Trước thực tế hoạt động kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chú ý đến việc ứng dụng các công cụ phân tích thông tin kinh doanh nhằm hạn chế rủi ro để đưa ra quyết định tài chính hiệu quả hơn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2012 vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều Giám đốc tài chính (CFO) đến từ các doanh nghiệp trong nước cho rằng, họ đang phải đối mặt với thách thức trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả thông tin dữ liệu phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau.
“Nghiên cứu các giám đốc tài chính toàn cầu” do IBM đưa ra gần đây cũng chỉ rõ, có tới 55% doanh nghiệp được phỏng vấn không hài lòng với năng lực lập kế hoạch hoạt động và dự báo phân tích của họ. Nhiều giám đốc tài chính tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thấy mình không có khả năng truy cập theo thời gian thực đối với thông tin kinh doanh. Hậu quả là khó đưa ra “quyết sách” đúng đắn.
Tại Diễn đàn trên, nhiều chuyên gia nhận định: đặt trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công cụ phân tích kinh doanh cho bộ phận tài chính nhằm tạo ra kết quả kinh doanh hiệu quả đang là một vấn đề cấp bách.
"Để tồn tại và phát triển trong điều kiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp cần chủ động dự đoán nhằm quản lý những rủi ro tiềm ẩn, từ đó nâng cao chất lượng ra quyết định”, bà Phạm Thị Thu Diệp, Giám đốc thị trường phía Nam, nhóm Phần mềm IBM Việt Nam nhấn mạnh.
Nghiên cứu của IDC cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp ứng dụng giải pháp phân tích kinh doanh đang có xu hướng trở nên cạnh tranh hơn so với đối thủ. Ngoài ra, những nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp mạnh trên thị trường sử dụng công nghệ phân tích kinh doanh (thay vì trực giác) nhiều gấp hai lần những vị lãnh đạo ở nhóm doanh nghiệp ít cạnh tranh nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2012, ông Hồ Thái Trường Giang, Phó Giám đốc khối Ngân hàng cá nhân, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cho biết, khi triển khai giải pháp phân tích kinh doanh IBM Cognos 10, ngân hàng này có thể thu thập và tích hợp rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau (số dư tài khoản, giao dịch tài khoản, quy đổi ngoại hối, thanh toán hóa đơn…) nhằm cung cấp những thông tin kinh doanh, các chỉ số hoạt động và thông tin thị trường chính xác, tức thời trên phạm vi 100 phòng ban và 300 chi nhánh, phòng giao dịch toàn quốc.
Năm 2011, IDC đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.000 giám đốc CNTT và các giám đốc bộ phận tại Châu Á, kết quả cho thấy các công cụ phân tích kinh doanh được xếp là yếu tố CNTT số 1 trong việc đẩy mạnh tính cạnh tranh của tổ chức.
Dự báo của IDC cũng cho thấy, với tính cấp thiết của công nghệ phân tích kinh doanh thì thị trường công nghệ phân tích kinh doanh sẽ đạt 39,9 tỷ USD trong năm 2012, tăng 8,2% so với 2011. Và IDC dự đoán thị trường phân tích kinh doanh tại Việt Nam sẽ đạt trên 10,5 triệu USD vào năm nay, tăng 17% so với 2011.