Sự phát triển mạnh mẽ của thế hệ điện thoại thông minh (smartphone) đang là thách thức với các nhà mạng viễn thông trong việc đáp ứng chất lượng dịch vụ di động.
Tại Đại hội Thế giới Di động, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn khẳng định tất cả họ đang phải đối mặt với thách thức đáp ứng nhu cầu khổng lồ về các dịch vụ dữ liệu di động. New York Times cho biết khoảng 50.000 người tham dự hội nghị WMC 2011 đều cảm nhận trực tiếp về mối thách thức đang ngày càng trở nên ám ảnh này. Chất lượng dịch vụ di động thỉnh thoảng vẫn có vấn đề, mặc dù sóng di động “đầy vạch” trên máy, song âm lượng cuộc gọi đang có xu hướng giảm dần, một số người phải cố gắng lắm để nghe được cuộc đối thoại. Đôi khi, các cuộc gọi không được kết nối.
Trong khi smartphone tiếp tục “phổ cập” mạnh mẽ, thách thức đó càng trở nên nặng nề hơn trên toàn cầu. Các nhà sản xuất thiết bị mạng châu Âu như Ericsson và Alcatel-Lucent dự đoán lưu lượng dữ liệu trên các mạng di động toàn cầu sẽ tăng 30 lần vào năm 2015. Huawei, một công ty Trung Quốc, còn dự đoán lưu lượng sẽ tăng 500 lần vào năm 2020.
Số thuê bao băng rộng di động, ở mức 600 triệu vào cuối năm 2010, được đoán sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, lên 1 tỷ và sẽ tăng lên 5 tỷ vào năm 2016. Như vậy, Hans Vestberg, Tổng giám đốc Ericsson, cho rằng năng lực của các mạng di động phải tăng 20-25 lần mới xử lý nổi khối lượng nhu cầu lưu lượng khổng lồ đó.
“Trong tương lai, chúng ta sẽ thực sự sống trong một xã hội kết nối”, ông Vestberg nói. “Lối sống này sẽ có ảnh hưởng to lớn lên chúng ta và cuộc sống của chúng ta”.
Tại Barcelona, Ericsson đã công bố hợp tác với Akamai - một hãng ở Cambridge, Massachusetts chuyên cung cấp giải pháp giúp cải thiện lưu lượng web cho các doanh nghiệp lớn nhất của thế giới - để tích hợp phần mềm của Akamai vào thiết bị mạng của Ericsson.
David Kenny, chủ tịch hãng Akamai, cho biết một khi được cài đặt trong mạng điện thoại, người dùng di động sẽ có một trải nghiệm web di động nhanh hơn. Tuy nhiên, ông nói thêm phải mất 3-4 năm nữa mới đến viễn cảnh đó.
Huawei, hãng sản xuất thiết bị lớn thứ hai, sau Ericsson, cũng đã giới thiệu một loại trạm BTS mới, truyền tải toàn bộ 5 loại băng tần đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Trước đây, các nhà mang phải dùng 5 loại BTS để truyền tải 5 loại băng tần này.
Năm 2009, Huawei là hãng đầu tiên bán thiết bị BTS có thể truyền cuộc gọi của 3 chuẩn ĐTDĐ phổ biến là GSM, 3G và LTE. Chính công nghệ trạm SingleRAN (viết tắt của Single Radio Access Network) đã giúp công ty tăng trưởng nhanh chóng.
Năm nay, Alcatel-Lucent còn “chơi trội” hơn khi giới thiệu loại trạm BTS có kích thước bằng khối rubik, nặng chỉ 300 gram, có năng lực của một trạm BTS. Sử dụng 8 khối rubic đó đặt cạnh nhau có thể truyền tín hiệu đi hơn 2 dặm, khoảng 3,2 km.
Jean-Pierre Lartigue, phó giám đốc chiến lược và marketing của Alcatel-Lucent, cho biết trạm BTS nhỏ này chỉ tiêu tốn một nửa lượng điện so với trạm thông thường. Trạm BTS “tí hon” của Alcatel-Lucent chứ đến 200 sáng tạo bản quyền.
Tại WMC 2011, ba nhà mạng lớn là Verizon Wireless (Mỹ), Orange (chi nhánh di động của France Telecom) và China Mobile đã ký kết thỏa thuận với Alcatel-Lucent để thử nghiệm công nghệ trạm BTS tí hon.
Ben Verwaayen, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Alcatel-Lucent, cho rằng sự sáng tạo phải đi trước nhu cầu. Bất kỳ trục trặc gì về vấn đề tiếp sóng không được có nguyên nhân vì sự thiếu kém của công nghệ.
Matt Henkes, tổng biên tập của AppsTech, một website của Anh, cho biết ông và các đồng nghiệp đã gặp tình trạng âm lượng cuộc gọi kém khi dùng iPhone. “Tôi nghĩ đó là vì có nhiều người dùng smartphone quá”, ông Henkes nói. “Điều đó cho thấy thách thức mà toàn ngành di động đang phải đối mặt”.