Theo báo cáo của Bloomberg, Samsung đã công bố kế hoạch đầu tư 10 năm có giá trị kỷ lục, lên đến 116 tỷ USD với tham vọng chiếm giữ vị trí dẫn đầu trong danh sách các nhà sản xuất chất bán dẫn di động lớn nhất thế giới vào năm 2030. Chaebol Hàn Quốc này trên thực tế đã là cái tên “nhẵn mặt” trong bảng xếp hạng các hãng sản xuất chip nhớ di động lớn nhất thế giới nhiều năm qua. Bloomberg cũng lưu ý rằng bộ phận bán dẫn chiếm đến 3/4 tổng thu nhập hoạt động trong năm 2018 của nhà sản xuất xứ Kim Chi. Ngoài ra, thị trường chip bán dẫn di động được cho là sẽ còn mở rộng hơn nữa trong vài năm tới, do vậy quyết định tập trung đầu tư mạnh cho lĩnh vực này có thể coi là hướng đi thông minh của Samsung.
Doanh số ấn tượng của bộ phận sản xuất chip bán dẫn Samsung có sự đóng góp rất lớn không chỉ từ tình hình kinh doanh khởi sắc của các mẫu smartphone chiến lược như Galaxy S10 hay thậm chí là Galaxy Fold, mà còn bắt nguồn từ việc các đối tác đang ngày càng có nhu cầu cao hơn đối với linh kiện của Samsung, đơn cử như việc ngay cả đối thủ “truyền kiếp” Apple cũng có rất ít sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng màn hình và bộ nhớ từ nhà sản xuất Hàn Quốc.
Trở lại với cuộc chiến khốc liệt trong thị trường chip bán dẫn di động, mục tiêu chính của Samsung không gì khác ngoài việc đánh bại Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC - một “ông kẹ” thực sự trong thị trường này. Thế mạnh của TSMC nằm ở việc họ đang là cái tên chịu trách nhiệm thiết kế cũng như sản xuất chip bán dẫn cho rất nhiều OEM lớn hiện nay, trong đó không thể không nhắc đến Apple - nhà sản xuất smartphone có doanh thu đứng đầu thế giới. Bên cạnh TSMC, vẫn còn một vài cái tên khác có thể làm “nản lòng” Samsung, trong đó nổi bật là Qualcomm. Tuy nhiên, Samsung và Qualcomm vừa là đối thủ, cùng đồng thời lại vừa là đối tác trong một số dòng sản phẩm, khi bộ vi xử lý Snapdragon của Qualcomm hiện đang có mặt trên phần lớn các thiết bị hàng đầu của thế giới Android, bao gồm cả các mẫu Samsung Galaxy S10 ở thị trường Hoa Kỳ, ngược lại, con chip Exynos của Samsung lại chỉ được sử dụng khá hạn chế, chủ yếu trên những chiếc smartphone của chính họ hoặc trong sản phẩm tới từ một số nhà sản xuất Trung Quốc như Meizu.
Không dừng lại ở đó, 2 tên tuổi lớn khác trong thế giới smartphone là Huawei và Apple cũng đang ấp ủ các dự án phát triển bộ xử lý “cây nhà lá vườn” của riêng mình để tránh sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất bên thứ ba, với Huawei là con chip Kirin trong khi Apple là Bionic trứ danh. Nhìn sang Samsung, dòng vi xử lý di động Exynos của hãng trên thực tế cũng đã xuất hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên, họ đã phải vật lộn để theo kịp tốc độ cải tiến mạnh mẽ hơn tới từ Huawei và Apple. Do vậy, khoản đầu từ trị giá 116 tỷ đô la trong 10 năm kia thực sự là một “liều thuốc bổ” cho dòng sản phẩm Exynos nói riêng và mảng sản xuất CPU di động của Samsung nói chung.
Với các kế hoạch mới trong việc chi tiêu nhiều hơn cho nhiệm vụ tăng cường quy mô của bộ phận chip xử lý di động, Samsung dự kiến sẽ cần thêm hơn 15.000 việc làm mới liên quan đến các vị trí như nghiên cứu và sản xuất. Theo báo cáo từ Bloomberg, TSMC cũng chẳng tỏ ra lép vế khi nhà sản xuất Đài Loan này đã quyết định duyệt chi khoản ngân sách lên tới hơn 10 tỷ đô la trong năm 2019 này cho việc mở rộng dây chuyền sản xuất. Với sự cạnh tranh của 2 kẻ đều “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như vậy, có thể nói cuộc chiến trong thị trường chip bán dẫn đang trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.
Về lâu dài, Samsung có thể mong đợi thu về lợi nhuận lớn từ sự ổn định trong hoạt động sản xuất chất bán dẫn, bao gồm cả bộ nhớ và bộ xử lý, hơn là từ các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại, máy tính bảng, hay đồng hồ thông minh Gear. Sở dĩ có nhận định này là bởi các sản phẩm tiêu dùng sẽ phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ thay đổi về thị hiếu người dùng hay những biến động khó đoán của thị trường. Trong khi đó, việc chiếm giữ ngôi vương trong thị trường sản xuất chất bán dẫn sẽ giúp Samsung “kê cao gối” mà thu lợi nhuận bất kể các thiết bị tiêu dùng đó tới từ nhà sản xuất nào.