Telegram sẽ cung cấp IP và số điện thoại của những người dùng vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền để ngăn tội phạm lạm dụng.
Đây là nội dung thông báo về thay đổi điều khoản dịch vụ ứng dụng nhắn tin của CEO Pavel Durov đăng trên Telegram ngày 22/9.
Cụ thể, trong báo cáo minh bạch hàng quý, nền tảng sẽ công khai tất cả dữ liệu người dùng được chia sẻ với cơ quan thực thi pháp luật. Quyết định này được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi ông bị bắt tại Paris và đối mặt với cáo buộc "đồng lõa" liên quan đến nội dung lạm dụng tình dục trẻ em.
Động thái trên cho thấy Telegram đang có sự thay đổi lớn. Telegram nổi tiếng vì kiểm duyệt lỏng lẻo, bỏ qua yêu cầu gỡ bỏ từ nhiều chính phủ trên thế giới cũng như yêu cầu cung cấp thông tin về tội phạm bị tình nghi.
Năm 2013, Pavel Durov, 40 tuổi, sáng lập Telegram với mong muốn tạo ra một hệ thống nhắn tin mã hóa để mọi người giao tiếp, chống lại các quy định của chính phủ trong việc theo dõi người dân. Tuy nhiên, Telegram thiếu kiểm duyệt nội dung cùng với tính năng bảo vệ danh tính, giúp tránh sự giám sát của cơ quan thực thi pháp luật đã biến nền tảng trở thành nơi để các nhóm lừa đảo hoạt động, các phần tử cực đoan giao tiếp và tuyển dụng thành viên.
Đầu tháng 9, nhằm ngăn chặn bot và kẻ lừa đảo, Telegram cũng đã vô hiệu hóa tính năng tải lên phương tiện mới cho công cụ viết blog độc lập và loại bỏ tính năng tìm người lân cận People Nearby.
Telegram đang kiếm tiền ra sao?
Telegram là ứng dụng nhắn tin tức thời dựa trên nền tảng đám mây, hoạt động trên nhiều nền tảng được ông Pavel Durov sáng lập năm 2013, đặt trụ sở tại Dubai. Ứng dụng nhắn tin mã hóa này được tạo ra để tránh bị chính phủ "nhòm ngó" dữ liệu và hiện được nhiều người trên toàn thế giới sử dụng.
Pavel Durov, ông chủ của ứng dụng nhắn tin này hiện có tài sản 15,5 tỷ USD, theo Forbes. Từ năm 2018, ông Durov đã được tạp chí này đưa vào danh sách tỷ phú với khối tài sản lên tới 1,7 tỷ USD.
Ông Durov từng chia sẻ rằng, hiện có 900 triệu người dùng trên nền tảng này, tăng từ mức 500 triệu người dùng tính ở hồi đầu năm 2021. Công ty sắp có lãi khi đang tiến gần đến mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Theo Pavel Durov, Telegram đã phát triển thành một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Sau khi giới thiệu dịch vụ quảng cáo và đăng ký thành viên cao cấp cách đây hai năm, ứng dụng này đã có doanh thu "hàng trăm triệu USD".
Ông chủ của Telegram tiết lộ rằng, công ty được định giá lên tới hơn 30 tỷ USD nhưng ông không muốn bán Telegram và hướng tới mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc kiếm tiền từ Telegram là vì muốn duy trì sự độc lập tài chính và giúp tăng trải nghiệm cho người dùng.
Sau khi công ty đạt được lợi nhuận như mong muốn và điều kiện thị trường thuận lợi sẽ hướng đến niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ.
Ông Durov tiết lộ, Telegram đã huy động được 2 tỷ USD trong 2 đợt chào bán trái phiếu trị giá 1 tỷ USD và 750 triệu USD vào năm 2021 và 270 triệu USD vào năm 2023.
Durov còn cho biết cân nhắc bán một phần cổ phiếu của công ty cho những người dùng được coi là "trung thành" trong đợt IPO sắp tới.
Hiện tại, chi phí hàng năm cho mỗi người dùng của ứng dụng này là chưa tới 0,7 USD, Durov cho biết.
Để tăng doanh thu, hãng đã thử nghiệm quảng cáo tại một số khu vực với chi phí từ 1-10 triệu euro. Chính sách này được dự định sẽ mở rộng toàn cầu, tiếp cận các khách hàng nhỏ hơn.
950 triệu người dùng nên cập nhật ứng dụng Telegram ngay lập tức (25/7/2024)
Công ty an ninh mạng ESET đã tìm thấy một lỗ hổng zero day trên ứng dụng Telegram dành cho Android, cho phép kẻ gian gửi các tệp độc hại được ngụy trang dưới dạng video, ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng. Lỗ hổng này đã bị khai thác trong ít nhất 5 tuần trước khi được vá vào ngày 11/7.
Theo ESET, tin tặc đã tạo ra các tệp APK (gói cài đặt ứng dụng Android) độc hại và ngụy trang chúng dưới dạng video. Tệp APK sẽ tự động tải xuống và cài đặt khi người dùng tải hoặc nhấp vào video khiến thiết bị bị nhiễm mã độc.
Tin tặc còn hiển thị các thông báo giả mạo yêu cầu phát video bằng trình phát bên ngoài hoặc thông báo Telegram không thể cài đặt tệp APK để đánh lừa người dùng. Nếu bỏ qua những cảnh báo này, người dùng sẽ vô tình cài đặt phần mềm độc hại vào thiết bị của mình.
ESET đã phát hiện tin tặc sử dụng hai loại mã độc, một giả mạo phần mềm diệt virus Avast và một là "bản mod cao cấp" giả mạo cho một trang web người lớn.
Các phiên bản Telegram Android từ 10.14.4 trở về trước đều bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng này. Để vá lỗ hổng và tránh bị tấn công, người dùng được khuyến cáo cập nhật ứng dụng lên phiên bản mới nhất (10.14.5).
Ngoài ra, người dùng cũng nên thận trọng khi tải xuống hoặc nhấp vào các tệp từ các nguồn không đáng tin cậy và cập nhật phần mềm thường xuyên để bảo vệ thiết bị khỏi các lỗ hổng bảo mật.