Android đã có từ rất lâu và là một trong những nền tảng hệ điều hành phổ biến nhất thế giới với số lượng người dùng thường xuyên lên đến hàng trăm triệu người. Do đó, không lạ khi có khá nhiều câu chuyện truyền miệng liên quan đến Android đã được “cắt xén” và lưu truyền trong những năm qua.
Đó là những câu chuyện hoặc niềm tin đã có từ rất lâu, được nhắc đi nhắc lại cho đến khi mọi người mặc định coi là chính xác, là sự thật. Nhiều khái niệm truyền miệng xuất hiện đã theo sau giai đoạn sự bùng nổ thị phần của Android, nhưng sự thật ra sao? Dưới đây là 4 khái niệm như vậy.
Điện thoại Android đi liền với mức giá rẻ
Một trong những lầm tưởng phổ biến nhất về Android là những thiết bị chạy hệ điều này mặc định có giá rẻ. Trong nhiều năm, đây được cho là một khái niệm dùng để châm biếm hoặc thậm chí xúc phạm đối với người dùng Android, đặc biệt là từ những người sử dụng iPhone. Câu chuyên ở đây không chỉ là về giá cả, mà còn là chất lượng của các thiết bị Android nói chung.
Sự thật là trên thị trường có nhiều mẫu điện thoại Android thực sự rẻ, nhưng không ít trong số đó có giá rất “mặn”, thậm chí đắt hơn iPhone cũng không phải hiếm. Vấn đề ở chỗ Android là một hệ sinh thái khổng lồ, bao gồm các thiết bị từ nhiều công ty khác nhau, ở các phân khúc thị trường khác nhau, “thượng vàng hạ cám” đủ cả. Điều đó có nghĩa là bạn luôn có thể tìm thấy một thiết bị Android ở mọi mức giá và chất lượng mà mình cần.
Do vậy, bạn không thể đưa ra một tuyên bố chung chung như kiểu “Điện thoại Android rất rẻ”, hay “Điện thoại Android toàn đồ rẻ tiền”, tệ hơn là “Nghèo mới dùng Android”. Nếu bạn so sánh một chiếc iPhone và một thiết bị Android có các tính năng và ở phân khúc tương đương, giá bán niêm yết trên thực tế không quá khác biệt. Tóm lại, có nhiều mẫu điện thoại Android giá rẻ; một số lại rất cao cấp và đắt tiền. Có nhiều lựa chọn cho bạn.
Android có đầy virus
Một lầm tưởng siêu phổ biến khác là các thiết bị Android thường chứa đựng đầy virus và phần mềm độc hại. Trên thực tế, Android rất giống với Windows trong tình huống này.
Đúng là có nhiều chủng virus và phần mềm độc hại được thiết kế để nhắm mục tiêu vào Windows hơn so với macOS, tương tự là trường hợp của Android và iOS. Nhưng nguyên nhân ở đây chỉ đơn giản là do Windows hay Android sở hữu lượng người dùng lớn hơn, mang đến cho hacker nhiều cơ hội thực hiện hành vi độc hại hơn.
Tuy nhiên, cũng giống như với Windows, virus hay mã độc thực sự không phải là một mối quan tâm lớn nếu bạn sử dụng thiết bị Android một cách thông minh và “có trách nhiệm”. Chẳng hạn, chỉ nên cài đặt ứng dụng từ Google Play Store, và chú ý đến các cảnh báo của trình duyệt khi bạn truy cập một trang web không an toàn. Thậm chí, bạn không cần phải sử dụng phần mềm chống virus trên Android.
Phải đóng ứng dụng khi không dùng tới
Trở về “thuở ban đầu”, khi Android là một hệ điều hành mới chớm nở, có một loại ứng dụng cực kỳ phổ biến: Task killer (trình đóng tác vụ). Các công cụ này sẽ giúp bạn đóng tất cả các ứng dụng đang chạy trong nền. Mọi người nghĩ rằng điều đó sẽ giúp cải thiện hiệu suất và thời lượng pin. Niềm tin này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Sự thật là Android được thiết kế đặc biệt để xử lý các ứng dụng trong nền. Android tự động quản lý các tác vụ nền và đóng mọi thứ khi cần thêm tài nguyên. Đơn giản là bạn không cần phải tự mình quản lý việc này.
Trên thực tế, việc đóng ứng dụng liên tục còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến điện thoại của bạn. Thay vì ứng dụng ở chế độ nền, nó phải khởi động lại hoàn toàn. Điều đó đòi hỏi nhiều tài nguyên hệ thống hơn là tiếp tục lại từ trạng thái bị tạm dừng.
Android phức tạp hơn iOS
Hầu hết mọi người đều có cảm nhận chung rằng iPhone dễ sử dụng và thiết bị Android dành cho những người am hiểu công nghệ hơn. Hệ điều hành của Google được coi là phức tạp hơn. Nhưng khái niệm này hình như không còn đúng nữa.
Đúng là iOS khởi nguồn từ một hệ điều hành rất đơn giản, nhưng những ngày đó đã qua lâu rồi. Theo thời gian, Apple đã bổ sung trên iOS vô số tính năng mà trước đây chỉ có ở Android. Điều đó đã khiến iOS trở nên phức tạp hơn nhiều.
Tất nhiên, cũng không công bằng nếu so sánh toàn bộ thế giới Android với một thiết bị duy nhất là iPhone. Điện thoại Samsung Galaxy có thể phức tạp hơn iPhone, nhưng chưa chắc điều đó đã đúng với một thiết bị chạy Android gốc như Google Pixel. Ngày nay, tất cả các điện thoại thông minh đều có thể làm được rất nhiều điều, và chúng đều phức tạp như nhau.
Trên đây là 4 quan điểm truyền miệng phổ biến về Android và sự thật. Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!