Loại nào cũng có ưu và nhược, tùy nhu cầu mà máy này sẽ đáp ứng được hay phù hợp hơn so với cái kia.
DSLR vs. máy ảnh du lịch. Ảnh: Digital Photography School. |
Trước khi xác định ưu và nhược của cả máy DSLR lẫn du lịch, cần phải khẳng định rằng số triệu điểm ảnh không nói lên chất lượng của máy hay chất lượng hình ảnh. Độ phân giải không phải là tất cả. Ngày nay có những máy ảnh du lịch có thể có độ phân giải tới 12 triệu điểm ảnh nhưng về chất lượng có khi không bằng một máy DSLR chỉ 8 Megapixel.
Vấn đề chính của sự khác biệt chất lượng là do cảm biến sử dụng trong các dòng máy du lịch nhỏ hơn nhiều so với cảm biến trong các dòng DSLR (thông thường tới 25 lần). Điều này có nghĩa là, mỗi điểm ảnh của dòng máy này sẽ nhỏ hơn nhiều, dẫn tới khả năng thu nhận ánh sáng kém hơn. Để khắc phục, các máy du lịch hay phải dùng tới mức ISO cao hơn, dẫn tới ảnh dễ bị nhiễu hạt.
Tất nhiên, kích cỡ cảm biến cũng chỉ là một vấn đề trong rất nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng hình ảnh. Trang Digital Photography School đã đưa ra đánh giá về ưu và nhược của từng loại máy.
DSLR
Gần đây đã có rất nhiều các hãng máy ảnh tung ra các phiên bản gọi là ống kính rời, mặc dù về mặt kỹ thuật mà nói không thể coi các máy này là DSLR được. Các mẫu Micro Four Third là ví dụ tiêu biểu. Theo đúng nghĩa DSLR (Digital, Single, Lens, Reflex), một máy được coi là DSLR nếu nó là máy kỹ thuật số, sử dụng ống kính rời, và sử dụng hệ thống gương lật phản chiếu.
Các máy DSLR thông thường cho ảnh đẹp. Ảnh: PMA-show. |
Ưu điểm của DSLR:
Chất lượng hình ảnh - với kích thước cảm biến lớn hơn, dẫn đến kích cỡ điểm ảnh lớn, nên các máy DSLR thông thường cho hình ảnh đẹp. Máy có thể sử dụng ở ISO thấp, tốc độ cửa trập nhanh nên ảnh cũng ít bị nhiễu hạt.
Tính linh động – do đặc tính có thể thay thế ống kính mà DSLR mang lại cả một thế giới khám phá mới cho các nhiếp ảnh gia. Họ có thể lựa chọn trong số vô vàn loại ống, từ bình dân tới đẳng cấp cao, từ góc siêu rộng, rộng tới tele tùy thuộc nhu cầu (tất nhiên cũng tùy thuộc túi tiền nữa). Bên cạnh đó là hàng loạt các thiết bị phụ trợ như đèn, các kính lọc… Tất nhiên là ống kính cũng có nhiều đẳng cấp và việc lựa chọn nào cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng của hình ảnh.
Tốc độ – các máy DSLR nói chung có tốc độ hoạt động nhanh hơn nhiều.
Khung ngắm quang – với hệ thống gương lật và lăng kính phản chiếu, hình ảnh từ ống kính tới mắt người, các máy DSLR cho khuôn hình trung thực hơn.
Dải ISO rộng – mặc dù có sự khác biệt giữa các đời máy ảnh nhưng nói chung các máy DSLR đều có dải ISO khá rộng, đủ để chụp trong mọi điều kiện ánh sáng môi trường.
Chỉnh tay – mặc dù ngày nay rất nhiều máy du lịch cũng cho phép chỉnh tay thông số nhưng các máy DSLR được thiết kế tùy biến người dùng hơn nhiều, gần như là cho phép nhiếp ảnh gia có thể can thiệp tới mọi thông số liên quan đến chất lượng ảnh.
Giữ giá – một số ý kiến cho rằng máy DSLR giữ giá hơn là máy du lịch. Điều này cũng đúng, bởi lẽ các phiên bản DSLR không được nâng cấp thường xuyên như các máy du lịch (thông thường tới 2 lần trong một năm). Mặt khác, do khả năng tương thích nhiều ống kính nên kể cả khi bạn đã đầu tư vào một lượng ống kính nhất định, khi muốn nâng cấp, bạn cũng chỉ phải nâng cấp phần thân máy nên không bị lãng phí số tiền đã bỏ ra cho ống.
Độ sâu trường ảnh – một trong những ưu điểm đáng kể của DSLR là máy cho phép chỉnh các thông số phơi sáng để cho ảnh có một độ sâu nhất định, làm nổi bật đối tượng trọng tâm, dù là ở hậu cảnh hay tiền cảnh tùy ý tưởng người chụp.
Chất lượng ống kính – mặc dù chất lượng ống kính các máy du lịch đang ngày càng được cải thiện hơn nhưng thực tế, ống kính trên DSLR và máy compact khác nhau. Và nhìn chung, chất lượng ống kính của DSLR vẫn hơn hẳn máy du lịch do có thấu kính lớn hơn, được làm cẩn thận hơn, nhất là các hãng hiện nay đều có riêng những phân khúc ống kính đẳng cấp dành riêng cho giới chuyên nghiệp, bên cạnh mảng bình dân hướng tới đại chúng.
Máy DSLR nói chung khá to và nặng. Ảnh: PMA-show. |
Nhược điểm của DSLR:
Giá cả – mặc dù đang dần xuống giá, nhất là các phiên bản bình dân, nhưng nói chung, giá máy DSLR vẫn còn khá cao so với máy du lịch. Mặt khác, việc nâng cấp lên ống kính chất lượng hơn cũng tốn không ít tiền, có thể nói còn nhiều hơn chính bản thân thân máy.
Kích cỡ và trọng lượng – các máy DSLR nói chung đều khá to và nặng so với sự gọn nhẹ của máy du lịch, nhất là nếu bạn lại có tới vài ống kính. Việc lúc nào cũng phải mang vác túi hay ba lô chuyên dụng đựng máy ảnh đôi khi không phải là điều dễ dàng.
Bảo dưỡng – khi thay ống kính trên máy DSLR bụi dễ lọt vào cảm biến, khi đó, ảnh sẽ hiện những nốt rất khó chịu và việc lau chùi đôi khi phải nhờ tới dịch vụ và lại tốn thêm mớ tiền. May mắn là các máy DSLR tiên tiến hiện nay đều đã được trang bị tính năng rũ bụi cảm biến, giúp loại bỏ phần nào nguy cơ này.
Ồn – máy DSLR nói chung ồn hơn các máy du lịch vốn hoạt động rất êm ái. Nguyên nhân một phần do mô-tơ ống kính khi lấy nét (tùy thuộc vào ống kính mà mô-tơ này êm hay không) hay do hệ thống gương lật bên trong máy ảnh.
Phức tạp – mặc dù DSLR đều trang bị tính năng tự động hoàn toàn, giúp người chụp chỉ việc giơ máy lên và bấm, không kém gì các máy du lịch, nhưng với các thông số chỉnh tay hay bán tự động, nếu không học hay tìm hiểu, người chụp khó lòng nắm bắt được hàng loạt thông số phơi sáng phức tạp.
Không ngắm sống qua màn LCD – nếu chức năng ngắm ảnh qua màn LCD là hiển nhiên đối với các máy du lịch thì trên máy DSLR, người chụp phải nhìn qua khung ngắm quang bé xíu nằm phía trên của thân máy. May mắn, các máy DSLR tiên tiên ngày nay cũng đều bắt đầu tích hợp chức năng ngắm sống LiveView qua LCD dù chưa được hoàn hảo.
Các máy du lịch
Máy du lịch nhìn chung gọn nhẹ và dễ bỏ túi áo, túi quần. Ảnh:Hypebeast. |
Ưu điểm:
Kích cỡ và cân nặng - máy du lịch nhìn chung đều vô cùng gọn nhẹ, có thể bỏ gọn trong túi áo hay quần và theo bạn đi bất cứ đâu. Thậm chí, ngày nay các hãng còn chạy đua đưa ra model ngày càng mỏng và nhẹ hơn sao cho người dùng thậm chí không hề càm thấy vướng víu khi mang theo bên mình.
Hoạt động êm ái hơn – do không có hệ thống gương lật nên các máy ảnh du lịch hoạt động rất êm ái, thậm chí trên menu còn phải có thêm tính năng tạo tiếng động khi chụp ảnh, nếu không người chụp có thể còn không nhận ra máy đã chụp hình tự lúc nào.
Tự động – chất lượng ảnh của các máy khác nhau thường khác nhau, nhưng phải nói rằng ở chế độ tự động, máy ảnh du lịch xử lý hình ảnh khá tốt, chất lượng hợp lý, đôi lúc còn rất đẹp. Chế độ này cũng được các hãng tập trung phát triển nhiều nhất, sao cho ngày càng tối ưu để người chụp ảnh được rảnh tay hơn.
Giá cả – thông thường, máy du lịch có mức giá rẻ, chấp nhận được. Tất nhiên, đối với những phiên bản đời cao, giá cũng không hề rẻ, nhưng so với việc có một máy ảnh chụp được thì mua một máy du lịch dễ dàng hơn nhiều so với một máy DSLR bình dân.
Ngắm ảnh sống qua LCD – nhiều người thích ngắm ảnh qua màn hình LCD của máy ảnh bởi nó to, dễ nhìn ở nhiều góc độ mà lại không phải dí sát mắt vào máy ảnh. Ở máy ảnh du lịch, tính năng ngắm sống này lại luôn là mặc định và hiển nhiên.
Nhược điểm:
Chất lượng hình ảnh – do máy ảnh du lịch sử dụng cảm biến nhỏ hơn nên chất lượng ảnh thường kém hơn máy DSLR. Mặc dù khoảng cách này cũng đang ngày càng được thu hẹp nhưng để đạt được chất lượng như DSLR, máy du lịch vẫn còn phải đi tiếp cả chặng đường dài. Tuy nhiên, không phải người chụp ảnh nào cũng cần những bức ảnh với yêu cầu đặc biệt. Vì thế, các nhà sản xuất đã tối ưu máy ảnh du lịch sao cho các máy máy này có thể cho ra những bức ảnh với chất lượng đáp ứng hầu hết yêu cầu thông thường của người dùng.
Dải ISO hẹp – máy du lịch thường có dải ISO hẹp hơn (thường chỉ đến 1.600) nên máy du lịch bị hạn chế hơn khi chụp trong những điều kiện ánh sáng khắt khe.
Tốc độ – máy ảnh du lịch thường hoạt động khá chậm chạp, nhất là độ trễ cửa trập dẫn tới hình ảnh cần chụp đôi khi bị bỏ lỡ.
Phụ thuộc hoàn toàn vào LCD – mặc dù một số máy ảnh du lịch vẫn được trang bị khung ngắm quang nhưng khung ngắm khá nhỏ và lại thường không chính xác nên mọi hoạt động của máy ảnh du lịch phụ thuộc hoàn toàn vào màn LCD.
Hạn chế chỉnh tay – dù nhiều máy ảnh ngày nay đã có thêm những tính năng chỉnh tay nhưng nói chung, các thông số này vẫn còn khá sơ lược và thường không đạt được hiệu quả như những thông số tương tự trên DSLR.
Kém linh hoạt – dù có tính cơ động cao nhưng các máy du lịch lại kém tính linh hoạt, bạn mua máy nào thì sẽ bị giới hạn trong các tính năng mà máy đó có. Nếu muốn thay đổi, bạn thường phải mua luôn một phiên bản mới.
Rõ ràng mỗi máy đều có những ưu và nhược riêng của mình. Nếu thích cơ động và tiện lợi, có thể mang đi bất cứ đâu thì máy du lịch là lựa chọn tối ưu. Nhưng nếu cầu kỳ hơn và muốn khám phá nhiếp ảnh với những bức ảnh ấn tượng hơn, bạn lại nên chọn DSLR.
Khó có thể nói nên hay không nên mua máy nào. Câu trả lời thích hợp nhất có lẽ là nên sắm cho mình cả du lịch lẫn DSLR.