Thông thường, các tổ chức chính phủ, quân đội và doanh nghiệp lớn thường lưu trữ các dữ liệu tuyệt mật trong một máy tính bị cô lập hoàn toàn với internet. Phương thức bảo mật này được gọi là "bọc không khí", giúp giảm thiểu nguy cơ bị hack, tấn công mạng.
Tuy nhiên, Các nhà nghiên cứu bảo mật Israel vừa phát triển thành công một phương thức tấn công mới nhắm vào những máy tính hoàn toàn không có kết nối internet.
Trong nửa thập kỷ qua Mordechai Guri, Giám đốc viện nghiên cứu tại Đại học Ben-Gurion Negev, Israel, đã tập trung nghiên cứu các phương thức tấn công mạng phi truyền thống. Ông đã thực hiện hàng chục nghiên cứu về các kỹ thuật tấn công máy tính không có kết nối internet.
AIR-FI là phương thức tấn công mới nhất mà Guri tìm ra. Với phương thức này, Guri có thể hack vào những chiếc máy tính bị cô lập hoàn toàn với internet. Mục đích chính của Guri là tìm ra cách lấy dữ liệu bằng những phương thức mà không ai ngờ tới từ đó nâng cao cảnh giác cũng như sẵn sàng các phương thức đối phó trong mọi tình huống.
AIR-FI dựa trên nguyên lý là mọi thiết bị điện tử đều phát ra sóng điện từ khi có dòng điện đi qua. WiFi cũng là một loại sóng điện từ. Vì thế, Ông Guri cho rằng chỉ cần điều chỉnh dòng điện bên trong RAM máy tính để nó phát ra sóng cùng tần số với tín hiệu WiFi, hacker có thể xâm nhập vào máy tính mà không cần thông qua kết nối internet.
Đương nhiên, ông Guri cũng trình diễn phương thức tấn công của mình. Bằng một số mã đọc/ghi nhất định, ông đã khiến RAM phát ra sóng điện từ cùng tần số với WiFi. Sóng này có thể được thu bởi một thiết bị có ăng-ten WiFi ở gần đó như smartphone, laptop, camera giám sát và smartwatch...
Thử nghiệm ban đầu của ông Guri cho thấy ông có thể xâm nhập và lấy dữ liệu từ một máy tính bị cô lập hoàn toàn với internet. Hạn chế của phương thức tấn công này là ông Guri phải tiếp cận được với chiếc máy tính đó và tốc độ truyền dữ liệu chỉ ở mức 100b/s. Theo ông, để chống lại AIR-FI, nhà quản lý có thể lắp thiết bị phá sóng WiFi trong phạm vi của hệ thống bọc không khí.