Ống kính FX cho người chơi Nikon

Chơi máy ảnh số full-frame đồng nghĩa với việc bạn phải mua một số ống kính FX có chất lượng tốt để xứng đáng với số tiền khổng lồ chi ra khi "rước" thân máy về nhà.

Ống kính FX được thiết kế để sử dụng trên thân máy phim và máy ảnh kỹ thuật số full-frame của Nikon. Tất nhiên, đa số máy ảnh APS-C của Nikon (như D40, D90, D300...) cũng tương thích tốt với dòng ống kính này nhưng phải chịu thêm hiệu ứng nhân tiêu cự do kích cỡ cảm biến nhỏ hơn 1,5 lần so với chuẩn full-size 35 mm. Ngay từ khi ra mắt ống pre-AI đầu tiên vào năm 1959, cho đến tận ngày nay, Nikon vẫn áp dụng thiết kế dạng ngàm F với 3 ngạnh tiếp xúc tương thích hoàn toàn với hệ thống máy ảnh SLR của hãng. Nhờ vậy, rất nhiều người sở hữu bộ ống kính Nikon cách đây vài chục năm vẫn có thể dùng chúng trên thân máy kỹ thuật số đời mới mà hầu như không gặp bất cứ trở ngại nào về tính tương thích.

Chơi máy ảnh số full-frame đồng nghĩa với việc bạn phải mua một số ống kính FX có chất lượng tốt để xứng đáng với số tiền khổng lồ chi ra khi "rước" thân máy về nhà. Sau đây là một vài ống kính FX tiêu biểu theo gợi ý của trang web KenRockwell.com.

1. Ống kính mắt cá


Nikon 8mm f/2.8 AI-s. Ảnh: Kenrockwell.

Nikon 8mm f/2.8 AI-s được liệt vào dạng ống kính mắt cá tròn với góc nhìn 180 độ. Do vậy, khu vực ảnh thu được có dạng đĩa với đường kính 23,2 mm nằm trên mặt cảm biến hoặc phim 35 mm. Góc ảnh luôn bị đen kể cả khi gắn "siêu khủng" này trên thân máy DX. Ống kính 8 mm đời AI-s được sản xuất hàng loạt năm 1982 thay thế cho hai phiên bản có chất lượng tương đương là non-AI (1970-1977) và AI (1977-1982).

Ống kính cho ảnh siêu nét với rất ít sắc sai trên tất cả mọi thiết lập khẩu độ. Với những thân máy full-frame đời cao như D3 và D3x, bạn có thể dễ dàng crop khu vực ảnh trung tâm để in mà không gặp phải hiện tượng mờ thường thấy trên hầu hết ống kính góc rộng. Khi khép khẩu xuống khoảng f/8, độ nét trải đều và rất khó phát hiện được sự khác biệt giữa vùng rìa và vùng chính giữa ảnh. Thiết kế khẩu lớn (f/2.8) lý tưởng cho những thước chụp phong cảnh thiếu sáng vào lúc nhập nhoạng tối hay bình minh. Mặc dù sở hữu lớp phủ mặt tương đối đơn giản nhưng lóe ảnh (flare) xuất hiện rất ít kể cả khi hướng ống kính trực tiếp vào nguồn sáng mạnh.

Cho đến khi dừng sản xuất vào năm 1997, Nikon mới chỉ cho "ra lò" gần 10.000 phiên bản 8mm f/2.8 trên cả ba đời non-AI, AI và AI-s. Hiện mức giá của sản phẩm này trên thị trường là khoảng 2.000 USD.


Nikon 16mm f/2.8 AF. Ảnh: Kenrockwell.

Một fisheye khác nhẹ, rẻ và đa dụng hơn là Nikon 16mm f/2.8. Khác với "đàn anh" 8 mm, ống kính này cho khu vực ảnh bao trọn mặt phim hay cảm quang. Viền ảnh hơi mờ khi thiết lập khẩu độ trong khoảng f/2.8 đến 5.6. Bù lại, ống kính hầu như không cho sắc sai và lóe ảnh. Nó cũng cung cấp tính năng lấy nét tự động với tốc độ khá cao. Giống như đa số ống fix sản xuất bởi Nikon, sản phẩm cho màu sắc tươi tắn với độ tương phản rất cao. Đây là sự lựa chọn tốt cho những người đam mê chụp ảnh phong cảnh và chân dung biếm họa với mức giá khá "hời": trên dưới 700 USD cho hàng "like new".


Ảnh chụp thử từ ống kính Nikon 16mm f/2.8 từ thân máy crop Nikon D300.
Ảnh: Nguyễn Tiến Hòa.

2. Ống fix góc rộng


Nikon 18mm f/2.8D AF được liệt vào dạng "hàng hiếm" trên thị trường.
Ảnh: Kenrockwell.

Với mức giá hơn 1.200 USD khi mới ''ra lò", Nikon 18mm f/2.8D AF là một "cơn ác mộng" cho tất cả những ai thích tận hưởng cảm giác thoải mái do ống kính góc rộng đem lại. Hãng chỉ sản xuất khoảng 7.000 phiên bản loại này trong thời gian từ năm 1994 đến 2006 vì quá ít người mua. Về chất lượng quang học, Nikon 18mm là một ống góc rộng lý tưởng trên thân máy FX với méo ảnh gần như bằng 0. Ảnh thu được khá nét nhưng hơi đen góc khi mở khẩu cực đại. Ống kính cũng được tích hợp cơ chế lấy nét tự động và vi mạch tính toán khoảng cách tới đối tượng. Mức giá hiện nay của sản phẩm này là khoảng 800 USD cho hàng cũ, khá phù hợp với những người sưu tầm hoặc thích nhiếp ảnh phong cảnh. Nikon cũng ra mắt một phiên bản góc rộng khác với chất lượng quang học tương đương là Nikkor 20mm f/2.8D AF. Hiện ống kính này đang có giá 610 USD cho hàng mới và khoảng 450 USD cho hàng "like new".


Nikon F5, ống kính Nikkor 28mm f/1.4 AF, tốc độ 1/10 giây, khẩu độ f/1.4,
phim Fuji Velvia 100F. Ảnh: Nikon.

Một ống kính góc rộng nổi tiếng được liệt vào hàng "siêu phẩm" của Nikon là 28mm f/1.4D AF. Với chất lượng quang học cực đỉnh do được "gia tốc" bằng thấu kính aspheric đặc biệt và 9 lá thép khẩu độ, Nikon 28 mm hiện đang là giấc mơ của rất nhiều người, kể cả dân chuyên nghiệp. Sản phẩm không còn hàng mới và cũng khó kiếm trên thị trường second-hand. Tính đến thời điểm 2008, giá của Nikon 28mm f/1.4D AF là đã bị đẩy lên tới hơn 4.000 USD.

3. Ống zoom góc rộng


Nikon 14-24mm f/2.8 AF-S. Ảnh: Kenrockwell.

Nikon 14-24 mm f/2.8 AF-S được giới chơi ảnh đánh giá là phiên bản zoom siêu rộng nét nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Ống kính là sự lựa chọn hoàn hảo khi lắp lên thân máy DX cao cấp như D300 và cả những dòng full-frame khác. Khi đã sở hữu ống kính này, có lẽ bạn nên "dẹp" những fix với tiêu cự 24mm, 20mm, 18mm, 17mm, 15mm và 14mm sang một bên. Bù lại, khi muốn chụp với "hàng khủng" nặng tới 1 kg này, sẽ phải chấp nhận chi ra 1.800 USD, mức giá không hề dễ chịu với hầu hết dân chơi ảnh hiện nay.

4. Ống kính tiêu chuẩn


Nikon 50mm f/1.4 AF-S. Ảnh: Kenrockwell.

Nếu muốn chụp ảnh cho gia đình và bạn bè trong những điều kiện ánh sáng ngặt nghèo, không nên bỏ qua Nikon 50mm f/1.4 AF-S. Ống kính mới được sản xuất năm 2008, song hành cùng "đàn anh" 50mm f/1.8 D có mức giá bình dân hơn. Sản phẩm cũng sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất của Nikon như cơ chế lấy nét trong sử dụng motor siêu âm (không thò thụt và không gây ồn), phủ mặt đa lớp NIC (hạn chế flare), 9 lá thép khẩu độ (tạo bokeh tròn và mịn). Ngoài ra, hãng còn trang bị bên hông nút gạt M/A - M giúp người dùng lấy nét thủ công bằng tay ngay cả khi đang ống kính đang thực hiện lấy nét tự động.

Ống kính cho ảnh rất nét tại mọi thiết lập khẩu độ và tại mọi điểm trên ảnh. Tốc độ lấy nét cực nhanh và chính xác giúp bạn bắt dính mọi chuyển động kể cả khi ánh sáng yếu. Chất lượng build khá tốt với ngàm kim loại cũng là một ưu điểm đáng hoan nghênh ở dòng sản phẩm bình dân này. Hiện Nikon 50mm f/1.4 AF-S đang có giá khoảng 420 USD cho hàng mới.

5. Ống zoom tiêu cự trung bình (midrange zoom)


Ảnh chụp từ Nikon D300, ống kính Nikon 24-70mm f/2.8G AF-S.
Ảnh: Đoàn Phú Tiến.

Ra mắt cùng đợt với hai "hàng khủng" là ống góc rộng 14-24mm f/2.8 và thân máy full-frame D3, 24-70mm f/2.8G AF-S là ống zoom tiêu cự trung bình nét nhất từng được sản xuất bởi Nikon. Công nghệ phủ mặt nano (Nano Crystal Coating) giúp loại bỏ gần như hoàn toàn hiện tượng lóe ảnh và bóng ma khi chụp ngoài trời nắng. Tốc độ lấy nét cực nhanh và không hề gây ồn nhờ có sự trợ giúp của motor siêu thanh. Ống kính được chế tạo khá tỉ mỉ, đem lại cảm giác chắc chắn và thoải mái cho người sử dụng. Bù lại, mức giá trên thị trường hiện nay của sản phẩm khá cao, khoảng 1.700 USD.

6. Ống kính macro


Nikon 200mm f/4D AF Micro. Ảnh: Kenrockwell.

Nếu bạn thích thể loại nhiếp ảnh macro, có lẽ không nên chọn những ống có tiêu cự 55mm và 60mm của Nikon. Mặc dù có chất lượng quang học khá tốt nhưng chúng buộc người dùng phải dí sát ống kính vào vật thể, rất bất tiện khi chụp ảnh động vật và làm che mất khá nhiều ánh sáng. Có hai sự lựa chọn tối ưu hơn là Nikon 105mm f/2.8 VR và Nikon 200mm f/4 AF. Giá của hai ống macro này đều khá cao nhưng hiển nhiên, chất lượng quang học mà chúng đem lại thì "miễn bàn". Ảnh thu được nét tại mọi điểm, bất chấp khoảng cách từ đối tượng đến ống kính. Độ nét của hai ống kính này lớn đến mức, bạn sẽ phải sử dụng kính lọc làm mềm tiêu điểm (hoặc phần mềm xử lý ảnh) khi dùng để chụp chân dung. Cả hai ống đều hỗ trợ tỷ lệ phóng đại 1:1 ở khoảng cách xa (154mm đối với ống 105mm VR và 260mm đối với ống 200mm AF), rất thích hợp để khám phá thế giới macro bé nhỏ mà không làm "kinh động" đến các sinh vật sống.

7. Ống kính chân dung


Ảnh được chụp bằng Nikon D3 và ống kính Nikkor 135mm f/2 DC.
Tác giả: Bruce Hemingway.

Nikon 135mm f/2 DC là một trong những ống kính chân dung huyền thoại của Nikon. Ống kính ra mắt lần đầu tiên vào năm 1990. Tương tự Nikkor 50/1.8D, sản phẩm cũng được tích hợp vi mạch hỗ trợ lấy nét và đo sáng. Ống kính cho độ nét, màu sắc cũng như bokeh thuộc hàng đỉnh cao trong số những ống fix sản xuất bởi Nikon. Tính năng Kiểm soát vùng ngoài khoảng lấy nét (Defocus Control) giúp điều chỉnh độ mờ phía trước và sau điểm lấy nét chính nhằm tạo ra những hiệu ứng bất ngờ khi nhiếp ảnh chân dung, đặc biệt là với những thước chụp cận. Hiện tại Việt Nam có khá ít dân chơi ảnh được sở hữu 135mm f/2 DC vì mức giá cũng như độ hiếm của "siêu phẩm" này.

8. Ống kính tele và siêu tele


Ống kính Nikon 70-200mm f/2.8 VR II. Ảnh: Kenrockwell.

Đã là một "Nikonian" chân chính, bạn phải biết đến danh tiếng lừng lẫy của tele zoom 70-200mm f/2.8. Dòng sản phẩm này hiện có hai phiên bản: VR (2003 - 2009) và VR II (2009). Với mức giá khoảng 1.600 USD cho phiên bản một và 2300 USD cho phiên bản hai. Đây không phải là những ống kính dành cho dân nghiệp dư "nhà nghèo". Ống này khắc phục hoàn toàn nhược điểm lấy nét chậm và kém chính xác thường xuất hiện trên các tele zoom đời đầu nhờ độ mở lớn f/2.8 và motor lấy nét siêu thanh. Ảnh thu được thậm chí còn nét và tươi màu hơn một số ống fix tiêu cự dài của Nikon. Bokeh cho bởi cả hai phiên bản đều được đánh giá ở mức hoàn hảo, rất thích hợp để chụp chân dung. Lóe ảnh (flare) và tối góc (falloff), vốn là hai vấn đề gây phiền nhiễu nhất trên các ống zoom đã được triệt tiêu hoàn toàn nhờ vào một loạt thấu kính ED cao cấp và công nghệ phủ mặt tiên tiến nhất của Nikon. Ngoài ra, ống kính còn được trang bị công nghệ ổn định quang học (VR và bản nâng cấp VRII), giúp hạn chế hiện tượng nhòe ảnh do người chụp rung tay.


Ảnh chụp từ ống kính Nikon 70-200mm f/2.8 VR rất nét và có bokeh mịn màng.
Ảnh: Nguyễn Tiến Hòa.

Trên phân khúc siêu tele, hãng cung cấp cho người dùng khá nhiều lựa chọn "đỉnh cao" như Nikon 200-400mm f/4 VR, Nikon 300mm f/2.8 VR, Nikon 400mm f/2.8 VR, Nikon 600mm f/4 VR... Tuy nhiên, mức giá của những sản phẩm này rất "chát" và nhắm vào đối tượng là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Thứ Năm, 22/04/2010 10:28
31 👨 1.204
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp