ điều hành vào thời điểm đó đã dẫn đến kỷ nguyên được gọi là "cuộc chiến Unix". Các nhà cung cấp khác nhau phân phối những phiên bản Unix riêng và bắt đầu thiết lập các tiêu chuẩn của riêng họ, bao gồm AT&T và BSD.

Lịch sử phát triển các phiên bản Unix
Lịch sử phát triển các phiên bản Unix

Năm 1983, Richard Stallman bắt đầu GNU Project, tập trung vào việc phát triển và phân phối phần mềm mã nguồn mở và miễn phí. GNU Project nhằm tạo ra một phiên bản Unix miễn phí, một phiên bản mà bất kỳ ai cũng có thể sao chép và phân phối tự do.

Nhiều ứng dụng được phát triển theo Giấy phép Công cộng GNU vào thời điểm đó, bao gồm TAR và Emacs. Nhưng dự án thiếu kernel mã nguồn mở, một phần của máy tính giúp hệ điều hành và các ứng dụng tương tác với phần cứng.

Năm 1991, 8 năm sau khi GNU Project bắt đầu, Linus Torvalds bắt đầu phát triển Linux. Và một năm sau, Linux được phát hành lại theo Giấy phép Công cộng, trở thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là GNU/Linux. Vì Linux kernel đã được cấp phép theo GPL, nên bất kỳ ai cũng có thể tạo một hệ điều hành trên kernel này và phân phối nó một cách tự do.

Khả năng tạo ra hệ điều hành của riêng mình miễn phí đã khuyến khích nhiều nhà phát triển bắt đầu sáng tạo bản phân phối của họ. Một loạt các bản phân phối bao gồm Debian, Red Hat và Slackware đã được phát hành vào thời điểm đó, bắt đầu cuộc cách mạng Linux.

Tại sao các bản phân phối Linux mới được tạo ra?

Lý do chính khiến các nhà phát triển tiếp tục tạo và phân phối những hệ điều hành dựa trên Linux mới đơn giản vì đó là điều họ có thể thực hiện được. Linux kernel và các ứng dụng miễn phí. Những tài nguyên để tạo toàn bộ hệ điều hành trên kernel cũng không mất xu nào.

Ngày nay, người ta hiếm khi tạo một bản phân phối từ đầu. Thay vào đó, họ sử dụng một bản phân phối phổ biến khác và xây dựng một hệ điều hành mới bằng cách sử dụng hệ điều hành cũ làm cơ sở hoặc làm lại nó với giao diện người dùng đồ họa mới và các ứng dụng được thêm vào.

Ubuntu có một số phiên bản, như Xubuntu, Kubuntu và Lubuntu. Sự khác biệt duy nhất giữa 3 phiên bản này là môi trường desktop. Thay vì desktop GNOME được tùy chỉnh mặc định cài đặt sẵn trên Ubuntu, Xubuntu, Kubuntu và Lubuntu lại có XFCE, KDE Plasma và LXDE tương ứng.

Mục tiêu chính của hệ điều hành là làm cho desktop dễ dàng hơn cho người dùng. Khi ai đó muốn một tính năng mới trong hệ điều hành, con đường truyền thống phải làm là cung cấp phản hồi cho công ty phát triển hệ điều hành. GNU Project đã thay đổi hoàn toàn điều này.

Người dùng sẽ chung tay xây dựng hệ điều hành theo mong muốn của mình
Người dùng sẽ chung tay xây dựng hệ điều hành theo mong muốn của mình

Chính người dùng sẽ tự sử dụng, phát triển, cung cấp phản hồi, triển khai và cuối cùng, phân phối một bản phân phối mã nguồn mở. Bạn có thể tự do tạo bản phân phối của riêng mình và thêm các tính năng mong muốn trong hệ điều hành mơ ước của chính mình.

Bất kỳ ai có cùng tư tưởng và ý kiến ​​đều có thể đóng góp cho dự án và giúp đỡ các nhà phát triển. Không cần phải liên hệ với một công ty hoặc điền vào biểu mẫu phản hồi chỉ để nhận được một tính năng bổ sung cần thêm vào hệ điều hành.

Không chỉ người dùng, mà ngay cả các công ty lớn cũng tạo ra những bản phân phối mới để sử dụng trong nội bộ công ty. CBL-Mariner của Microsoft là một ví dụ điển hình. Điều này chủ yếu là do các công ty lớn không muốn sử dụng các bản phân phối do người dùng khác tạo ra và muốn phát triển hệ điều hành của riêng họ từ đầu hoặc dựa trên một bản phân phối chính thống khác.

Dự án Linux đã phát triển đến mức mà những gã khổng lồ công nghệ như Google cũng bắt đầu phụ thuộc vào Linux kernel trong một số dự án. Lấy Android và Chrome OS làm ví dụ. Android sử dụng Linux kernel bên trong và Chrome OS được xây dựng trên nền tảng của Gentoo Linux, một bản phân phối được phát hành vào năm 2000.

Gentoo Linux
Gentoo Linux

Một lý do khác cho sự phân mảnh của desktop Linux là có rất nhiều loại thiết bị có sẵn. Ngoài desktop, các thiết bị khác như thiết bị dựa trên bộ xử lý ARM, cũng cần có hệ điều hành để chạy. Linux giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp cơ sở cho các nhà phát triển để tạo ra một hệ điều hành cho bất kỳ dòng vi xử lý nào họ muốn.

Hệ điều hành Raspbian là một bản phân phối được tạo riêng cho các thiết bị Raspberry Pi. Bạn cũng có thể tìm thấy vô số bản phân phối được phát triển để chạy trên các bộ xử lý cũ hơn không được hỗ trợ bởi những nhà cung cấp hệ điều hành độc quyền.

Có thực sự cần nhiều bản phân phối như vậy không?

Nếu bạn là người đơn giản chỉ cần một máy tính và một hệ điều hành để hoàn thành công việc, tất nhiên là không. Bạn có thể sử dụng bất kỳ hệ điều hành nào miễn là nó phù hợp với khả năng của bạn. Nhưng đối với những người muốn có nhiều lựa chọn khi nói đến thiết bị và cuộc sống kỹ thuật số, Linux là lựa chọn phù hợp.

Bạn có thể thử một vài hệ điều hành Linux và chọn ra một hệ điều hành bạn thấy tốt nhất hoặc tiếp tục sao chép và thử nghiệm các bản phân phối mới. Linux cho bạn sự lựa chọn đó. Miễn là mọi người tiếp tục ủng hộ và đóng góp cho hệ sinh thái mã nguồn mở, bạn sẽ tiếp tục thấy các bản phân phối mới được phát triển và phát hành miễn phí trên Internet.

Đó chính là cách thức hoạt động của mã nguồn mở!

Mặc dù nhiều hệ điều hành độc quyền như Android và macOS có cơ sở mã nguồn đóng, nhưng chúng đã sử dụng Linux làm nền tảng cho các dự án của mình. Điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được vì giấy phép mà Linux kernel được phát hành cho phép bất kỳ ai cũng có thể sửa đổi và phân phối code mà không có bất kỳ giới hạn nào.

Do sự hỗ trợ của cộng đồng to lớn đằng sau các hệ điều hành dựa trên Linux, những tính năng mới và độc quyền liên tục được thêm vào các bản phân phối. Mặc dù bạn có thể tìm thấy nhiều tính năng như vậy trên các hệ điều hành độc quyền khác như Windows và macOS, vài tính năng trong số đó chỉ giới hạn ở một số ít các bản phân phối Linux.

Thứ Hai, 04/04/2022 08:13
51 👨 736
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ