3,5 triệu người dùng WSL hiện có thể sử dụng GPU Compute từ Linux ngay trên Windows

Windows Subsystem for Linux (WSL) là một tiện ích được Microsoft phát triển nhằm mục đích hỗ trợ người dùng Windows chạy các công cụ dòng lệnh (command-line tools) Linux nguyên gốc, chưa qua sửa đổi trực tiếp trên môi trường Windows mà không cần sử dụng đến bất cứ phần mềm trung gian nào khác. WSL đã ra mắt được hơn 4 năm, tại Microsoft Build 2016 và theo thống kê của Microsoft, công cụ này hiện sở hữu hơn 3,5 triệu thiết bị hoạt động tích cực theo tháng.

WSL hiện đã có phiên bản 2 (WSL 2), nhưng về cơ bản vẫn có cách tiếp vấn đề không thay đổi, cho phép người dùng chạy Linux trên Windows 10 cũng như hỗ trợ kết nối liền mạch, trực tiếp các ứng dụng Windows 10 với các ứng dụng WSL2 thông qua localhost. Nhưng đặc biệt phải kể tới là một loạt các tinh chỉnh nâng cao, bao gồm khả năng hỗ trợ đầy đủ cho các nhân (kernel) Linux trong những bản phân phối đã được cài đặt trên hệ thống.

Mới đây, công ty Redmond đã tiếp tục công bố tính năng một tính năng vốn đã được cộng đồng người dùng mong đợi từ lâu: GPU compute, có thể được sử dụng trong các tác vụ Machine Learning (học máy), trên WSL 2.

GPU compute
GPU compute

Bản preview của GPU compute hiện đã có sẵn trong WSL 2 cho Windows Insiders (Build 20150 trở lên). Bản preview này sẽ hỗ trợ các quy trình làm việc thiên về trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML). Cụ thể, nó cho phép các chuyên gia và sinh viên nghiên cứu AI có thể đào tạo các mô hình ML của họ trên toàn bộ GPU trong hệ sinh thái Windows.

NVIDIA CUDA

Khả năng nỗ trợ NVIDIA CUDA đã có mặt trên Windows trong nhiều năm. Tuy nhiên, có nhiều ứng dụng tính toán CUDA chỉ chạy trong môi trường Linux gốc. Để khắc phục vấn đề này, Microsoft đã hợp tác với NVIDIA để bổ sung khả hỗ trợ cho CUDA ngay trong WSL 2. Như vậy, WSL 2 hiện đã bao gồm khả năng hỗ trợ cho các công cụ ML, thư viện và framework phổ biến hiện có, bao gồm PyTorch và TensorFlow, cũng như tất cả Docker và NVIDIA Container Toolkit có sẵn trong môi trường Linux gốc, cho phép các khối lượng công việc liên quan đến GPU vốn được thiết kế để chạy trên Linux nay cũng có thể chạy bình thường trong WSL 2.

DirectML

Trong vài năm qua, nhu cầu về các khóa học AI và ML ngày càng tăng, với các nền tảng học tập trực tuyến đóng vai trò chính trong việc giáo dục lực lượng lao động cũng như sinh viên trong ngành khoa học máy tính. Trước thực tế đó, Microsoft cũng sẽ sớm phát hành gói preview TensorFlow với DirectML backend. Sinh viên và những người mới bắt đầu có thể sử dụng các mô hình hướng dẫn hoặc ví dụ minh họa của TensorFlow để bắt đầu xây dựng nền tảng cho tương lai của họ.

Ngoài ra, Microsoft cũng có kế hoạch mở nguồn cơ sở mã TensorFlow hoạt động với DirectML trong những tháng tới. AMD, Intel và NVIDIA cũng đang phát hành các driver cho phép gói DirectML TensorFlow này chạy trên Windows và bên trong WSL.

Chủ Nhật, 21/06/2020 16:38
51 👨 1.503
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ