Tình hình thế giới đang thực sự tồi tệ. Tốc độ phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch không đạt kỳ vọng của các chuyên gia. Thậm chí, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi thách thức về cung và cầu tiếp tục tồn tại vào do đó, giá cả đang leo thang trên diện rộng.
Ở một số nền kinh tế hàng đầu thế giới, lạm phát đang ở mức cao nhất. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tăng lãi xuất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế. Các động thái này dường như không có tác dụng, các đợt tăng lãi xuất liên tiếp đóng góp rất ít vào việc kiểm soát lạm phát. Nhiều dự đoán về một cuộc suy thoái toàn diện trên thế giới đã được đưa ra.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Samsung gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán smartphone. Họ đã phải giảm mục tiêu dự kiến trong năm nay nhưng nhiều khả năng cũng không thể đạt được. Một báo cáo từ Hàn Quốc nhấn mạnh rằng hiện đang có 50 triệu smartphone Samsung bị mắc kẹt trong kho của các nhà phân phối. Thông thường, số smartphone bị ế chỉ chiếm 10% tổng số smartphone mà hãng dự kiến xuất xưởng trong năm. Tuy nhiên năm nay con số này đã đạt 18%.
Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn smartphone bị ế thuộc dòng sản phẩm tầm trung của Samsung. Đặc biệt, các thiết bị thuộc dòng Galaxy A, vốn có giá rẻ, chiếm số lượng nhiều nhất trong kho hàng ế. Bạn nghĩ rằng smartphone cao cấp của Samsung bị ế ư, sự thật không phải là vậy.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng Samsung mà còn là dấu hiệu xấu cho cả ngành smartphone. Các thiết bị tầm trung và giá rẻ có khối lượng lớn nhất thị trường. Năm ngoái, smartphone bán chạy nhất trên toàn cầu của Samsung không phải là một mẫu màn hình gập hay dòng flagship Galaxy S mà là một chiếc Galaxy A12 giá rẻ. Samsung đã bán ra tới 52 triệu chiếc Galaxy A12 trong năm ngoái.
Mặc dù tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng bù lại smartphone giá rẻ có doanh số hàng chục triệu chiếc trên toàn cầu. Đây cũng là những thiết bị giúp người dùng có thu nhập thấp và ở các thị trường khó khăn trên toàn cầu có thể sở hữu smartphone.
Trong thời đại ngày nay, smartphone đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cộng đồng. Chúng có thể được sử dụng để cung cấp các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe từ xa, thông báo cho người dân các quyền lợi, cho phép người dân khởi nghiệp...
Tuy nhiên, khi mọi người đang cảm thấy việc kiếm sống trở nên khó khăn hơn, việc mua một chiếc smartphone sẽ không bao giờ được ưu tiên bằng việc mua thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày.
Việc một lượng lớn smartphone giá rẻ và tầm trung bị ế cho thấy sự bất bình đẳng có hệ thống. Những người ở tầng lớp dưới cùng của bậc thang kinh tế luôn gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế chuyển biến xấu. Những người thuộc nhóm cao hơn sẽ dễ dàng vượt qua cơn bão. Điều này cho thấy lý do tại sao doanh số smartphone cao cấp không bị tác động gì nhiều.
Samsung là hãng bán ra nhiều smartphone nhất trên toàn đầu. Do vậy, khi họ gặp khó khăn thì đồng nghĩa với việc các hãng Android khác cũng gặp khó khăn. Ban đầu, Samsung đặt mục tiêu bán ra 300 triệu chiếc smartphone trên toàn cầu trong năm nay nhưng hiện tại mục tiêu này đã được giảm xuống chỉ còn 270 triệu, Dẫu vậy, không có gì đảm bảo rằng Samsung sẽ đạt được mục tiêu của mình.
Nếu coi lượng hàng tồn kho của Samsung là thước đo cho tương lai của thị trường smartphone thì có thế thấy mọi thứ đang rất ảm đạm.