Cuộc chạy đua phát triển siêu máy tính nhanh nhất đã nóng lên từ nhiều năm qua với những thành tựu ấn tượng mà các cường quốc công nghệ liên tục gặt hái được.
Mới đây, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) đã chính thức triển khai một sứ mệnh phát triển siêu máy tính nhanh nhất thế giới có tên gọi “Discovery”, được cho là có thể mạnh hơn từ 3 đến 5 lần so với “con quái vật” Frontier hiện tại. Quá trình sản xuất siêu máy tính mới dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2027 hoặc đầu năm 2028.
Hiện tại, siêu máy tính nhanh nhất thế giới Frontier đang được đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (bang Tennessee), có thể tạo ra hiệu suất lý thuyết là 1,3ExaFLOPS. Frontier sở hữu tới 8.699.904 lõi và hiện đang giữ vị trí số 1 trong top 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới kể từ tháng 5 năm 2022.
Tuy nhiên, những con số ấn tượng đó chắc chắn sẽ lu mờ khi Discovery ra mắt. Dự án siêu máy tính mới này được cho là có thể đạt tới hiệu suất lý thuyết 6,5ExaFLOPS, thiết lập một tầm cao mới về sức mạnh khủng khiếp mà một hệ thống máy tính có thể chạm tới.
Theo kế hoạch, Discovery khi đi vào vận hành sẽ đảm nhận nhiệm vụ xử lý các tác vụ nâng cao, bao gồm AI và máy học, biến đổi khí hậu, hạt nhân và các giải pháp năng lượng xanh… trong khi vẫn đảm bảo cho hiệu suất năng lượng tốt hơn đáng kể so với những hệ thống tiền nhiệm.
Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học máy tính và máy tính ORNL, Georgia Tourassi, đơn vị chịu trách nhiệm phát triển Discovery, cho biết: “Discovery sẽ cho phép cộng đồng khoa học mô phỏng thế giới thực với các cấp độ chi tiết mới. Nói cách khác, siêu máy tính sẽ giúp chúng ta nghiên cứu các vấn đề đầy thách thức mà không thể dễ dàng khám phá chỉ bằng thử nghiệm, quan sát hoặc lý thuyết”.
Tin tức về dự án Discovery được đưa ra thời điểm có tin đồn rằng Trung Quốc đang phát triển một siêu máy tính cũng rất mạnh, đã vượt qua Frontier 3-4 lần về hiệu năng. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết liên quan được tiết lộ.