Pin mặt trời hai mặt (Bifacial) là gì? Ưu điểm ra sao?

Hầu hết các tấm pin mặt trời mà bạn có thể đã thấy trên mái nhà dân sinh hay những cánh đồng năng lượng mặt trời đều được lắp đặt rất khít với mật độ cao trên một bề mặt nói chung. Đó là pin mặt trời một mặt. Ánh sáng mặt trời chiếu vào mặt trên của tấm pin và tạo ra điện.

Nhưng nếu bạn có đủ không gian để dựng những tấm pin đó ra một chút, để có thể hứng được ánh sáng mặt trời đến từ các hướng khác nhau trong ngày, bạn hoàn toàn có thể thu được mức năng lượng gấp đôi, đó chính là lúc tấm pin mặt trời "hai mặt" hoặc "song phương" này phát huy tác dụng.

Điểm khác biệt của pin mặt trời hai mặt là gì?

Tấm pin mặt trời "monofacial" - “một mặt” thông thường có mặt sau mờ đục, được thiết kế để hấp thụ và chuyển đổi ánh sáng mặt trời từ một hướng. Ngược lại, tấm pin "bifacial" - “hai mặt” có thể hấp thụ ánh sáng mặt trời từ cả hai phía.

Với tấm pin năng lượng mặt trời hai mặt, phần mặt sau sẽ là trong suốt thay vì mờ đục. Điều này cho phép các photon từ ánh sáng phản xạ và khuếch tán đập vào mặt sau của tấm pin và tạo ra điện năng.

Các tấm pin hai mặt có thể tạo ra điện từ mặt trời chiếu trực tiếp vào chúng và cả từ ánh sáng mặt trời phản chiếu ở phía đối diện hoặc bên dưới tấm nền. Ngoài ra, ánh sáng khuếch tán từ các đám mây, tòa nhà hoặc các vật thể khác cũng có thể chiếu vào phía sau và tạo ra điện năng.

Pin mặt trời hai mặt

Pin mặt trời hai mặt có thể tạo ra thêm bao nhiêu năng lượng?

Giống như tất cả các hệ thống năng lượng mặt trời, lượng điện chính xác mà bạn nhận được phụ thuộc vào vị trí và hình dạng của hệ thống so với mặt trời. Nhìn chung, trong điều kiện tương đồng, tấm pin hai mặt có thể tạo ra nhiều điện hơn tới 30% so với chỉ một mặt. Tất nhiên đó là điều kiện tối ưu. Thực tế có thể có đôi chút sự khác biệt.

Vì mặt hấp thụ thứ hai có thể thu lại ánh sáng phản chiếu từ mặt đất và các vật thể bên dưới tấm pin, nên chúng hoạt động tốt hơn khi lắp trên vật có độ phản xạ cao. Nghĩa là, bề mặt có độ phản xạ cao như kim loại hoặc tuyết. Hoặc nếu mái nhà của bạn có độ phản xạ cao, thì đó cũng là trường hợp tuyệt vời để sử dụng tấm pin hai mặt.

Ngoài ra, tấm pin hai mặt cũng có thể thu được nhiều ánh sáng hơn trong điều kiện ánh sáng yếu so với tấm pin một mặt. Do đó, đây là lựa chọn tối ưu hơn cho những nơi mà ánh sáng mặt trời có thể không đủ mạnh để sử dụng các tấm pin một mặt thông thường.

Hầu hết các tấm pin hai mặt đều sử dụng kết cấu kính đôi khiến chúng cứng và có khả năng chống xuống cấp tốt hơn.

Nhược điểm của tấm pin hai mặt

Nhược điểm chính của tấm pin hai mặt là chúng đắt hơn so với pin một mặt thông thường. Có một vài lý do cho điều này, nhưng chủ yếu là bởi tấm pin hai mặt có xu hướng sử dụng các tế bào quang điện đơn tinh thể đắt tiền hơn so với tấm pin thông thường. Thêm vào đó là phần cứng và vật liệu bổ sung, tất cả đều khiến chi phí tăng lên.

Để tận dụng ánh sáng phản chiếu, tấm pin hai mặt phải được lắp đặt trên các giá đỡ từ mặt đất hoặc bề mặt khác mà chúng được lắp phía trên. Vì vậy, phần cứng đó làm tăng độ phức tạp của quá trình lắp đặt và có thể không phù hợp với một trường hợp. Các tấm pin cũng cần được căn chỉnh góc cẩn thận để tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời trực tiếp, phản xạ và khuếch tán trong phần lớn thời gian trong ngày.

Pin mặt trời hai mặt

Khi nào nên sử dụng pin mặt trời hai mặt?

Công nghệ tấm pin mặt trời hai mặt có phải là lựa chọn phù hợp hay không phần lớn phụ thuộc vào thiết lập thực tế. Nếu bạn có rất nhiều diện tích bề mặt để lắp tấm pin mặt trời, thì chỉ cần che phủ khu vực đó bằng các tấm pin đơn mặt rẻ hơn. Ngược lại trong trường hợp bị hạn chế về không gian, bạn có thể cần khả năng sản xuất điện bổ sung của tấm pin hai mặt.

Nếu bạn định lắp đặt tấm pin mặt trời trên các giá đỡ kim loại trên mặt đất, thì việc sử dụng tấm pin hai mặt để thu được nhiều ánh sáng mặt trời nhất có thể là hợp lý, đặc biệt là trên các bề mặt có độ phản xạ cao.

Thứ Năm, 15/08/2024 10:00
31 👨 93
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ