Những thiết bị Android "quá lạ để thành công"

Chấp nhận rủi ro với những ý tưởng mới là điều tốt nhưng trong thế giới công nghệ, nhiều công ty đã cho ra đời những sản phẩm "quá lạ" về cả mặt tính năng lẫn thiết kế. Chính vì vậy, những sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người dùng.

Những thiết bị Android "quá lạ để thành công"

Mời các bạn điểm qua một số thiết bị Android được coi là "quá độc, lạ" để có thể thành công:

Samsung Galaxy Beam

Samsung Galaxy Beam

Samsung Galaxy Beam không thực sự thu hút người dùng dưới góc độ một chiếc điện thoại. Điểm đáng lưu ý nhất của chiếc điện thoại này có lẽ là việc nó được tích hợp 1 máy chiếu DLP ở mặt trên.

Tuy nhiên, thời lượng pin của thiết bị này không đủ để giúp người dùng xem trọn một bộ phim và trên hết nhiều người cho biết họ không cần một chiếc điện thoại có máy chiếu. Không những vậy, chiếc máy chiếu còn khiến cho Samsung Galaxy Beam trở nên cồng kềnh và xấu xí trong mắt người dùng.

Kyocera Echo

Kyocera Echo

Điện thoại hai màn hình? Đó là những gì mà Kyocera Echo muốn mang đến cho người dùng. Sản phẩm này chủ yếu được phân phối thông qua nhà mạng Sprint của Mỹ nhưng vấn đề là máy còn rất nhiều lỗi khi hoạt động và có quá ít phần mềm hỗ trợ cho kiểu màn hình này. Một thất bại là điều khó tránh khỏi cho Kyocera Echo.

Samsung Continuum

Samsung Continuum

Bạn có thể nghĩ Samsung Continuum là một chiếc điện thoại màn hình kép nhưng thực sự nó là một màn hình lớn được chia làm hai phần. Sản phẩm này được bán ra bởi nhà mạng Verizon.

Dưới các nút điều hướng cảm ứng là một màn hình nhỏ dùng hiển thị các thông báo. Ý tưởng của Samsung là muốn tận dụng mọi không gian trên màn hình hiển thị của chiếc điện thoại nhưng người dùng lại không hào hứng với ý tưởng này. Tuy nhiên, đây có thể là một gọi ý để Samsung ra mắt những chiếc điện thoại với màn hình cong như Galaxy Note Edge và Galaxy S6 Edge sau này.

Pantech Pocket

Pantech Pocket

AT&T bán ra Pantech Pocket một thời gian ngắn trong năm 2011 nhưng sản phẩm này đã nhanh chóng rơi vào quên lãng. Pantech Pocket có màn hình 4 inch với tỉ lệ 4:3, độ phân giải 800x600 pixel. Thiết kế của sản phẩm trông giống như một chiếc iPad thu nhỏ nhưng tất nhiên là không tinh tế bằng. Hơn nữa, nhiều người thắc mắc vì sao nó có tên là "Pocket" trong khi việc để một chiếc điện thoại như thế này vào túi là khá khó khăn.

Sony Tablet P

Sony Tablet P

Sony đã không học được bài học từ Kyocera và kết quả là họ đã cho ra đời chiếc máy tính bảng có màn hình kép Sony Tablet P vào năm 2012. Đây là một chiếc máy tính bảng lấy cảm hứng từ những chiếc điện thoại vỏ sò nhưng việc thiếu vắng các ứng dụng hỗ trợ cho màn hình kép cộng với đường viền màn hình quá dày đã khiến Sony Tablet P mất điểm nghiêm trọng.

Motorola Backflip

Motorola Backflip

Rất lâu trước khi được Google mua lại (và sau đó là Lenovo), Motorola đã cho ra đời chiếc điện thoại Backflip với thiết kế gồm một màn hình cảm ứng và một bàn phím cơ có thể gấp lại thông qua một bảng lề.

Máy sở hữu một trackpad cảm ứng đa điểm (gọi là Backtrack) phía dưới nhưng điều này khiến người dùng gặp nhiều trở ngại khi nhập liệu. Hơn nữa, Backflip sử dụng Yahoo Search làm công cụ tìm kiếm mặc định thay vì Google Search. Chính thiết kế lạ mắt này là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Backflip.

Sony Ericsson Xperia Play

Sony Ericsson Xperia Play

Một chiếc điện thoại dạng trượt ngang tích hợp một gamepad dùng cho việc chơi các game PlayStation. Tuy nhiên, việc cung cấp một số lượng hạn chế các game trên PlayStation Mobile đã khiến nhiều công ty phần mềm nhanh chóng mất hứng thú với sản phẩm này. Mặc dù được một số game thủ yêu thích nhưng nhìn chung Ericsson Xperia Play chưa thể gọi là một sản phẩm thành công của Sony.

Motorola FlipOut

Motorola FlipOut

Ngoại trừ Backflip dành cho AT&T, Motorola còn phát hành một sản phẩm tương tự cho nhà mạng T-Mobile với tên gọi FlipOut. Việc giao diện người dùng chưa được tối ưu cho màn hình vuông vào thời điểm đó đã ngăn cản thiết bị này đi đến thành công. Dù sao, FlipOut cũng được nhiều người nhớ tới bởi thiết kế lạ mắt và đột phá của nó.

LG Optimus Vu 2

LG Optimus Vu 2

LG đã nhiều lần cố gắng sao chép sự thành công của Samsung Galaxy Note và một trong số đó là chiếc điện thoại có màn hình vuông LG Optimus Vu 1, 2 (màn hình 5 inch, tỉ lện 4:3) nhưng vẫn chưa đạt được doanh thu như mong muốn và cuối cùng công ty buộc phải ngừng phát triển dòng sản phẩm này.

Samsung Galaxy Round

Samsung Galaxy Round

Điện thoại với màn hình cong là xu hướng hiện nay nhưng Samsung Galaxy Round là một trường hợp cá biệt khi nó cong từ trên xuống dưới như hình một quả chuối. Chỉ có một vài tính năng phần mềm được tạo ra để tận dụng lợi thế của thiết kế này nhưng không có bất kỳ một sự đột phá đặc biệt nào. Người ta chỉ nhớ đến Samsung Galaxy Round nhờ thiết kế kì lạ của nó.

Dĩ nhiên danh sách này sẽ còn rất dài, nhưng trên đây là những sản phẩm "chắc chắn đã thất bại" với thiết kế "không giống ai".

Thứ Sáu, 27/03/2015 10:00
31 👨 321
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp