Những kẻ lừa đảo trên mạng Internet biết rõ nhu cầu tình cảm, sở thích, mong muốn và cả những buồn phiền của nạn nhân. Và theo một nghiên cứu vừa được công bố, những phụ nữ trong độ tuổi 25-34 là đối tượng dễ bị lừa nhất.
Knowthenet.org.uk, một trang tư vấn trực tuyến, đã tìm hiểu hồ sơ của các nạn nhân online để xây dựng nên bức tranh về nạn nhân điển hình. knowthenet.org.uk được tổ chức phi lợi nhuận Nominet UK, đơn vị chịu trách nhiệm về các tên miền Internet .uk, hỗ trợ. Nghiên cứu này nhằm giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình khi những kẻ lừa đảo ngày càng sử dụng các kỹ thuật tinh vi hòng lừa gạt cả người dùng lẫn doanh nghiệp.
Mạng xã hội như Facebook là một mỏ vàng của những kẻ lừa đảo
Các chuyên gia bảo mật của trang web đã thực hiện cuộc thử nghiệm với hơn 2.000 người tiêu dùng trực tuyến, để xem khả năng phát hiện và phản ứng của họ với 7 kịch bản lừa gạt online phổ biến. Cuộc thử nghiệm được tiến hành từ các trang Facebook giả mạo đến các vụ lừa gạt hoặc bán hàng giả, hàng nhái online.
Trong số 7 kịch bản lừa gạt thì có tới 6 kịch bản cho kết quả phụ nữ bị mắc bẫy với tỷ lệ cao hơn. Hầu hết phụ nữ dễ bị mắc bẫy trên mạng đều trong độ tuổi 25-34. Tuy nhiên, với kịch bản lừa gạt kiểu “động lòng trắc ẩn” – thường là thuyết phục nạn nhân gửi tiền giúp đỡ ai đó đang trong cơn hoạn nạn – nam giới lại là đối tượng bị mắc lừa cao hơn với tỷ lệ 53%.
Theo nghiên cứu của Cơ quan phòng chống lừa đảo quốc gia, có 1,8 triệu người Anh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo online mỗi năm, khiến nền kinh tế thâm hụt mất 2,7 tỷ bảng.
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý nạn nhân, khi nạn nhân ở trong văn phòng hoặc ở nhà, lướt net và nhận được email của ngân hàng hoặc của một người bạn trên Facebook hỏi về thông tin cá nhân, họ không hề nghĩ rằng có điều gì rủi ro. Nhưng hãy lưu ý những kẻ lừa đảo rất tinh vi và đã nghiên cứu đối tượng rất kỹ, biết rõ nhu cầu tình cảm, sở thích, cá nhân, mong muốn và cả những điều buồn phiền của nạn nhân.
Peter Wood, chuyên gia bảo mật của knowthenet.org.uk, nói rằng bọn lừa đảo ngày càng tinh vi, chiêu chúng thường sử dụng là “bẻ hướng” website. Người dùng thường không để ý, khi họ đang truy cập vào một website chính thống và bị đẩy sang một website giả mạo khác, họ vẫn vô tư gõ các thông tin cá nhân lên và không hề biết đang bị lừa. “Hơn nữa, sự phổ biến của các trang mạng xã hội như Facebook cũng có nghĩa là rất nhiều người, cả già lẫn trẻ, tung ra quá nhiều thông tin cá nhân lên web”, Peter Wood nói. “Đó có thể là một mỏ vàng của những kẻ lừa đảo”.
Mới đây, công ty nghiên cứu thị trường Mỹ Harris Interactive cũng tiết lộ rằng 1/3 những kẻ chia sẻ file bất hợp pháp có ý đồ tấn công hoặc gửi nội dung khiêu dâm; và cứ 5 người sử dụng các trang chia sẻ file bất hợp pháp lại có hơn 2 người vô tình tải các loại virus có hại. Công bố này nhằm cảnh báo mọi người khi tải và truy cập các trang nhạc, phim và TV trên Internet.