Hãng Eastman Kodak, nhà sản xuất máy ảnh lừng lẫy một thời, ngày 9/2 đã tuyên bố họ sẽ ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất máy ảnh do đang trên bờ vực phá sản.
Kodak thông báo họ sẽ chấm dứt toàn bộ “ngành kinh doanh ghi hình,” bao gồm máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim bỏ túi và máy quay phim kỹ thuật số, để chỉ tập trung vào máy in và máy in ảnh. Tuy nhiên, hãng có thể sẽ nhượng quyền thương hiệu cho các nhà sản xuất máy ảnh khác.
“Chiến lược của Kodak là tăng cường lợi thế trong ngành kinh doanh ghi hình bằng cách thu hẹp sự tham gia về các lĩnh vực hạng mục sản phẩm, phân phối đại lý và các cửa hàng bán lẻ”, người phụ trách kinh doanh của Kodak, Pradeep Jotwani, nói. “Tuyên bố hôm nay phù hợp với quy trình đó, dựa trên những phân tích của chúng tôi với xu hướng ngành này.”
Kodak đang xin bảo hộ phá sản và tháng trước bước vào quá trình tái cấu trúc. Cho dù họ đã từng thống trị thị trường máy ảnh ở Mỹ cũng như toàn thế giới trong nhiều thập kỷ, nhưng hãng này đã không bắt kịp sự bùng nổ máy ảnh kỹ thuật số bắt đầu vào thập kỷ 90 của thế kỷ 20.
Chấm dứt kinh doanh máy ảnh sẽ giúp Kodak tiết kiệm được hơn 100 triệu USD chi phí hoạt động. Công ty mang tính biểu tượng có trụ sở tại New York này đã phải đối mặt với thách thức quá lớn trong việc thích nghi với một thế giới mới khi người chụp ảnh không cần dùng phim và ngày càng nhiều người sử dụng điện thoại để chụp ảnh.
Cổ phiếu Kodak rớt xuống mức dưới 1 USD khi công ty đệ đơn xin phá sản. Trong thời hoàng kim, cổ phiếu Kodak từng ở mức 80 USD vào năm 1996, ngay trước "cuộc cách mạng" ảnh kỹ thuật số thay thế gần như hoàn toàn nhu cầu của người tiêu dùng với phim và máy ảnh dùng phim của Kodak.
Kể từ đó, công ty tồn tại nhờ vào việc bán các nhượng quyền thương mại, nhưng mối đe dọa phá sản khiến ngay cả điều đó cũng trở nên khó khăn.
“Khi bạn rơi vào cảnh phải bán tống bán tháo, những người mua sẽ không vội vàng gì vì họ tính toán sẽ mua rẻ hơn khi Kodak hoàn toàn lụn bại,” Gregori Volokhine, một nhà phân tích của hãng Meeschaert Capital Markets, bình luận.
Lần gần nhất hãng thông báo có lợi nhuận là vào năm 2007. Một cột mốc khác đánh dấu sự sa sút của hãng là khi Kodak rớt khỏi tốp 30 công ty Mỹ trên danh sách chỉ số chứng khoán Dow Jones vào năm 2004.
Được nhà sáng chế George Eastman thành lập năm 1892, Kodak phát triển nhiều loại máy ảnh giá bình dân và phim chụp ảnh giúp hãng thu lợi nhuận trong nhiều thập kỷ. Ba thế hệ người Mỹ và rất nhiều người khác ở nước ngoài đã học cách chụp ảnh lần đầu với những chiếc máy ảnh Kodak. Hãng cũng từng được ca ngợi là nhà sáng chế kỹ thuật hàng đầu ở thời của mình, chẳng khác gì Apple hay Google hiện giờ.
Các vệ tinh mặt trăng của NASA vào những năm 1960 đã truyền về trái đất những hình ảnh đầu tiên về bề mặt mặt trăng trên phim của Kodak, và những thước phim về các phi hành gia đầu tiên đặt trân lên vệ tinh trái đất này cũng được quay bằng máy của Kodak.
Theo trang web của hãng, Kodak còn là hãng sản xuất và tráng phim cho vô số bộ phim Hollywood, bao gồm 80 phim đoạt giải Oscar ở hạng mục phim hay nhất. Chính Kodak cũng giành 9 giải Oscar ở các hạng mục kỹ thuật.
Điều trớ trêu là Kodak chính là hãng tiên phong trong việc nghiên cứu ảnh kỹ thuật số từ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, các nhà chế tạo điện tử châu Á đã tạo ra sự đột phá, còn Kodak không thoát ra được khỏi hào quang quá khứ.
“Họ chính là hãng phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số, nhưng họ không có lòng tin vào sản phẩm đó,” Volokhine bình luận.
Hiện giờ, Kodak thông báo họ vẫn có đủ thanh khoản để hoạt động bình thường và trả lương nhân viên trong quá trình phá sản. Kodak đang hoạt động với sự hỗ trợ tín dụng 950 triệu USD từ Citigroup và nhắm tới việc cải tổ mạnh mẽ để vững vàng hơn trong năm 2013. Tuy nhiên, đơn xin phá sản khiến việc làm của 19.000 lao động ở hãng đang lâm nguy.