Để mở rộng bộ nhớ lưu trữ cho các thiết bị Anroid như smartphone hay tablet, bạn thường tìm đến những loại thẻ microSD được bày bán rộng rãi trên thị trường hiện nay. Số lượng các loại thẻ tương đối nhiều và đa dạng nhãn hiệu để người dùng có thể chọn lựa. Nhưng chính điều đó lại mang đến sự lúng túng khi bạn chọn mua thẻ microSD. Và chúng liệu có tương thích với thiết bị Android của mình hay không?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết khi chọn mua thẻ microSD, cũng như giải thích các khái niệm SDHC, SDXC, Class 10 hay UHS-I Class 1... liên quan tới thẻ microSD.
1. Dung lượng thẻ microSD
Thẻ microSD gồm có hai loại: SDHC và SDXC với sự khác biệt nằm tại dải dung lượng ở từng loại thẻ.
Thẻ SDHC có dung lượng từ 2 GB đến 32 GB. Còn thẻ SDXC trải dài từ 32 GB đến 2 TB. Từ đó, bạn có thể tính toán chọn mua thẻ để phù hợp với thiết bị. Chẳng hạn, một bức ảnh chụp bằng camera 16 MP sẽ có dung lượng khoảng 7 MB. Nếu mua thẻ 32 GB, bạn có thể lưu được khoảng 4.500 trên đó. Con số này sẽ phụ thuộc vào từng loại thiết bị, như smartphone Galaxy S7 hỗ trợ chụp ảnh RAW do ảnh sẽ có dung lượng cao hơn nhiều.
Nhiều người thường có xu hướng chọn mua loại thẻ càng có dung lượng cao càng tốt. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc vì thiết bị của bạn chưa chắc đã được hỗ trợ để nhận được thẻ. Bạn đọc có thể tham khảo một số smartphone Android được đánh giá cao, đồng thời có khe cắm thẻ microSD cũng như dung lượng tối đa mà chúng hỗ trợ:
- Galaxy S và S7 Edge: 200 GB
- LG V10: 2 TB
- Moto G 2015: 32 GB
- Xperia Z5 Compact: 200 GB
- OneTouch Idol 3: 32 GB
2. Tốc độ thẻ microSD
Ngoài việc chọn đúng dung lượng phù hợp cho thẻ, thì tốc độ thẻ cũng quan trọng trong việc chọn mua. Tốc độ thẻ sẽ quyết định việc ghi dữ liệu diễn ra nhanh hay chậm. Nếu có nhu cầu xử lý video hoặc ảnh, tốc độ thẻ càng cao sẽ càng giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn.
Hầu hết các thiết bị di động đời mới hiện nay hỗ trợ 3 loại tốc độ: Class 10, UHS-1 Class 1, và UHS-1 Class 3. UHS là viết tắt của Ultra High Speed (tốc độ siêu cao), hiện có 2 loại giao tiếp bus (giao tiếp giữa thẻ và phần cứng điện thoại) với nhãn I và II. Nhãn này giúp xác định tốc độ tối đa của thẻ. Ngoài ra, loại thẻ UHS-2 cũng đang được sản xuất (thẻ này có thêm một hàng chân cắm pin), tuy nhiên, số thiết bị di động hỗ trợ nó là không nhiều.
3 loại tốc độ đều có thể có trên cả thẻ microSDHC lẫn microSDXC. Do dung lượng và tốc độ của thẻ microSD không liên quan gì đến nhau. Bên cạnh đó, tốc độ tối đa của thẻ thường chỉ là con số trên "bao bì" và khó có thể đạt tới trong sử dụng thực tế. Thay vì để ý đến tốc độ tối đa, bạn nên quan tâm hơn đến tốc độ tối thiểu của 3 loại như sau:
- Class 10: 10MB/s, hỗ trợ ảnh chụp ở chế độ burst mode, video 1080p
- UHS-1 Class 1: 10MB/s, phù hợp với video quay trực tiếp và file video 1080p
- UHS-1 Class 3: 30MB/s, phù hợp với video quay trực tiếp và file video 4K
Loại thẻ MicroSD (SDHC hay SDXC) và dung lượng (GB hay TB) đều được ghi rất rõ trên thẻ. 3 loại tốc độ nói trên đều có logo để biểu thị tốc độ tối thiểu của chúng. Thẻ Class 10 có chữ cái C với số 10 bên trong; UHS-1 Class 1 và Class 3 là chữ cái U với số 1 hoặc số 3 bên trong.
Trên đây là những thông tin cần thiết để bạn có thể dễ dàng hơn trong việc chọn mua đúng loại thẻ MicroSD và phù hợp với các thiết bị Android.
Tham khảo thêm các bài sau đây:
Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!