Intel hay AMD dùng số lẻ đặt tên cho các dòng CPU là Core i3, i5, i7, i9 hay Ryzen 3, 5, 7, 9. Vậy, tại sao 2 hãng công nghệ này chỉ dùng số lẻ mà không dùng số chẵn như Core i2, i4, i6… hay Ryzen 2, Ryzen 4…? Câu hỏi này đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn xưa nay và dưới đây là một số lời giải thích thú vị khác nhau.
Giải thích đầu tiên và cũng là giải thích nghe có vẻ thuyết phục nhất đó là để tránh người dùng nhầm lẫn giữa số nhân CPU và tên thương hiệu. Số nhân của CPU đều là số chẵn.
Các dòng Core i3, i5, i7, i9 và Ryzen 3, 5, 7, 9 sẽ không bị hiểu là có 3, 5, 7, 9 nhân mà các dòng CPU này có 2, 4, 6 hoặc 8 nhân.
Con số lẻ cũng là một cách để Intel thể hiện phân khúc của CPU. Cụ thể, i3 sẽ là vi xử lý phổ thông giá rẻ, i5 tầm trung, i7 cao cấp…
Giải thích thứ 2: Theo luật thương mại Hoa Kỳ, tên thương hiệu phải đáp ứng các yếu tố về mô tả đặc tính và mã linh kiện (part number). Đối với sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, đối thủ cạnh tranh được phép sử dụng mã linh kiện tương tự. Khi sử dụng mã linh kiện làm tên thương hiệu của sản phẩm, Intel đã vướng phải rắc rối.
Intel đã khởi kiện AMD khi hãng này bắt đầu bán dòng vi xử lý 80386 vì vi phạm thương hiệu. Nhưng Intel đã thua kiện bởi 80386 thực tế là mã linh kiện không phải tên thương hiệu (dòng 80386 còn được biết là dòng i386).
Tương tự, AMD cũng từng khởi kiện Intel và thua kiện khi Intel bán dòng 486, không có số 80 phía trước bởi 486 không đáp ứng yếu tố mô tả và người dùng có thể tin rằng 486 là mã linh kiện.
Chính vì vậy mà Intel đã quyết định dùng tên gọi Pentium cho thương hiệu cho đến tận ngày nay. Cách đặt tên chip xử lý của Intel vẫn giữ nguyên, i3 chỉ đơn thuần là một cái tên để phân biệt giữa các sản phẩm chứ không phải là yếu tố gọi tắt cho i386.
Giải thích thứ 3 theo hướng vui vẻ: Intel học cách đặt tên i3, i5, i7... từ BMW. I7 là BMW 7 series, i5 là BMW 5 series còn i3 là BMW 3 series.