Dòng TV LCD này của Sony được trang bị những công nghệ cập nhật nhất, như tấm nền 200Hz và bộ xử lý Bravia Engine 3.
Sony Bravia Z5500 sử dụng tấm nền chỉ 30 mm. Ảnh: Zedomax.
Z5500 có lẽ là phiên bản ít màu mè nhất trong các dòng HDTV của Sony từ trước tới nay với thiết kế xám đen nhẹ nhàng và một tấm nền khá mỏng, chỉ 30 mm. Logo của Sony được chiếu sáng nền tạo điểm nhấn bắt mắt, tuy nhiên, những ai không thích có thể tắt đi trong phần mềm cài đặt.
Các cổng âm thanh hình ảnh viền cạnh được bố trí hợp lý, dễ tiếp cận. Tuy nhiên, việc bố trí cổng Ethernet ở viền cạnh đôi khi không mấy dễ chịu mắt nhìn vì cáp mạng nối vào màn hình sẽ bị thòi ra ngoài trông không đẹp.
Màn Bravia này sử dụng giao diện menu XrossMediaBar (XMB) điều khiển toàn bộ các tùy chỉnh nghe nhìn thông thường thông qua dạng biểu tượng đổ xuống, và các thông tin thêm được hiển thị trên cửa sổ bên tay phải. Có 11 chế độ tùy chỉnh hình ảnh tùy biến cho đủ các chương trình khác nhau cũng như các lựa chọn tùy chỉnh mặc định cho các ngõ vào riêng biệt như chỉnh ánh sáng nền, công nghệ giảm nhiễu kép hay chỉnh cân bằng trắng.
Các cổng kết nối. Ảnh: Cnet.
Z5500 là một trong số ít các màn LCD có tốc độ quét hình khá cao, tới 200Hz thông qua tính năng MotionFlow của hãng vốn dựa trên công nghệ MEMC (Motion Estimation-Motion Compensation). Để cải thiện chất lượng hình ảnh, màn hình được trang bị bộ xử lý video tiên tiến nhất Bravia 3 và tấm nền 1080p có khả năng tạo độ tương phản động 100.000:1.
Một điều thú vị là khả năng hỗ trợ các file đa phương tiện của màn hình khá đa dạng. Bên cạnh việc hỗ trợ các file ảnh JPG hay nhạc MP3 qua cổng USB hay cổng mạng, màn hình này còn có thể chơi rất nhiều định dạng khác như MPEG-2 hay các phim AVCHD, thậm chí các file phim DivX hay file ảnh chuyên nghiệp RAW cũng có thể hiển thị ở đây.
Tương tự các phiên bản Bravia cao cấp khác, Z5500 cũng tích hợp bộ giải mã IDTV hỗ trợ bắt sóng truyền hình HD và âm thanh Dolby Digital surround. Màn có 4 cổng HDMI 1.3 24p, hai cổng video component và một cổng PC. Bên cạnh đó là các cổng thông dụng quen thuộc khác như cổng audio quang, A/V Composit, và S-video.
Giao diện menu. Ảnh: Cnet.
Đối với các nội dung hình ảnh độ phân giải chuẩn, phiên bản Z5500 hiển thị hình ảnh khá rõ ràng dù nguồn phát không thật sắc nét. Nói chung hình ảnh khá ổn định, chuyển động mượt mà và không bị hạt. Chuyển sang kênh phát số DVB-T cho chất lượng sắc nét và chi tiết hơn. Các nội dung trên đĩa DVD dù xử lý bóng và răng cưa tốt nhưng công nghệ giảm nhiễu vẫn chỉ đạt ở mức độ trung bình.
Chuyển sang các nội dung phát với độ phân giải cao như Blu-ray, chất lượng hình ảnh lên hẳn một bậc với độ nét tối đa, hình ảnh rất mượt mà, sắc màu cũng như tông da trở nên tự nhiên hơn hẳn. Thêm vào đó, độ sâu màu đen cũng được cải thiện và công nghệ quét hình 200Hz cũng đã làm rất tốt công việc khử rung giật của mình.
Nội dung game hay hình ảnh đồ họa hiển thị qua cổng HDMI hay Component đều cho độ sắc nét và trong sáng tối đa, mức nhòe hình hầu như không đáng kể. Chế độ hiển thị chữ qua cổng nối PC tạo độ phân giải 1080p khá chuẩn, không bị xuất hiện dải màu. Chất lượng hình ảnh JPG trên màn hình xuất sắc dù tốc độ tải vẫn còn chậm. Các file video MPEG-2 hay AVCHD không gặp vấn đề gì, tuy nhiên, một điều hơi lạ là các file định dạng MPEG-1 khi chơi lại chỉ hiển thị kích cỡ nhỏ.
Dòng máy này tại VN được chào bán với giá 46 triệu đồng cho bản 46 inch. Ảnh: Cnet.
Màn hình Z5500 trình diễn âm trầm khá tốt, không bị thiếu vắng như các màn hình khác. Âm thoại và âm cao rõ ràng với âm vực rộng, vì thế trình diễn stereo các file nhạc MP3 jazz hoặc pop có chất lượng khá hay, âm thanh không bị vỡ kể cả khi vặn âm lượng lên quá 60%.
Theo trang công nghệ Cnet, với mức giá khoảng 3.500 USD (thị trường Singapore) cho bản 46 inch, Z5500 là một lựa chọn xứng đáng, xét cả về mặt chất lượng âm thanh và hình ảnh, cạnh tranh hơn so với đối thủ Samsung LA46B750U1M, dù rằng phiên bản của Samsung có thêm nội dung Web.
Ở Việt Nam, hiện phiên bản này đang được chào bán ở mức giá 46 triệu đồng (khoảng 2.500 USD).