Hệ điều hành Linux: Một chặng đường phát triển kỳ lạ

Khi ra đời vào ngày 25/8/1991, Linux không hơn mấy một sở thích nhỏ đối với chàng trai 21 tuổi Linus Torvald. Giờ đây cộng đồng Linux ước tính có tới 86 triệu người dùng, trở thành xương sống cho nhiều doanh nghiệp lớn, được nhiều chính phủ sử dụng và có mặt trên nhiều thiết bị toàn thế giới.

Hệ điều hành Linux ban đầu chỉ là một lựa chọn thay thế cho những cấu trúc nền tảng sử dụng trên máy tính mainframe và hệ thống back-end trong doanh nghiệp. Giờ nó đã lớn mạnh, trở thành nền tảng chính cho các công ty từ nhỏ tới lớn. Theo Meike Chabowski, chiến lược gia tại Suse, Linux được đưa tới nhiều nền tảng phần cứng (hardware platform) hơn bất kì hệ điều hành nào, đó là nhờ vào sự phổ biến của hệ điều hành (HĐH) Android nhân Linux.

Ông nói với tờ LinuxInsider: "Ngày nay, Linux chiếm số lượng nhiều nhất trong số các nhân cho tất cả HĐH trên thế giới. Linux cũng là HĐH đông đảo nhất trên các máy chủ thuộc bất kì loại nào và trên 99,4% 500 siêu máy tính hàng đầu. Bạn cũng sẽ thấy Linux được nhúng trên rất nhiều thiết bị, máy móc từ ô tô, định tuyến mạng cho tới các thiết bị điều khiển tự động, thiết bị giải trí hay y tế như X-rays".

"Nhiều người thậm chí còn không biết họ đang dùng nó. Linux có mặt ở khắp mọi nơi", Chbowski nói.

Đầy những bất ngờ

Linux là một ý tưởng cách mạng. Nó mang tới sự thuận tiện trước đó vốn không có trên HĐH Minix và Unix được sử dụng tại đại học nơi Giám đốc kỹ thuật của Suse, Ralf Flax theo học. Ông nói với LinuxInsider rằng một điểm cộng lớn là ông có thể tự mình chạy nó trên máy PC ở nhà. Điều khiến Flaxa ngạc nhiên nữa là Linux đã phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn. "Ví dụ như ở thời kì đầu, bạn đã có thể sử dụng bội hình, nghĩa là bằng một tổ hợp phím, người dùng có thể chuyển đổi sang terminal thứ hai hoặc thứ ba".

Linux Debian

"Đó là tính năng rất hay, đặc biệt là vào thời điểm đó. Không còn môi trường đồ họa với nhiều cửa sổ khác nhau nữa", ông nói. Nhưng sự ngạc nhiên chưa dừng lại ở đó.

"Tôi bắt đầu Linux đơn thuần như một sở thích bởi tôi muốn và cần dùng nó cho việc nghiên cứu khoa học máy tính". "Khoảnh khắc tôi nhận ra mình có thể biến sở thích thành công việc thực sự là cột mốc lớn với Linux", Flaxa nhắc lại. Khả năng chuyển đổi phần cứng dễ dàng là lợi ích lớn nhất mà Linux mang lại cho Gerald Pferfer, Giám đốc sản phẩm và công nghệ tại Suse, điều không thể có trên các hệ điều hành khác. "Bạn có thể đổi bất kì bộ phận nào và Linux vẫn hoạt động tốt", ông nói với LinuxInsider.

Chabowski cho hay triết lý mở của Linux là bất ngờ lớn nhất với công nghệ điện toán mới. Mã nguồn mở và miễn phí gây ấn tượng cho ông ngay từ đầu, "nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên và tới nay vẫn khiến tôi thấy thú vị nhất về Linux là mô hình kết nối và phát triển toàn cầu của nó".

Linux trước cánh cổng mở rộng

Linux là hệ điều hành "đủ dùng" với mức giá phải chăng cho các startup (miễn phí), đó là nhận định của CEO Cloud Foundry Sam Ramji, người đã làm việc với Linux lần đầu tiên năm 2000 khi ông xây dựng dịch vụ ảnh kỹ thuật số trực tuyến Ofoto. Ông chia sẻ với LinuxInsider: "Chúng tôi dùng kiến thức thay vì trả phí bản quyền cho Solaris. Bước nhảy từ một sản phẩm sao chép cho tới một phát minh là thứ tôi không mơ tới, nhưng khoảng giữa những năm 2000, tính năng mới luôn xuất hiện trên Linux mà không nơi nào có, những thứ như Filesystems hay Cgroups".

Linux Mint

Các doanh nghiệp không biết tới sự tồn tại của Linux cho tới 25 năm trước, khi Ramji còn đang theo học tại University California, San Diego. Khi đó, Solaris, MacOS và Windows vẫn là những kẻ thống trị. Thậm chí tới cuối những năm 90, Linux vẫn chưa cung cấp được những hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp. Các công ty sử dụng Linux phải tự xoay xở dựa trên bản phân phối Linux miễn phí hoặc tạo ra phiên bản của riêng mình. Rủi ro khi đó là rất cao.

Tất cả đã thay đổi vào đầu những năm 2000 khi các ngân hàng ở phố Wall yêu cầu Linux hỗ trợ máy chủ ứng dụng cho doanh nghiệp. Ramji nói: "Đó là thời điểm mà các doanh nghiệp IT lớn như BEA, IBM hay Oracle phá vỡ rào cản nghi ngờ với Linux. Lỗ nhỏ đã bắt đầu một trận lụt lớn. Giờ đây, Linux trở thành mái nhà cho những cải tiến hệ điều hành".

Thay đổi thế giới

Theo chuyên gia ảo hóa của Aporeto Stefano Stabellini, người đã dùng Linux và đóng góp mã nguồn mở từ những năm 90, việc cài đặt Linux những ngày đầu không hề dễ dàng. "Rất khó giải thích thế nào là mã nguồn mở với mọi người và các công ty khi tôi bắt đầu với Linux những năm 90. Họ không hiểu được. Họ nghĩ mã nguồn mở không bền vững và Linux chỉ là một ngách (niche), một sở thích", ông nói với LinuxInsider. Giờ mọi thứ đã thay đổi. Mọi doanh nghiệp đều có chiếc lược sử dụng mã nguồn mở.

Giao diện Linux

"Microsoft từng là đối thủ lớn nhất, nhưng giờ lại là đồng minh thân cận. Linux là hệ điều hành được tiếp nhận rộng rãi nhất mọi thời đại. Nó được biết tới là nhân của điện thoại di động, bóng đèn và cả siêu máy tính, như vậy thì khác hẳn với ngách rồi", Stabellini nói.

Chất keo dính đặc biệt

Theo Stabellini, cộng đồng Linux xứng đáng được vinh danh bởi Linux xuất hiện khắp mọi nơi. Họ là những con người đến từ khắp nơi, là chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau, nhiều người làm việc cho những công ty là đối thủ của nhau. "Thật ngạc nhiên khi thấy họ khác nhau thế nào, nhưng quan trọng hơn cả, mục tiêu của họ vẫn là phát triển Linux. Đó là chất keo dính tất cả với nhau", Stabellini nói.

Trong ngành, có hai cột mốc đánh dấu thành tựu đưa Linux bước chân ra thế giới. Một là sự ra đời của Cgroups đã dọn đường cho Linux Container ngày nay. Hai là sự phát triển của cấu trúc dữ liệu cho cấu trúc ARM, giúp cho sự phát triển của ARM mang lại tính bền vững cho Linux.

Các yếu tố rủi ro

Sử dụng Linux trong những ngày đầu mang đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Nhiều người còn nghi ngờ tính bền vững của Linux. "Những ngày đầu, thử thách lớn nhất cho các doanh nghiệp sử dụng Linux là rủi ro. Họ không biết liệu dự án có thể tiếp tục hay không, liệu Linux có hỗ trợ phần cứng hay không, làm sao để luôn cập nhật và các chuyên gia thì rất khó tìm", Matt Hicks, phó chủ tịch công ty phần mềm Red Hat cho hay.

"Tuy vậy, mong muốn sử dụng một chuẩn mới tốt hơn phân phối Unix rất mãnh liệt và nó khiến nhiều người chấp nhận rủi ro", ông nói trên LinuxInsider. Viễn cảnh tương lai của Linux hôm nay đã khác xưa nhiều. Linux là cốt lõi của hầu hết các phát minh công nghệ. Hệ sinh thái bao quanh Linux rất rộng lớn và tài năng dường như không giới hạn. Hicks nhận định rằng Linux sẽ trở thành lựa chọn an toàn cho những ai sử dụng công nghệ làm cốt lõi cho việc kinh doanh.

Sự ra đời của nhân Linux 2.6 vào 17/12/2003 và phát hành Linux Kernel Development của Robert Love là hai cột mốc thay đổi Linux mãi mãi. "Dù đã làm việc với Linux nhiều năm trước, đó là lúc tôi nhận ra rằng Linux sở hữu lực đẩy có thể thay đổi cả ngành công nghiệp".

Tạp chí Linux Kernel Development

Bước dịch chuyển

Theo trưởng dự án Fedora Matthew Miller, có lẽ thử thách lớn nhất với Linux là đưa những bước tiến của mã nguồn mở ngang hàng với tính mở của một hệ điều hành mới phá vỡ mọi quy luật. Một sự dịch chuyển của mã nguồn mở, một nền văn hóa mở sẽ lớn lên cùng Linux. "Rõ ràng, Free Software Foundation đã ra đời nhiều năm trước Linux nhưng Linux mới là chất xúc tác cho một thay đổi lớn lao", Miller chia sẻ cùng LinuxInsider.

Ban đầu, Linux chỉ là một sở thích, ngay cả những bản phân phối có định hướng doanh nghiệp cũng vậy. "Đừng hiểu lầm ý tôi. Sản phẩm của họ rất ấn tượng nhưng vẫn còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Vấn đề bảo mật vẫn rất tệ. Tài khoản hệ thống không mật khẩu là chuyện thường và mỗi dịch vụ đều có thể kích hoạt dễ dàng. Thậm chí còn không có một mô hình cho việc cập nhật, ngay cả với vấn đề bảo mật", Miller nói.

Dù vậy, bước tiến của Linux vẫn khiến mọi người hứng thú và được cài đặt ngày càng nhiều. "Tôi nghĩ rằng Red Hat Enterprise Linux xuất hiện rất đúng lúc, tập trung vào giải quyết những vấn đề đó, và có lẽ quan trọng hơn cả là mang tới một lời chứng nhận, đảm bảo an toàn cho mã nguồn mở".

Red Hat

Trở thành mặc định

Đầu những năm 90, Linux trong doanh nghiệp vẫn chỉ được trang bị cho Web server FTP và các ứng dụng quy mô nhỏ hơn. Hầu hết các doanh nghiệp trong những năm 90 đều dùng cùng lúc nhiều loại phần cứng của Sun, SGI cũng như các ứng dụng chỉ chạy trên các phần cứng đó, như của Oracle, đó là nhận định của Dave Rosenberg, phó chủ tịch chiến lược và vận hành tại The Linux Foundation.

Linux hôm nay rất khác, nó đã trở thành hệ sinh thái ổn định và rộng lớn cho các nhà phát triển. Rosenberg nói với LinuxInsider: "Điều thay đổi ở Linux trong 10 năm qua là nó đã trở thành mặc định. Không còn câu hỏi kiểu "Tôi nên dùng Solaris hay SGI?" nữa mà Linux được cho là HĐH chuẩn. Rất khó để tìm ra một công nghệ nào có khả năng thay đổi viễn cảnh công nghệ và kinh doanh như Linux".

Những khả năng mới

Linux đã chứng minh chỗ đứng của mình sau 25 năm là HĐH mở và miễn phí. Nhiều phát minh ngày nay có được là nhờ Linux, đó là đánh giá của Gunnar Hellekson, Giám đốc phát triển sản phẩm của Red Hat Enterprise Virtualization và Red Hat Enterprise Linux.

Ông nói: "Thử thách và cũng là sức mạnh của Linux chính là hệ sinh thái tương đối phân mảnh thay vì độc quyền như những HĐH khác. Các lựa chọn rất rộng mở cho những phát minh nhưng lại không giúp mọi việc trở nên đơn giản hơn". Ví dụ như các gói RPM và DEB thực sự rất lộn xộn. Hy vọng những container sẽ mang tới công cụ để chúng hòa hợp hơn với cơ chế đóng gói.

Màn hình desktop hệ điều hành Linux

Ông nói thêm: "Nếu nhìn lại, ta sẽ thấy thành công của Linux đã truyền cảm hứng cho cả thế hệ các nhà phát triển phần mềm làm việc với cộng đồng mã nguồn mở, đồng thời khiến những sản phẩm đó hoạt động trên nền tảng mã nguồn mở". Không có Linux, người dùng máy tính ngày nay sẽ vẫn chỉ dùng những phần mềm dùng thử trên máy Windows. Thay vào đó, chúng ta đã có cả một hệ sinh thái IT hoàn toàn khác mà theo Hellekson là "toàn diện, mở rộng và hiệu quả hơn nhiều".

Thứ Sáu, 25/05/2018 14:06
55 👨 4.110
0 Bình luận
Sắp xếp theo