Pin dự phòng là thiết bị được nhiều người chọn lựa để đảm bảo nguồn năng lượng cho thiết bị di động được hoạt động liên tục mọi lúc mọi nơi. Nhưng có một thực tế không phải ai cũng biết, đó là dung lượng ghi trên vỏ hộp của pin dự phòng chỉ là tương đối và dung lượng sử dụng thực tế cũng như hiệu suất thì sẽ không bao giờ đạt được 100% như những gì mà nhà sản xuất quảng cáo.
- Đây là lý do vì sao dây sạc 20USD của Apple dễ đứt hơn cả hàng “fake” 2USD
- Giải phẫu cáp sạc iPhone hàng giả và hàng xịn để thấy "đắt nhưng xắt ra miếng"
Giả sử nếu bạn có một viên pin sạc dự phòng dung lượng 10.000mAh và một chiếc smartphone với dung lượng viên pin là 2.000mAh. Theo lý thuyết, sau 5 lần sạc đầy chiếc điện thoại thì pin dự phòng mới cần sạc lại. Nhưng trên thực tế điều này sẽ không xảy ra, bạn chỉ có thể sạc đến khoảng lần thứ 4 là pin dự phòng đã gần hết điện.
Nguyên nhân của sự hao hụt trên đến từ quy trình sạc cũng như cấu tạo của pin dự phòng.
Thông thường, các pin dự phòng được cấu tạo bởi hai thành phần là các lõi pin (cell - gồm 2 loại chính là Lithium-Polymer (Li-Po), Lithium-ion (Li-Ion)) và mạch điều khiển cường độ dòng điện và điện áp.
Trên thực tế, các cell pin (điển hình là Lithium-Ion) bên trong sạc dự phòng chỉ có điện áp xác định ở mức 3,7 Volt, khi nạp điện có thể tăng tối đa lên 4,3 Volt và sẽ giảm khi pin được sử dụng. Trong khi đó, các smartphone hiện nay đều có điện áp tiêu chuẩn sạc là 5 Volt, có nghĩa là chỉ có thể nhận sạc nếu được cung cấp một dòng điện 5 Volt.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà sản xuất đã sử dụng mạch điều khiển cường độ dòng điện và điện áp (gọi tắt là mạch sạc) để tăng áp và hạ áp.
Khi người dùng sạc pin cho smartphone, dòng và áp tại pin dự phòng sẽ được “kích” lên mức tiêu chuẩn là 5V, còn ở cổng micro-USB thì một mạch khác lại có vai trò hạ áp xuống mức 4,3 Volt để tránh các sự cố cháy nổ không đáng có. Quá trình tải điện, quy trình tăng và hạ áp khi sạc đã tiêu thụ khoảng 10% lượng điện năng của pin dự phòng, một con số không hề nhỏ.
Giống như mọi loại pin thông thường khác, pin dự phòng cũng tự tiêu hao điện năng ngay cả khi không sử dụng. Ngoài ra, pin dự phòng và thiết bị của bạn đều phát sinh nhiệt và lượng nhiệt dư thừa này cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng điện dự trữ trong các cell bị hao hụt.
Đến đây, có lẽ các bạn đã hiểu được lý do tại sao pin dự phòng lại không thể đạt 100% dung lượng như quảng cáo. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn có thể bảo quản cũng như sử dụng pin dự phòng tốt hơn.
- Bảo quản pin dự phòng ở điều kiện khô ráo, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và các vật liệu ăn mòn.
- Giữ pin ở nhiệt độ khoảng 20-30 độ C.
- Xả pin định kỳ khoảng 3 tháng 1 lần.
- Nạp ngay khi xả hết để tránh pin rơi vào trạng thái ngủ.
- Không nên dùng liên tục với cường độ cao.
- Pin có tuổi thọ cao nhất khi được giữ ở mức 20-80%.
- Để đảm bảo thiết bị của bạn được sạc đầy nên mua pin dự phòng có dung lượng lớn hơn khoảng 25-30% so với dung lượng của smartphone.