Một lỗ hổng thực thi mã trong WinRAR đã bị hacker khai thác hơn 100 lần riêng biệt chỉ ngay trong tuần đầu tiên kể từ khi được tiết lộ, và theo dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Vậy thì điều gì khiến tin tặc quan tâm khai thác lỗ hổng này nhiều đến vậy? Theo các nhà nghiên cứu bảo mật, con số hơn 500 triệu người dùng và đồng thời việc lỗ hổng (CVE-2018-20250) đã có mặt trên tất cả các phiên bản được phát hành trong 19 năm qua của nền tảng nén dữ liệu này chính là 2 yếu tố hấp dẫn đối với những kẻ tấn công. Không chỉ vậy, phần thưởng toàn quyền kiểm soát hệ thống của nạn nhân cũng là “miếng bánh” béo bở mà không hacker nào không muốn có.
Nhà nghiên cứu bảo mật cao cấp của McAfee, Craig Schmugar đã báo cáo vào hôm thứ năm tuần trước rằng trong một cuộc tấn công gần đây, nhóm của ông đã quan sát thấy hành vi tin tặc dụ dỗ các nạn nhân sập bẫy bằng một bản sao đã được chỉnh sửa của album Ariana Grande "Thank U, Next".
Cụ thể, các file nhạc sẽ được gửi trong một tệp lưu trữ có tên "Ariana_Grande-thank_u, _next (2019) _ [320] .rar". Nếu người dùng sử dụng phiên bản WinRAR chứa lỗi để giải nén các tệp này, mã độc hại sẽ lây lan vào thư mục Windows Startup trên hệ thống của họ.
Nhóm nghiên cứu của Craig Schmugar cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 100 vụ việc liên quan đến CVE-2018-20250 được xác định, và hầu hết các trường hợp bị ghi nhận trở thành nạn nhân của lỗ hổng này đều có ID ở Hoa Kỳ.
"Kiểm soát truy cập người dùng (User Access Control - UAC) đã bị bỏ qua, do đó, hoàn toàn không có bất cứ cảnh báo nào được hiển thị cho người dùng. Lần tiếp theo khi hệ thống của họ khởi động, phần mềm độc hại cũng sẽ bắt đầu hoạt động", ông Craig Schmugar giải thích.
Trường hợp khai thác đầu tiên xuất hiện 2 ngày sau khi lỗi bảo mật này được công bố
Các nhà nghiên cứu bảo mật từ Trung tâm tình báo đe dọa 360 (360 Threat Intelligence Center) của Microsoft đã phát hiện ra các hành vi khai thác lỗ hổng WinRAR này trong tự nhiên vào ngày 20 tháng 2, tức là chỉ 2 ngày sau khi lỗ hổng được công bố công khai. Chúng được sử dụng trong các cuộc tấn công lừa đảo thông qua hình ảnh hoặc tài liệu lưu trữ.
Gần đây, các nhà nghiên cứu bảo mật Trung Quốc cũng đã phát hiện ra một chiến dịch sử dụng các tài liệu liên quan đến Nhân quyền Liên Hợp Quốc để lừa đảo cũng như dụ dỗ những nạn nhân ở khu vực Trung Đông. “Hạt nhân” chính được sử dụng trong cuộc tấn công này là một công cụ truy cập từ xa (RAT), hiện đã được phát hiện bởi ít nhất 28 phần mềm antivirus.
- Đã có 12.449 vụ vi phạm dữ liệu nghiêm trọng được ghi nhận trong năm 2018, tăng 424% so với năm 2017
CVE-2018-20250 được nhà nghiên cứu Nadav Grossman phát hiện từ Check Point bằng cách sử dụng WinAFL. Đây là một lỗi logic truyền tải đường dẫn của ACE trong thư viện 'unacev2.dll' được thêm vào WinRAR để trích xuất định dạng lưu trữ cũ, hiếm khi được sử dụng ở thời điểm hiện tại.
Mã thư viện này vẫn không thay đổi kể từ năm 2005. Trong khi đó, mã nguồn của nó đã bị mất, do đó, những người chịu trách nhiệm bảo trì WinRAR không còn có thể sửa chữa phần dễ bị tổn thương của nền tảng này nữa. Giải pháp khả thi nhất hiện nay là loại bỏ hỗ trợ cho kho lưu trữ của ACE trong bản beta đầu tiên của WinRAR 5.70.
Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể nhận được hỗ trợ của ACE trong WinRAR bằng cách áp dụng micropatch được tạo cụ thể để giải quyết vấn đề. Giải pháp này hiện có sẵn thông qua nền tảng 0Patch từ ACROS Security.
Nhìn chung, người dùng WinRAR nên sử dụng một trong hai giải pháp để có thể chống lại các phương pháp khai thác lỗ hổng CVE-2018-20250 này.