Những "cuộc gặp gỡ" giữa thiết bị điện tử và nước sẽ trở nên bớt "bi kịch" hơn nếu chúng ta biết cách xử lý đúng đắn.
1. Tắt nguồn
Tắt nguồn thiết bị ngay lập tức
Bất kể thiết bị của bạn chỉ dính sơ sơ chút nước hay vừa có màn nhập vai “thợ lặn” hoàn hảo đi chăng nữa, điều đầu tiên bạn cần phải làm là tắt nguồn thiết bị. Điều này sẽ giúp bảo vệ các mạch điện bên trong.
Hầu hết (nhưng không phải tất cả) các linh kiện điện tử sẽ không bị hỏng hóc ngay lập tức khi dính nước nếu như không có dòng điện chạy qua chúng. Bằng cách tắt nguồn thiết bị, bạn đang có cơ hội tốt nhất để tối thiểu hoá thiệt hại. Ngoài ra, đừng cố sạc thiết bị khi chưa tiến hành làm khô.
2. Lau khô
Lau sơ bộ bằng khăn khô
Đầu tiên, hãy sử dụng một chiếc khăn khô để lau sạch thiết bị của bạn. Sau đó, hay đem nó đi hong khô. Nôn nóng không làm mọi chuyện trở nên dễ giải quyết hơn.
Vì thế, chúng ta tuyệt đối không nên dùng máy sấy, lò sưởi… để làm khô thiết bị bởi hơi thổi từ máy sấy có thể làm cho nước thâm nhập vào sâu bên trong di động. Hơn nữa, hơi nóng sẽ làm tăng nguy cơ nổ pin Lithium-ion (đang được sử dụng trong hầu hết thiết bị di động) vốn rất nhạy cảm với nhiệt.
Gạo có khả năng hút ẩm khá tốt
Khi không có điều kiện sử dụng khí mát (điều hoà, quạt…) cho việc hong khô, bạn hãy thử cách đặt thiết bị vào túi gạo. Các hạt gạo có tác dụng hút ẩm tương đối tốt. Sau đó, hãy chờ đợi tốt nhất trong khoảng từ 1-2 ngày trước khi quyết định bật thử lại thiết bị.
Việc lắc mạnh điện thoại và dùng giấy lụa, khăn bông để thấm nước có thể sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hong khô. Những rãnh hẹp có thể dùng ngón tay để lau nước, có thể dùng bông ngoáy tai, hoặc lấy tăm cuộn bông hay giấy lụa ở đầu để lau.
Bên cạnh đó, nếu có chuyên môn về thiết bị và hạn bảo hành cho sản phẩm cũng đã hết, bạn có thể tiến hành tháo rỡ thiết bị để làm khô triệt để trước khi tiến hành bật máy trở lại.
3. Kiểm tra bảo hành
Thông thường, bất kỳ sản phẩm di động nào đều không được hãng sản xuất chấp nhận bảo hành sản phẩm trong trường hợp hỏng hóc do va đập hay ngập nước.
Tuy nhiên, để gia tăng doanh số bán hàng, nhiều nhà bán lẻ cũng sẵn sàng bảo hành ngay cả khi thiết bị rơi vào hoàn cảnh éo le kể trên. Do đó, nếu mua sản phẩm từ bên cung cấp thứ 3 (không phải đại lý chính hãng, bán lẻ chính hãng), bạn nên kiểm tra lại điều khoản bảo hành trước khi quyết định móc tiền túi để đưa thiết bị đi “khám”.