Liên Hợp Quốc sẽ sử dụng AI để thúc đẩy hòa bình tại các khu vực xung đột

Liên Hợp Quốc đang đẩy mạnh triển khai thử nghiệm một sáng kiến mới mẻ và vô cùng triển vọng. Nếu thành công, sáng kiến này hoàn toàn có thể giúp thúc đẩy đáng kể tiến trình hòa bình tại hàng trăm điểm nóng xung đột lớn nhỏ đang khiến hàng triệu người rơi vào cảnh lầm than trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của Financial Times, Liên Hợp Quốc sẽ sử dụng một công cụ đàm thoại dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thu thập và phân tích ý kiến của những người sống trong khu vực giao tranh hay bị ảnh hưởng trực tiếp từ các cuộc xung đột nhằm tìm hiểu xem họ thực sự muốn gì, cần gì, từ đó đúc kết những yếu tố có thể xoa dịu căng thẳng, thúc đẩy hòa bình tại đó. Công cụ AI này hoàn toàn có thể truy cập được dễ dàng thông qua điện thoại thông minh và dự kiến sẽ được ra mắt trong năm tới.

Công nghệ này được phát triển dựa trên ý tưởng của Liên Hợp Quốc cùng với sự trợ giúp về kỹ thuật từ công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI có tên Remesh. Nó sẽ hoạt động như một ứng dụng thu thập ý kiến dưới dạng các “phòng chat”, có thể quản lý các cuộc trò chuyện trực tuyến với tối đa 1.000 người tham gia. Suy nghĩ của người tham gia sẽ được phân tích theo thời gian thực thông qua các cuộc thăm dò cũng như câu hỏi mở nhằm cung cấp dữ liệu phân tích ở quy mô lớn.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Liên Hợp Quốc tin rằng công cụ này có thể cải thiện sự tham gia của công chúng vào các cuộc đàm phán hòa bình trên toàn thế giới. Hệ thống của UN sẽ tạo ra những cuộc đối thoại thời gian thực giữa những người sống trong các khu vực xung đột, nói về những gì họ muốn từ một thỏa thuận hòa bình. Những người tham gia sẽ được mời trả lời các câu hỏi và thăm dò ngay trên điện thoại thông minh của họ, đảm bảo không tiết lộ danh tính. Sẽ có một hệ thống bảo mật tích hợp đưa ra cảnh báo nếu có sự thao túng kết quả từ hacker.

Thông tin thu được sau đó sẽ được cung cấp cho các hòa giải viên của Liên Hợp Quốc. Để giúp những người không thể truy cập internet vẫn có thể tự do bày tỏ quan điểm của họ đối với các cuộc đàm phán hòa bình, Liên Hợp Quốc cũng đang phát triển một nền tảng tương tự hoạt động dưới dạng SMS.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có tới 2/3 sáng kiến ​​xây dựng hòa bình không dẫn đến một nghị quyết lâu dài. Sự tham gia trực tuyến có thể cải thiện triển vọng của các sáng kiến hòa bình, xây dựng dựa trên quan điểm của chính những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xung đột - yếu tố vốn thường không được thể hiện rõ ràng.

Thứ Sáu, 28/02/2020 21:03
31 👨 122
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Trí tuệ nhân tạo (AI)