Vincent Ramos là một thiên tài công nghệ, hắn làm CEO của một công ty có trụ sở ở Vancouer, Canada. Với tài năng và khả năng nhìn xa trông rộng, Ramos đầy đủ điều kiện để có một sự nghiệp rực rỡ trong ngành công nghệ.
Tuy nhiên, hắn lại quyết định tiếp tay cho tội phạm, giúp chúng lẩn khuất trong bóng đêm, trốn tránh cơ quan thực thi pháp luật.
Phantom Secure
Trước khi thành lập Phantom Secure, Ramos làm việc tại Amway và sau đó là Rogers. Năm 2008, Ramos chính thức đăng ký kinh doanh cho công ty Phantom Secure Communications. Sản phẩm của công ty này là những chiếc điện thoại BlackBerry đã được sửa đổi.
Những chiếc điện thoại này sẽ bị loại bỏ tính năng định vị GPS, micro, camera. Thậm chí, chúng còn không thể gọi điện được mà chỉ có thể nhắn tin và gửi email đã được mã hóa cho những người dùng Phantom khác.
Bên cạnh bán điện thoại, Phantom Secure còn cung cấp dịch vụ mã hóa kèm theo. Ngoài ra, người dùng còn có thể yêu cầu Phantom Secure xóa tin nhắn, email từ xa cho họ. Người ta ví von điện thoại Phantom Secure giống như Luis Vuitton của thế giới điện thoại bởi người dùng phải bỏ hàng ngàn USD tiền mua máy cũng như duy trì dịch vụ mỗi năm.
Ramos khoe rằng các sản phẩm của Phantom Secure không thể bị giải mã, không thể bị nghe lén và cũng không bị cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp thông tin.
Công cụ tiếp tay cho tội phạm
Ramos rõ ràng biết rằng những chiếc điện thoại đặc biệt của mình có thể được sử dụng cho những hành dộng bất chính. Tuy nhiên, hắn tỏ ra không quan tâm. Ngay cả khi được đồng nghiệp nhắc nhở Ramos vẫn không thay đổi quan điểm.
Những ưu điểm của Phantom Secure khiến nó trở thành công cụ cực kỳ hữu ích với giới tội phạm. Nhiều tổ chức tội phạm khét tiếng đã sử dụng điện thoại Phantom để hỗ trợ việc buôn bán, phân phối cocaine, heroin... trên khắp thế giới.
Nổi tiếng nhất trong số những khách hàng của Ramos có lẽ là băng đảng ma túy Sinaloa của Mexico. Đây là tổ chức buôn ma túy và đánh bạc bất hợp pháp được lãnh đạo bởi Owen Hanson. Hiện Hanson đã bị bắt và đang thụ án 21 năm tù giam. Nổi tiếng không kém chính là băng đảng Hells Angels tại Úc, những kẻ đã dùng điện thoại Phantom để điều phối một vài vụ giết người.
Cái giá đắt cho một nhân tài
Tính tới thời điểm Ramos bị bắt, vào tháng 2/2018, có khoảng 20.000 chiếc điện thoại Phantom đang được sử dụng trên toàn cầu. Các nhà chức trách tin rằng Phantom Secure đạt doanh thu hàng chục triệu USD từ việc cung cấp các dịch vụ. Họ cũng nghi ngờ Phantom Secure rửa tiền bằng các công ty vỏ bọc và sử dụng cả Bitcoin.
Ramos nhận tội danh liên quan tới việc cung cấp các thiết bị Phantom và dịch vụ bảo mật. Tuy nhiên, hắn bác bỏ những cáo buộc liên quan tới việc phân phối ma túy. Dựa trên các bằng chứng thu được, tòa án đồng ý bác bỏ cáo buộc buôn bán ma túy của Ramos và kết án hắn 9 năm tù giam, giao nộp 80 triệu USD doanh thu từ các hành vi phạm pháp và bị tịch thu nhiều tài sản khác.
Vụ án của Ramos là lần đầu tiên Mỹ truy tố và kết tội một giám đốc của một công ty cố tình cung cấp cơ sở hạ tầng mã hóa cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia để phục vụ việc buôn bán ma túy. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy các tổ chức tội phạm ngày càng tinh vi hơn, ngày càng nhanh nhạy hơn trong việc ứng dụng công nghệ để tránh bị phát hiện và bắt giữ.