Có thể khẳng định một điều rằng, từ buổi sơ khai khi Internet xuất hiện cho đến lúc nó trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại như ngày nay, Google chính là cái tên đã đặt nền móng, định hình, cũng như chịu trách nhiệm lớn nhất trong sự phát triển của không gian Internet toàn cầu. Khởi nguồn từ một công cụ tìm kiếm kiểu mới trên Internet, giờ đây, gã khổng lồ Google đã nắm trong tay 8 sản phẩm tiện ích với hơn một tỷ người dùng tích cực trên toàn thế giới. Chắc hẳn rất nhiều người trong số chúng ta đã từng một lần sử dụng các phần mềm của Google để tìm kiếm các kho lưu trữ kiến thức, giao tiếp, làm việc, cũng như tiếp cận với các thông tin truyền thông giải trí trên Internet. Vào thứ Ba, ngày 4 tháng 9 năm 2018 vừa qua, Google đã đón sinh nhật lần thứ 20. Đây không chỉ đơn thuần là một con số, nó còn là mốc son đánh dấu sự phát triển của một trong những thành tựu đáng kinh ngạc nhất, một kỳ tích có ảnh hưởng mọi lĩnh vực trong cuộc sống hiện đại của chúng ta ngày nay.
Cùng với Apple và Amazon, Alphabet - tập đoàn chủ quản của Google đã góp phần tạo thành một thị trường công nghệ thông tin được định giá lên tới hơn 1 nghìn tỷ đô la. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của Google, từ một công cụ tìm kiếm cho đến bản đồ, thư điện tử, hệ điều hành, lưu trữ đám mây, xe tự lái cho đến trợ lý ảo - những nhân tố đã biến Google trở thành một gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon, không những ở hiện tại mà còn có thể sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.
THÁNG 8 NĂM 1996: LARRY PAGE AND SERGEY BRIN GIỚI THIỆU GOOGLE TRÊN HỆ THỐNG MẠNG NỘI BỘ CỦA ĐẠI HỌC STANFORD
Google ban đầu được biết đến với cái tên BackRub và ra đời như là thành quả của một dự án nghiên cứu mà Larry Page chủ trì. Công trình nghiên cứu này là một phần của chương trình sau đại học chuyên ngành khoa học máy tính ở Stanford mà Larry Page đã theo học vào năm 1995. Ở đây, ông đã gặp Sergey Brin - người mà sau này đã trở thành đồng nghiệp của mình. Cả hai vẫn còn làm việc với nhau khi Page bắt đầu nghiên cứu về các liên kết trên World Wide Web. Larry Page đã phát triển một hệ thống giúp thu thập dữ liệu trên internet để xác định một trang web đang liên kết tới các trang web khác, ông cũng cho rằng việc tạo ra một loại công cụ tìm kiếm mới trên Internet là hoàn toàn khả thi.
Cùng với chuyên môn về toán học của Brin, bộ đôi này đã sáng tạo thuật toán PageRank (được đặt tên theo Larry Page) để xếp hạng kết quả tìm kiếm dựa trên đặc tính của các liên kết. Công nghệ này đã góp phần hình thành nền tảng cho công cụ tìm kiếm mạnh mẽ nhất thế giới thời đó, một công cụ mà đã được khởi chạy trên hệ thống mạng riêng của Đại học Stanford vào tháng 8 năm 1996.
NGÀY 4 THÁNG 9 NĂM 1998: GOOGLE TIẾP NHẬN KHOẢN ĐẦU TƯ TRỊ GIÁ 100.000 USD
Lấy cảm hứng từ số lượng lớn các liên kết giữa các trang mạng và cách thức công cụ tìm kiếm của họ sẽ trở nên chính xác và hữu ích hơn khi hệ thống web ngày càng được phát triển, Page và Brin đã đổi tên công ty của họ thành Google. Cái tên này bắt nguồn từ cụm từ toán học googol có ý nghĩa là số 1 kèm theo 100 số 0 đằng sau, với hàm ý nhiệm vụ của họ là tạo nên 1 số lượng vô hạn các nguồn tài nguyên trên website. Và giá trị cốt lõi của Google là cho mọi người thấy rằng việc sắp xếp lại lượng thông tin khổng lồ trên Internet một cách khoa học là cần thiết để giúp cho người dùng tìm được câu trả lời nhanh và chính xác nhất.
Hai nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin bắt đầu quá trình thành lập công ty tại nhà để xe của Susan Wojcicki, người sau này trở thành CEO của YouTube ở Menlo Park, California. Họ thành lập công ty lấy tên là Google, cùng với khoản đầu tư 100.000 đô la từ người đồng sáng lập Sun Microsystems, Andy Bechtolsheim.
THÁNG 8 NĂM 2001: ERIC SCHMIDT ĐẦU QUÂN CHO GOOGLE
Vào năm 2001, Page và Brin tuyển dụng Eric Schmidt về để điều hành Google. Khi đó, công ty chỉ mới được vài tuổi, nhưng đang có tốc độ phát triển hết sức nhanh chóng và “cần đến những người chèo lái có năng lực”, như Brin đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Charlie Rose cũng trong năm đó. Schmidt là một chuyên gia có kinh nghiệm dày dạn về kỹ thuật và đã từng làm việc trong vai trò là Giám đốc tài chính của Sun và sau đó là CEO của Nortel trước khi chuyển đến Google.
Eric Schmidt gia nhập ban giám đốc Google với tư cách chủ tịch vào tháng 3 năm 2001 và sau đó trở thành CEO của công ty vào tháng 8 và giữ cương vị này trong 10 năm. Ông góp công lớn trong việc mở bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) năm 2004, mua lại YouTube năm 2006, và ra mắt các sản phẩm nổi tiếng như Google Documents và Gmail. Năm 2011, ông chuyển sang vai trò chủ tịch điều hành và Larry Page trở thành CEO.
MÙA HÈ NĂM 2002: YAHOO THẤT BẠI TRONG VIỆC MUA LẠI GOOGLE VỚI GIÁ 3 TRIỆU ĐÔ LA
Những năm 2000 là khoảng thời gian đánh dấu những bước tiến và sự phát triển thần kỳ của Google. Trong một quãng thời gian dài trước khi Google trở nên nổi tiếng, Yahoo là công cụ tìm kiếm hàng đầu trên internet. Khi Google bắt đầu khẳng định được vị thế và dần chiếm lĩnh thị trường, công ty đã hợp tác và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định của Yahoo năm 2000. Vào mùa hè năm 2002, Yahoo đã cố gắng mua lại Google với giá 3 tỷ đô la, nhưng Google đã từ chối thỏa thuận vì các nhà sáng lập cho rằng giá trị của Google ít nhất phải ở mức 5 tỷ đô la.
Cuối năm đó Google tiếp tục cho ra mắt Google News, một dịch vụ tổng hợp nội dung tin tức hứa hẹn sẽ thay đổi cách thức phương tiện truyền thông kỹ thuật số được xuất bản và phân phối trên các trang web. Đến tháng 2/2004, Yahoo ngừng bắt tay với Google và đứng ra lập công cụ tìm kiếm riêng của họ nhưng không được thành công như mong đợi. Tuy nhiên, không biết Yahoo sẽ phải tiếc nuối đến nhường nào nếu biết rằng ngày nay Google và công ty mẹ Alphabet có giá trị vốn hóa thị trường lên tới 840 tỷ đô la. Chưa dừng lại ở đó, trớ trêu thay, Yahoo, kẻ thống trị năm xưa đã bị bán cho Verizon vào năm 2017 với mức giá chưa tới 5 tỷ đô la.
THÁNG 7 NĂM 2003: GOOGLE CHUYỂN TỚI GOOGLEPLEX
Sau các văn phòng phát triển tại Palo Alto và các vùng lân cận khác ở Thung lũng Silicon, Google đã thuê một tòa nhà phức hợp tại số 1600 Amphitheatre Parkway, nơi được biết đến như là Trung tâm Công nghệ Amphitheater thuộc sở hữu của Silicon Graphics ở Mountain View, California. Động thái này được đưa ra để đáp ứng chỗ làm rộng rãi, thuận tiện hơn cho lực lượng nhân sự lên đến trên 1.000 người của Google vào thời điểm đó. Trụ sở mới này sau đó được biết đến với cái tên Googleplex. Khuôn viên của công ty cũng được mở rộng và bổ sung nhiều công trình sau mỗi năm.
NGÀY MÙNG 1 THÁNG 4 NĂM 2004: GMAIL RA MẮT CÔNG CHÚNG
Năm 2001, nhân viên Google Paul Buchheit bắt đầu phát triển một hệ thống thư điện tử được thiết kế để giải quyết nhu cầu lưu trữ và liên lạc nội bộ ngày càng tăng của công ty. Thực ra Buchheit, đã có ý định phát triển loại thư điện tử dựa trên nền tảng web này từ thập niên 90 của thế kỷ trước với mục đích xây dựng một ứng dụng gửi thư nhanh hơn, nhạy hơn bằng cách sử dụng Ajax (sau đó là một bộ kỹ thuật phát triển web mới cho phép nhận thông tin từ máy chủ mà không phải tải lại toàn bộ trang). Vào ngày 1 tháng 4 năm 2004, Gmail được ra mắt công chúng với 1GB dung lượng lưu trữ và khả năng tìm kiếm nâng cao, khắc phục được các hạn chế thường thấy trên sản phẩm thư điện tử của các hãng cạnh tranh phổ biến thời bấy giờ (nhiều ứng dụng thư điện tử thời đó chỉ cung cấp cho người dùng một vài megabyte dung lượng lưu trữ). Ngày phát hành của Gmail trùng vào ngày cá tháng tư, do đó đã khiến nhiều người trong giới truyền thông suy đoán rằng đó là trò đùa, tuy nhiên sự thật lại hoàn toàn ngược lại, Gmail không những đã được phát hành mà còn gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.
NGÀY 19 THÁNG 8 NĂM 2004: GOOGLE MỞ BÁN CỔ PHIẾU RA CÔNG CHÚNG
Từ khoản đầu tư ban đầu trị giá 100.000 đô la của Bechtolsheim, các sản phẩm của công ty đã mang lại lợi nhuận khổng lồ, dẫn đến việc hãng mở bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) sau 5 năm. Google định giá cổ phiếu của mình ở mức 85 đô la một cổ phiếu, mang về cho Google 1,67 tỷ USD đô la và khi đó giá trị thị trường của công ty vượt trên mức 27 tỷ đô la. Ngày nay, Google đang tiến những bước vững chắc trên con đường trở thành một công ty có giá trị hàng nghìn tỷ đô la.
NGÀY MÙNG 8 THÁNG 2 NĂM 2005: RA MẮT GOOGLE MAPS
Google lần đầu tiên giới thiệu Maps vào năm 2005 với khẩu hiệu "Maps can be useful and fun". Ở thời điểm mới ra mắt, Google Maps chỉ có phiên bản web, hiển thị cho người dùng đường đi và bản đồ có thể thu phóng với thông tin vị trí của các doanh nghiệp nổi tiếng như khách sạn, nhà hàng. Mãi đến năm 2009, Google mới tung ra tính năng điều hướng GPS từng chặng cho ứng dụng Maps trên điện thoại thông minh mà mọi thứ giờ đây đã trở nên thực sự hữu ích hơn rất nhiều. Tháng 6/2005, ứng dụng Google Earth, phiên bản vệ tinh bản đồ trái đất cũng được Google trình làng.
NGÀY 27 THÁNG 1 NĂM 2006: GOOGLE RA MẮT CÔNG CỤ TÌM KIẾM TẠI THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Tuy Google đã cung cấp phiên bản tiếng Trung trên các trang web của mình cho người dùng ở Trung Quốc kể từ tháng 9 năm 2000, nhưng dịch vụ đó có trụ sở tại California và vẫn phải chịu sự phong tỏa và giám sát của tường lửa. Vào năm 2006, Google đã ra mắt một công ty con có trụ sở tại Trung Quốc để cạnh tranh hiệu quả hơn với các giải pháp tìm kiếm nội địa như Baidu.
NGÀY MÙNG 9 THÁNG 10 NĂM 2006: GOOGLE MUA LẠI YOUTUBE
Sau khi qua mặt các công ty lớn hơn như Microsoft, Viacom và Yahoo, Google đã mua lại YouTube với giá 1,65 tỷ đô la. Thương vụ mua bán này có lợi cho cả đôi bên: Google đã dành chiến thắng trong cuộc chiến về lưu lượng truy cập video trực tuyến và YouTube, một thương hiệu gần như chưa đủ tên tuổi vào thời điểm đó đã có được quyền truy cập vào các tài nguyên khổng lồ của Google. Tuy nhiên, hãng quyết định giữ YouTube như một thương hiệu riêng biệt chứ không gộp chung vào dịch vụ tìm kiếm Google Video. Trụ sở chính của Google được đặt tại Mountain View trong khi YouTube vẫn đặt tại San Bruno. Kết quả như chúng ta đã biết, nhờ sự chống lưng của một gã khổng lồ trong ngành Internet mà YouTube đã phát triển trở thành dịch vụ chia sẻ video online lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Việc mua lại đã được chứng minh là một trong những quyết định quan trọng nhất của Google kể từ khi được thành lập.
NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 2007: GOOGLE THÂU TÓM DOUBLECLICK VÀ CỦNG CỐ THỊ TRƯỜNG QUẢNG CÁO TRỰC TUYẾN
Google đã tự khẳng định mình như là một thế lực thống trị trong lĩnh vực quảng cáo trên web với sự ra mắt của AdWords năm 2000. Đây là hệ thống đấu giá kỹ thuật số độc quyền và tự động của Google cho phép các nhà quảng cáo đặt giá thầu ngay lập tức trên các trang được tài trợ, đây là quảng cáo sẽ được hiển thị trên các trang kết quả tìm kiếm đầu tiên.
Trong năm 2007, Google đã cho ra mắt ứng dụng AdSense cho phép chủ sở hữu trang web đặt quảng cáo theo ngữ cảnh và nhắm tới các mục tiêu cụ thể. Một lần nữa Google lại củng cố vị thế thống trị của mình trong ngành quảng cáo bằng việc mua lại DoubleClick với giá 3,1 tỷ đô la. Và mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ đô la bốn năm sau đó. Với DoubleClick, một nền tảng chuyên về quảng cáo hiển thị hình ảnh và đã thực hiện trao đổi riêng, Google đã tiếp tục mở rộng đế chế quảng cáo truyền thông của mình trên Internet.
NGÀY MÙNG 2 THÁNG 9 NĂM 2008: GOOGLE RA MẮT TRÌNH DUYỆT WEB GOOGLE CHROME
Để chuẩn bị cho sự kiện này, từ nhiều năm trước đó Google đã thuê một số nhà phát triển Mozilla Firefox, và họ đã cùng nhau sáng tạo ra phiên bản Chrome cho Windows, phiên bản này sau đó được phát triển trên những hệ điều hành khác nữa. Ở buổi ra mắt, nó vẫn là một phiên bản beta, nhưng đã có các tab sandboxed để hỗ trợ duyệt web nhanh hơn và ổn định hơn. Google đã cho ra mắt một bản hướng dẫn đi kèm các hình ảnh có độ dài hơn 40 trang để giải thích về cách thức mà Chrome làm việc. Kết quả là chỉ trong bốn năm ngắn ngủi, trình duyệt của Google đã phát triển một cách thần tốc, đánh bật cả Firefox và Internet Explorer. Mười năm sau, Chrome hiện là trình duyệt web thống trị thế giới, với khoảng 60% thị phần sử dụng trên toàn cầu và đó là cũng chính là nguồn động lực lớn nhất hỗ trợ công cụ Google Search phát triển thành công như ngày hôm nay.
NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 2008: ANDROID CHÍNH THỨC CHẠY TRÊN T-MOBILE G1/HTC DREAM
Sau khi lặng lẽ mua lại Android với giá 50 triệu USD vào năm 2005, một nền tảng mà sau này đã trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới. Google đã cho ra mắt Android trên T-Mobile G1/HTC Dream. Chiếc điện thoại Android đầu tiên này được ra mắt vào ngày 22 tháng 10 với giá 179 đô la (với hợp đồng nhà mạng trong hai năm). Từ đó Android không ngừng phát triển và trở thành hệ điều hành phổ biến nhất trên các thiết bị di động với những đặc trưng là một phần mềm có mã nguồn mở, tích hợp sâu với các dịch vụ của Google và các tính năng thông báo ưu việt nhất.
NGÀY MÙNG 5 THÁNG 1 NĂM 2010: GOOGLE NEXUS ONE ĐƯỢC RA MẮT
Ở những ngày đầu được ra mắt Android có thể được coi như một hệ điều hành “chuột bạch”. Có rất nhiều nhà sản xuất chọn Android làm hệ điều hành cho các sản phẩm của mình như dòng Droid của Motorola, điện thoại Galaxy của Samsung và dòng sản phẩm Evo của HTC. Các mẫu smartphone này đều chạy trên cùng một phần mềm Android, nhưng được tùy biến theo ý muốn của các hãng sản xuất. Còn nếu người dùng muốn trải nghiện Android một cách thuần túy, họ sẽ chọn Google Nexus (ngày nay là Google Pixel). Tuy nhiên các thiết kế smartphone Google thường được coi là xấu xí, khó hiểu và sức mạnh phần cứng tương đối mờ nhạt. Google Nexus One được gia công bởi HTC nhưng dựa trên thiết kế của Google. Và sau khi dòng Nexus bị khai tử, Google đã phải triển thế hệ điện thoại thông minh mang tên Pixel như ngày hôm nay. Sự ra đời của Pixel cũng cho thấy rằng Google đang chú trọng nhiều hơn đến không gian phần cứng trên các thiết bị smartphone hơn bao giờ hết.
NGÀY 22 THÁNG 3 NĂM 2010: GOOGLE RỜI KHỎI THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Vào đầu năm 2010, Google đã phát hiện ra một cuộc tấn công lừa đảo tinh vi ở Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của hãng nhằm khai thác địa chỉ email và thông tin cá nhân của các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc. Cuộc tấn công khiến Google phải chuyển đổi cách thức hoạt động của hãng ở Trung Quốc, ngay cả khi dự đoán trước được những hệ quả mà sự thay đổi này mang lại. Google.cn trước kia hiện được chuyển thành Google.com.hk, một công cụ tìm kiếm không kiểm duyệt có trụ sở tại Hồng Kông. Ngay sau động thái này, Bắc Kinh cấm Google trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 2010: VỤ KIỆN CÁO GIỮA ORACLE VÀ GOOGLE
Oracle đã châm ngòi cho một vụ kiện kéo dài 8 năm. Oracle đệ đơn kiện từ năm 2010, cáo buộc Google vi phạm hai sáng chế liên quan tới phần mềm Java, ngôn ngữ lập trình dùng cho smartphone và website. Vụ kiện xoay quanh các API Java và liệu Google có vi phạm IP của Oracle hay không khi sử dụng chúng trong Android. Nếu không có khả năng tự do làm lại các API, những người ủng hộ như Electronic Frontier Foundation lo ngại rằng sự phát triển phần cứng và phần mềm sẽ bị bóp nghẹt. Google đã thắng kiện hai lần. Tuy nhiên hiện tại, sau 8 năm, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ và Oracle hiện đang là người giành được lợi thế trong khi Google đã cố gắng kháng cáo lên Tòa án tối cao.
THÁNG 10 NĂM 2010: GOOGLE BẮT ĐẦU PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN VỀ XE TỰ HÀNH
Trong năm 2010, Google đã tung ra một loại sản phẩm khác rất khác, mang những màu sắc mới mẻ hơn, đó là một đội gồm bảy chiếc Toyota Priuses. Những chiếc xe lai (hybrid) này đã được trang bị thêm các cảm biến và được tích hợp cả trí thông minh nhân tạo, chúng như là một hồi chuông đánh dấu mối quan tâm của Google về thị trường xe ô tô có thể tự lái. Nỗ lực đó được Google đầu tư phát triển trong nhiều năm và cuối cùng trở thành một doanh nghiệp độc lập được gọi là Waymo.
NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2011: CHROME OS RA MẮT LẦN ĐẦU TIÊN
Sau khi tung ra một trình duyệt web, Google đã nhận thấy được sự cần thiết của việc phát triển một hệ điều hành hoàn chỉnh. Chrome OS là một hệ điều hành có mã nguồn mở được thiết kế chủ yếu để lưu trữ các ứng dụng web và chạy trên các netbook, hiện được gọi là Chromebook. Lúc đầu, Google phát hành mã nguồn của Chrome OS và sau đó đưa ra bản demo của hệ điều hành này. Đến tháng 6 năm 2011, các Chromebook đầu tiên do Acer và Samsung sản xuất đã có mặt trên kệ của các cửa hàng bán lẻ.
Chromebook đã trở thành một thiết bị hữu ích trong giáo dục, và Microsoft thậm chí còn phải học theo Google với các máy tính xách tay Windows S Mode.
NGÀY 28 THÁNG 6 NĂM 2011: TIẾP TỤC “GIẤC MƠ” MẠNG XÃ HỘI VỚI GOOGLE+
Có thể nói, Google đã rất liều lĩnh khi trở thành kẻ thách thức với Facebook khi mạng xã hội này đang ở thời kỳ phát triển bùng nổ bằng cách tung ra Google+, đồng thời thay thế công cụ microblogging của Google Buzz. Nhưng không giống như chính sách yêu cầu tham gia của Facebook là chỉ cần đăng ký tài khoản bằng một email hợp lệ, Google+ đã hoạt động dưới dạng mạng xã hội chỉ dành cho những người được mời. Ở đây, bạn có thể chia sẻ ảnh, liên kết và bắt đầu cuộc trò chuyện Hangout với "vòng kết nối" bạn bè.
Tuy nhiên, việc giữ chính sách chỉ những người được mời mới có thể tham gia khiến cho Google+ khó tiếp cận người dùng hơn Facebook cho dù Google đã tái cấu trúc lại Google+ rất nhiều lần.
NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 2011: GOOGLE TUYÊN BỐ ĐÃ HOÀN TẤT THƯƠNG VỤ MUA LẠI MOTOROLA MOBILITY
Không hài lòng với việc phải nhờ đến các nhà sản xuất khác giải quyết khâu phần cứng trong quy trình sản xuất smartphone như trường hợp của Nexus, Google đã đánh một canh bạc mạo hiểm khi quyết định mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ đô la vào năm 2011. Vào thời điểm đó Google cho rằng thương vụ này sẽ thổi một làn gió mới vào hệ sinh thái của Android và tăng cường tính cạnh tranh trong điện toán di động. Thế nhưng, trên thực tế, các mục tiêu mà Google đưa ra đến nay vẫn còn đang dang dở.
Dưới sự quản lý của Google, Motorola đã cho ra mắt mẫu điện thoại Moto X vào năm 2013. Chiếc smartphone này được lắp ráp tại Hoa Kỳ, cung cấp cho người dùng các tùy chỉnh và tùy chọn cá nhân hóa cũng như các phần mềm trực quan. Mặc dù được công chúng đón nhận nồng nhiệt, Moto X chưa bao giờ đạt được những kỳ vọng mà Google đề ra, và sự thành công của Moto G, phiên bản thấp hơn của Moto X cũng không đủ để cứu giấc mơ của Google. Vào thời điểm chiếc Moto X thế hệ thứ hai được công bố năm 2014, Google đã đồng ý bán lại Motorola cho Lenovo với mức giá thấp hơn hàng tỷ đô so với số tiền ban đầu mà công ty đã phải chi ra. Và sau cùng thì Moto Maker cho đến nay vẫn chỉ là giấc mơ ngoài tầm với của Google.
THÁNG 6 NĂM 2012: GIỚI THIỆU GOOGLE GLASS
Cùng với điện thoại thông minh và dịch vụ web, Google cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến phần cứng với các thử nghiệm trong Google X và ATAP. Trong đó, sản phẩm nổi tiếng nhất chính là Google Glass, một máy tính siêu nhỏ có thể đeo được như một chiếc kính mắt, giúp tăng cường thông tin mà bạn có thể nhìn thấy cũng như ghi lại các video và hình ảnh.
Để chứng minh sức mạnh của Project Glass, Sergey Brin đã trình diễn một bản thu âm được ghi trực tiếp từ một cuộc nhảy dù tại hội nghị phát triển I/O của công ty vào năm 2012. Thiết bị này đã chứng minh được sự hữu ích của mình đối với các nhà phát triển và một nhóm nhỏ khách hàng, nhưng không lâu sau đó, thiết bị này bị coi như là một nguy cơ tiềm ẩn về xâm phạm quyền riêng tư và một số doanh nghiệp bắt đầu cấm những người đeo kính của Google vào trụ sở làm việc của họ.
Đến năm 2017, Google Glass được cơ cấu lại thành một sản phẩm dành cho các doanh nghiệp để thu hẹp đối tượng khách hàng, nhưng Google Glass đã vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt tới từ các thiết bị đeo máy tính khác như Snap’s Spectacles và các loại kính AR khác. ATAP cho biết họ sẽ tiếp tục xây dựng các dự án đáng chú ý bao gồm áo thông minh Jacquard và điện thoại thông minh kiểu mô-đun Ara, trong khi Google X tiếp tục làm việc với các dự án đầy hoài bão.
NGÀY MÙNG 1 THÁNG 7 NĂM 2013: GOOGLE READER DỪNG HOẠT ĐỘNG
Trong một thông báo trước đó từ ngày 14-3, Google cho rằng công ty đã hết “năng lượng” cho những sản phẩm nhỏ và lượng người dùng Google Reader đã liên tục sụt giảm. Đây cũng là một phần của “chiến dịch tinh giảm biên chế” đối với các sản phẩm và dịch vụ của công ty.
Chỉ vài tiếng sau khi thông báo chính thức được đăng tải trên blog Google, Trên các mạng xã hội như Twitter và Facebook, nhiều người dùng đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định này của Google. Và các chiến dịch ký tên phản đối đã thu hút được nhiều sự chú ý.
NGÀY 24 THÁNG 7 NĂM 2013: GOOGLE CHROMECAST ĐƯỢC RA MẮT
Ở những ngày đầu ra mắt, Chromecast là một ứng dụng nhỏ, rẻ, không rườm rà hỗ trợ việc phát trực tuyến video từ điện thoại hoặc máy tính đến TV. Năm năm sau đó... Chromecast vẫn vậy, không có gì được thay đổi và Google hầu như không cập nhật cho sản phẩm của họ. Nhưng bạn biết không? Chromecast vẫn là một trong những cách rẻ nhất và đơn giản nhất để phát các video trực tiếp.
NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 2014: GOOGLE MUA LẠI CÔNG TY NGHIÊN CỨU AI DEEPMIND
Google đã giành được chiến thắng trong một cuộc chiến khó khăn đó là giành quyền mua lại một công ty AI có trụ sở tại London DeepMind. Google đã đánh bại Facebook chỉ bằng cách hứa hẹn sẽ tạo ra một hội đồng độc lập nhằm giám sát công nghệ của công ty. Nhưng dù sao đi chăng nữa thì đây cũng là một thương vụ đáng giá. Những thành công của DeepMind, đơn cử như hệ thống AlphaGo, đã được ca ngợi là một thành tựu khoa học toàn cầu và trở thành biểu tượng cho sự bùng nổ của AI ở thời điểm hiện tại. Không nghi ngờ gì nữa, việc thâu tóm lại DeepMind cũng mang lại những giá trị không thể tính toán cho Google về mặt tuyển dụng và tiếp thị. Hơn nữa, Google hiện nay được xem là một trong những công ty hàng đầu thế giới về AI. Họ sẽ không thể được như vậy nếu không có DeepMind.
NGÀY MÙNG 10 THÁNG 8 NĂM 2015: GOOGLE TÁI CẤU TRÚC THÀNH ALPHABET INC
Nhà đồng sáng lập Google Larry Page đã quyết định tái cơ cấu lại tập đoàn khổng lồ Google thành một công ty mới có tên là Alphabet. Việc tổ chức lại Google vào thời điểm này bao gồm việc tái cơ cấu lại cả dự án mở rộng cuộc sống Calico và các quỹ đầu tư của công ty thành các công ty riêng biệt với các CEO riêng. Ngoài ra, Sundar Pichai, một kỹ sư CNTT người Ấn Độ cũng được bộ nhiệm trở thành CEO của Google và thực tế đã chứng minh rằng đây là một quyết định rất sáng suốt.
Kể từ khi được tái cấu trúc, các công ty mới như Verily, Waymo và Wing đã được ra mắt và chỉ tập trung vào những mảng riêng biệt đã làm lên thành công cho công ty. Để kỷ niệm một mốc son mới trong quá trình phát triển của công ty, Google đã cho ra mắt một logo Google mới sau đó một tháng vào ngày 1 tháng 9 năm 2015.
NGÀY 18 THẮNG 5 NĂM 2016: RA MẮT TRỢ LÝ ẢO GOOGLE ASSISTANT
Có thể nói Google là kẻ đến muộn trong thị trường trợ lý ảo. Công ty tiếp cận thị trường hai năm sau khi Alexa của Amazon được ra mắt và muộn hơn gần năm năm so với Siri của Apple, nhưng Google Assistant đã không mất quá nhiều thời gian để bắt kịp với cả hai cái tên trên. Google Assistant đã nhanh chóng phát triển để trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Alexa về sự thống trị của AI đối với người tiêu dùng, nó có mặt trên loa Google Home, TV và màn hình thông minh trong vòng chưa đầy hai năm xuất hiện trên thị trường. Nếu AI là tương lai của thế giới, thì Google Assistant đã tự khẳng định mình như một kẻ thách thức xứng đáng cho ngai vàng hiện tại mà Alexa đang nắm giữ.
THÁNG 10 NĂM 2016: GOOGLE CỦNG CỐ VỊ THẾ CỦA MÌNH Ở MẢNG PHẦN CỨNG VỚI SỰ RA MẮT CỦA PIXEL VÀ GOOGLE HOME
Sau những năm tháng thâm nhập vào mạng phần cứng người tiêu dùng không mấy suôn sẻ với dòng điện thoại Nexus và các thiết bị khác, Google đã tiến một bước dài và vững chắc với việc ra mắt điện thoại thông minh Pixel, Pixel XL và loa thông minh Google Home. Pixel là điện thoại thông minh thuần Android đầu tiên được thiết kế hoàn toàn bởi Google. Mặc dù vẫn được sản xuất bởi một đối tác của Google (trong trường hợp này là HTC), Pixel đã đánh dấu một sự thay đổi táo bạo của Google trong việc tạo ra một hệ sinh thái các sản phẩm theo kiểu mà Apple đã làm. Loa thông minh Google Home cùng với Chromecast đóng vai trò như một phần của nền tảng truyền thông gia đình dựa trên trí thông minh nhân tạo của Google, trong khi điện thoại Pixel được cho là sẽ trở thành tiêu chuẩn vàng cho thiết bị cầm tay Android cao cấp
NGÀY 13 THÁNG 12 NĂM 2016: WAYMO RA ĐỜI NHƯ MỘT PHẦN CỦA TẬP ĐOÀN ALPHABET
Sáu năm sau khi thử nghiệm những chiếc xe tự hành đầu tiên của mình, Google đã quyết định chuyển dự án thành này một doanh nghiệp độc lập được gọi là Waymo. Công ty mới này được dẫn dắt bởi cựu giám đốc điều hành Hyundai John Krafcik. Điều đáng chú là họ cũng hợp tác với Fiat Chrysler và bắt đầu sử dụng chiếc minivan Pacifica làm phương tiện chính để phát triển (tính đến thời điểm hiện tại). Kế hoạch ban đầu của Google là chế tạo một chiếc xe tự lái hoàn toàn và họ đã đạt được những thành tựu nhất định. Sau những năm tháng thử nghiệm và đầu tư không tiếc tay của Google, Waymo đã trở thành một biểu tượng đi đầu trong thị trường xe tự hành. Công ty đã thử nghiệm tính hiệu quả bằng việc mang đến những chuyến đi thử cho các khách hàng ở Arizona và dự định sẽ khởi động hoàn toàn dịch vụ này theo quy mô thương mại trong năm 2018. Nhìn chung, Waymo vẫn là một trong những dự án thành công nhất của Google X lab.
NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2018: GOOGLE ĐỐI MẶT VỚI ÁN PHẠT KHỦNG TỪ LIÊN MINH CHÂU ÂU
Phạm vi tiếp cận và tầm ảnh hưởng của Google trong thế giới ngày nay là không phải bàn cãi, nó trở thành mô hình cho sự thành công trong kinh doanh hiện đại. Thế nên việc công ty phải đối mặt với một số thách thức pháp lý trong trong nhiều năm liên quan đến quyền riêng tư và luật chống cạnh tranh cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên khoản tiền phạt lên tới 5 tỷ USD mà Google phải đối mặt trong mùa hè vừa qua từ Liên minh châu Âu với các cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền trên Android cũng là một con số vô tiền khoáng hậu.
Cơ quan quản lý của EU là Ủy ban châu Âu đã xác định rằng Google đã dành ưu tiên cho các dịch vụ mua sắm của riêng mình trong các quảng cáo được hiển thị trên trình duyệt Chrome, được tải sẵn theo mặc định trên hầu hết các điện thoại thông minh Android. Mặc dù đến muộn nhưng hình phạt này như một lời cảnh tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách và công chúng về việc Google cũng như những người khổng lồ ở thung lũng Silicon khác như Facebook và Amazon, có thể từ lâu đã xâm nhập những điều luật chống độc quyền.
Chỉ một tháng sau khi án phạt của Liên minh Châu Âu được đưa ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cáo buộc Google điều khiển để ưu tiên hiển thị các kết quả tìm kiếm theo chiều có hại với ông. Google có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý hơn ở phía trước trên con đường phát triển của mình vì đơn giản họ là một trong những doanh nghiệp thành công nhất trên thế giới.
TỔNG KẾT
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Google đã trở thành một phần không thể thiếu với người dùng Internet. Cùng với sự phát triển và sáng tạo của mình, chắc hẳn Google sẽ còn tiếp tục vươn lên những tầm cao mới trong tương lai để không những là “gã khổng lồ” mà sẽ trở thành một vị vua thực sự trong làng công nghệ thế giới.
Xem thêm:
- Hệ điều hành Linux một chặng đường phát triển kỳ lạ
- Lịch sử hệ điều hành Windows của Microsoft xuyên suốt qua các thời kỳ
- Cách lấy lại mật khẩu Gmail, mật khẩu đăng nhập Google
- Bạn có muốn biết Google đã thu thập thông tin gì của bạn?
- 11 cách download video trên Youtube nhanh chóng, đơn giản
- Hướng dẫn từ A-Z cách tạo công cụ truy vấn Google Alerts